Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.2010 tăng 0,23% so tháng 6, chỉ số giá có xu hướng giảm (tháng 6 so tháng 5 chỉ số tăng 0,47%).
Theo Cục Thống kê Tây Ninh, giá cả hàng hoá, dịch vụ tháng 7 tương đối ổn định, hiện tượng đầu cơ hàng hoá và giá các mặt hàng tăng đột biến hầu như không có. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.2010 tăng 0,23% so tháng 6, chỉ số giá có xu hướng giảm (tháng 6 so tháng 5 chỉ số tăng 0,47%).
Do lượng lúa tồn trữ trong dân còn nhiều, một số địa phương ven sông đã thu hoạch sớm lúa hè thu với năng suất, sản lượng khá cao, lượng cung tăng, trong khi nhu cầu nhập khẩu của nước ngoài ở mức thấp, làm cho nhu cầu mua của thương lái trên địa bàn thấp... dẫn đến giá gạo các loại giảm 1,07%, đã góp phần kéo giảm chỉ số giá nhóm lương thực tháng 7 giảm 0,78% so tháng trước.
Ngược lại, nhóm thực phẩm có chỉ số giá tăng 0,81% (trong đó giá thịt gia súc tươi sống đã ổn định và tăng nhẹ trở lại: thịt heo, thịt bò tăng từ 0,3 đến 1%, chủ yếu do thời gian qua tình hình dịch bệnh, đặc biệt bệnh heo tai xanh đã được kiểm soát, lắng dịu, người tiêu dùng dần dần yên tâm quay trở lại tiêu thụ mặt hàng này). Nhóm thịt gia cầm tươi sống và thuỷ sản tươi sống tiếp tục tăng, tăng từ 1,6 đến 2,2%; nhóm rau tươi, khô và chế biến có chỉ số tăng 0,4%, thấp hơn so tháng trước (tháng 6 chỉ số tăng 3,1% so tháng 5); tương tự, nhóm quả tươi các loại chỉ số giá có xu hướng giảm, tăng 0,95% so tháng trước. Các mặt hàng nước uống giải khát tăng xấp xỉ 8%, có tác động ảnh hưởng chủ yếu, làm cho ăn uống ngoài gia đình có chỉ số giá tăng 2,2%.
Nhiều nhóm hàng phi lương thực- thực phẩm đều có chỉ số giá tăng: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng từ 0,29 đến 0,64%. Đặc biệt nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,98% (chủ yếu do giá đồ trang sức bằng vàng tiếp tục tăng 2,67% so tháng trước). Ngược lại, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD có chỉ số giá giảm 0,83% (chủ yếu giảm giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, gas và các loại chất đốt khác giảm từ 1,2 đến 2,3%). Do chỉ số giá xăng dầu giảm 2,5% so tháng trước, vì vậy nhóm giao thông tháng này có chỉ số giá giảm 1,2% so tháng trước.
So tháng 12.2009, tức là sau 7 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,67% (tương ứng thời gian này năm 2009 tăng 4,16%). Bình quân 1 tháng trong 7 tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,65%, mức tăng này hợp lý, ở mức bình thường.
Giá vàng và đô la Mỹ: Do tác động, ảnh hưởng của giá vàng, giá đô la thế giới, giá vàng bình quân tháng 7.2010 là 2.822.000 đồng/chỉ, tăng 29.000 đồng/chỉ (tăng 1%), giá đô la Mỹ 19.066 đồng/USD, tăng 95 đồng/USD (tăng 0,49%) so tháng 6.2010. So tháng 12.2009, sau 7 tháng: chỉ số giá vàng tăng 4,76%%; chỉ số giá USD tăng 3,64%.
V.D.Q