Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tháng 6 năm nay nóng nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục năm 2023
Thứ hai: 17:41 ngày 08/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 8/7, cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết tháng 6 năm nay là tháng 6 nóng nhất được ghi nhận, đánh dấu nửa năm thời tiết khắc nghiệt với từ lũ lụt đến nắng nóng.

Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết, kể từ tháng 6/2023, nhiệt độ mỗi tháng đều phá vỡ kỷ lục của chính nó trong chuỗi 13 tháng nóng chưa từng có trên toàn cầu.

Một ngày hè nóng nực ở Jammu, Ấn Độ. Ảnh: AFP

"Điều này cho thấy khí hậu liên tục có những thay đổi lớn. Ngay cả khi chuỗi hiện tượng cực đoan này kết thúc vào một thời điểm nào đó, chúng ta vẫn chắc chắn sẽ chứng kiến ​​những kỷ lục mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên", Giám đốc Carlo Buontempo của C3S cho biết.

Ông nói, điều này là "không thể tránh khỏi" chừng nào con người còn tiếp tục thải thêm các loại khí giữ nhiệt vào bầu khí quyển.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu ghi nhận vào tháng trước đã phá vỡ kỷ lục trước đó được thiết lập vào tháng 6/2023. Mức cao mới này xuất hiện vào thời điểm giữa năm có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Nắng nóng gay gắt đã bao trùm nhiều vùng trên thế giới từ Ấn Độ đến Ả Rập Xê Út, Mỹ và Mexico trong nửa đầu năm nay.

Mưa liên tục, một hiện tượng mà các nhà khoa học cũng cho là có liên quan đến tình trạng ấm lên của hành tinh, đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ở Kenya, Trung Quốc, Brazil, Afghanistan, Nga và Pháp.

Các vụ cháy rừng đã thiêu rụi đất đai ở Hy Lạp và Canada. Tuần trước, cơn bão Beryl đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 đầu tiên được ghi nhận khi nó quét qua một số đảo Caribe.

Nhà khoa học cấp cao Julien Nicolas tại C3S cho biết chuỗi nhiệt độ phá kỷ lục trùng hợp với El Nino, một hiện tượng tự nhiên góp phần làm thời tiết nóng hơn trên toàn cầu. "Đó là một trong những yếu tố dẫn đến nhiệt độ kỷ lục, nhưng không phải là yếu tố duy nhất", ông nói.

Nhiệt độ đại dương cũng đã đạt mức cao mới. Nhiệt độ bề mặt nước biển kỷ lục ở Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng góp phần làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu.

Nhiệt độ bề mặt nước biển đạt một cột mốc riêng biệt vào tháng 6, đánh dấu tháng thứ 15 liên tiếp đạt mức cao mới, một hiện tượng mà Nicolas mô tả là "đáng kinh ngạc".

Các đại dương bao phủ 70% bề mặt Trái đất và hấp thụ 90% lượng nhiệt liên quan đến lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng. Tuy nhiên, thế giới sắp chuyển sang giai đoạn La Nina có tác động làm mát.

Nicolas nói: "Chúng ta có thể mong đợi nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm dần trong vài tháng tới. Nếu nhiệt độ kỷ lục này (bề mặt biển) vẫn tiếp diễn, ngay cả khi hiện tượng La Nina phát triển thì năm 2024 vẫn có thể ấm hơn năm 2023. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói trước điều gì".

Copernicus cho biết nhiệt độ không khí toàn cầu trong 12 tháng tính đến tháng 6/2024 là cao nhất trong dữ liệu ghi nhận, trung bình cao hơn 1,64 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp.

Nguồn CLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục