Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), tháng 6 vừa qua là tháng 6 nóng kỷ lục trên toàn cầu, kết thúc nửa đầu năm thời tiết khắc nghiệt từ lũ lụt cho đến sóng nhiệt.
Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết, kể từ tháng 6/2023, mỗi tháng sau đó đều phá kỷ lục nhiệt độ trong chuỗi 13 tháng nắng nóng chưa từng có trên toàn cầu.
Carlo Buontempo, Giám đốc dịch vụ C3S cho biết: “Đây không chỉ là một sự kỳ lạ về mặt thống kê mà nó còn nêu bật một sự thay đổi lớn và đang diễn ra trong khí hậu của chúng ta… Ngay cả khi chuỗi cực đoan cụ thể này kết thúc vào một lúc nào đó, chúng ta chắc chắn sẽ thấy những kỷ lục mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên”.
Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu ghi nhận vào tháng 6 vừa qua đã phá vỡ kỷ lục tháng 6 trước đó được thiết lập vào năm 2023. Mức cao mới xảy ra vào thời điểm giữa năm được đánh dấu bởi sự khắc nghiệt của khí hậu.
Trong khi đó, nắng nóng thiêu đốt đã bao phủ nhiều vùng trên thế giới từ Ấn Độ đến Ả Rập Xê Út, Mỹ và Mexico trong nửa đầu năm nay.
Mưa không ngớt - hiện tượng mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến hành tinh ấm hơn - đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ở Kenya, Trung Quốc, Brazil, Afghanistan, Nga và Pháp.
Cháy rừng đã thiêu rụi vùng đất ở Hy Lạp, Canada và tuần trước, Bão Beryl đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương cấp 5 sớm nhất được ghi nhận khi nó quét qua một số hòn đảo ở Caribe.
Julien Nicolas, nhà khoa học cấp cao tại C3S cho biết, chuỗi nhiệt độ kỷ lục này trùng hợp với El Nino - hiện tượng tự nhiên góp phần khiến thời tiết nóng hơn trên toàn cầu.
“Đó là một phần yếu tố đằng sau các kỷ lục nhiệt độ, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất”, ông cho biết.
Nhiệt độ bề mặt nước biển kỷ lục ở Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng góp phần làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Nhiệt độ bề mặt nước biển đã đạt một cột mốc riêng biệt vào tháng 6 vừa qua, đồng thời ghi nhận chuỗi 15 tháng liên tiếp đạt mức cao mới. Các đại dương bao phủ 70% bề mặt Trái đất và hấp thụ 90% lượng nhiệt tăng thêm liên quan đến lượng khí thải làm khí hậu nóng lên.
“Những gì xảy ra với bề mặt đại dương có tác động quan trọng đến nhiệt độ không khí phía trên bề mặt cũng như nhiệt độ trung bình toàn cầu”, nhà khoa học Julien Nicolas cho biết.
Tuy nhiên, thế giới sắp chuyển sang giai đoạn La Nina có tác dụng hạ nhiệt sự ấm lên của nhiệt độ toàn cầu.
“Chúng ta có thể dự đoán nhiệt độ không khí toàn cầu sẽ giảm dần trong vài tháng tới…Nếu nhiệt độ mặt nước biển kỷ lục này vẫn tồn tại, ngay cả khi điều kiện La Nina phát triển thì điều đó có thể dẫn đến năm 2024 ấm hơn năm 2023. Nhưng còn quá sớm để kết luận”, nhà khoa học Julien Nicolas cho biết.
C3S cho biết, nhiệt độ không khí toàn cầu trong 12 tháng tính đến tháng 6/2024 là cao nhất trong hồ sơ dữ liệu - trung bình cao hơn 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giới hạn mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C theo Thoả thuận Paris đã bị vi phạm vì mục tiêu đó được tính bằng nhiều thập kỷ chứ không phải từng năm riêng lẻ.
Nhưng tháng trước, C3S cho biết có 80% khả năng nhiệt độ trung bình hàng năm của Trái đất ít nhất sẽ tạm thời vượt quá mốc 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới.
Nguồn tinnhanhchungkhoan