Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháng 7 – tháng tri ân
Thứ ba: 11:49 ngày 26/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, những liệt sĩ đã hy sinh mạng sống để đổi lấy hoà bình. Sau gần 50 năm đất nước độc lập, vẫn còn nhiều người đang nằm đâu đó trong và bên ngoài dải đất thân thương hình chữ "S".

Đội K71 nhận hài cốt liệt sĩ từ lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia.

Có thể nói, sự hy sinh ấy vô cùng to lớn, không gì sánh được. Thế nên, tri ân, ghi nhớ công ơn của những người có công với cách mạng là nhiệm vụ của những người đang sống hôm nay và các thế hệ nối tiếp. 

Đưa các anh về với đất mẹ

Quy tập hài cốt liệt sĩ, đưa các anh, chị trở về an táng trong lòng đất mẹ là chính sách luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện trong suốt thời gian qua. Trong đó, Đội K71 đã nhiều không ngại gian khó, cất công tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ.

Năm 2020, các anh sang Campuchia được 40 ngày thì phải quay về do dịch bệnh bùng phát. Đến năm 2021, việc quy tập hài cốt liệt sĩ ở Campuchia phải tạm dừng, các anh chỉ tập trung việc tìm kiếm, quy tập trong tỉnh.

Tuy nhiên, mỗi năm, địa hình càng thay đổi, người dẫn đường, người biết thông tin ngày càng già yếu, thậm chí mất đi. Nhận thấy tình hình chỉ cần chậm một ngày thì cơ hội đưa hài cốt các liệt sĩ về lại quê nhà càng thu hẹp dần. Các anh ai cũng sốt ruột, chỉ mong được sớm lên đường để làm nhiệm vụ.

Vì vậy, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, khi có quyết định của Quân khu, các anh lại lên đường sang Campuchia. “Chúng tôi đi từ ngày 21.2 đến 30.6.2022. Khi qua đó, chúng tôi chia làm 2 nhóm, một do tôi phụ trách tìm kiếm trên địa bàn Banteay Meanchey và Oddar Meanchey; một nhóm do Đội trưởng Nguyễn Đức Thuận đảm nhiệm trên địa bàn tỉnh Siem Reap.

Năm nay, do một số anh em phải làm nhiệm vụ phòng, chống dịch nên quân số chúng tôi đi ít hơn so với những năm trước đây. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, anh em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đã quy tập được 139 hài cốt liệt sĩ, trong đó có nhiều hài cốt được tìm thấy tại một số điểm mới do người dân chỉ, ngoài kế hoạch đề ra”, Thượng tá Phan Văn Long- Chính trị viên Đội K71 cho biết.

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia.

Để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, các anh phải băng rừng, lội bộ qua những con đường sình lầy. Dù đường xa, dù chịu nhiều khắc nghiệt của thời tiết nhưng vẫn không làm nản chí các anh. “Đất ở Campuchia rất cứng. Thêm cái nóng của mùa hè nên khá vất vả.

Tuy nhiên, khi có thông tin, anh em đều quyết tâm tìm. Có những hôm phải đào tận 3-4 ngày mới tìm thấy được phần mộ của các anh. Khi đó, cả đội mừng rỡ, mọi mệt nhọc tan biến. Tất cả đều mong mỏi mang được các anh về lại quê hương”, Thượng tá Nguyễn Đức Thuận- Đội trưởng Đội K71 chia sẻ.

Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, chiến sĩ Nguyễn Quốc Thái đã được cùng các anh em trong Đội K71 tìm kiếm, quy tập hài cốt những anh hùng liệt sĩ trên đất Campuchia. Lần đầu tham gia nhưng nhờ đã được huấn luyện trước, Quốc Thái đã thực hiện nhiệm vụ một cách “cẩn thận, nhẹ nhàng để không làm đau các anh thêm lần nữa”.

Bằng giọng đầy cảm xúc, Quốc Thái chia sẻ: “Với chúng tôi, đây là nhiệm vụ thiêng liêng. Khi làm nhiệm vụ, anh em phải thật kỹ không làm ảnh hưởng đến hài cốt. Có nhiều hài cốt còn bọc trong các tấm tăng, vải, việc cất bốc dễ dàng.

Nhưng cũng nhiều hài cốt hoà lẫn với đất, cát, chúng tôi phải tỉ mỉ nhặt từng mẩu xương, cái cúc áo… để đưa về nước. Ngày về, chúng tôi vui mừng vì đã đưa được những người con của quê hương về cùng. Nhưng cùng với đó là tâm trạng tiếc nuối, vì đã không thể đưa thêm nhiều các chú, các bác về”.

Ông Phạm Văn Quang- người thân của liệt sĩ Mai Văn Ký (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) cho biết, liệt sĩ Mai Văn Ký hy sinh năm 1967 khi ông đang tham gia du kích ở địa phương. Ngày liệt sĩ mất, làng xóm báo tin, gia đình tản cư về chỉ kịp lập tạm phần mộ nhỏ rồi lại ra đi. Sau đó, giặc càn quét qua, san bằng mặt đất. Mọi dấu vết bị xoá hết.

Hoà bình về, gia đình ông Quang quay về lại Hưng Thuận an cư, nhớ chừng nơi chôn cất mà mua đá đỏ về ghép mộ. Khi có thông tin cất bốc hài cốt liệt sĩ, ông Quang đã đăng ký với chính quyền địa phương để nhờ bộ đội tìm kiếm hài cốt của người anh mình.

“Sau khi tôi đăng ký, mấy chú bộ đội có về đây hỗ trợ tìm giúp. Mọi người phải mất 4-5 hôm mới tìm thấy. Vì ngày xưa cũng chỉ biết khoảng đất thôi chứ không biết chính xác. Phải nhờ đến các anh tìm kiếm mới tìm thấy hài cốt của anh tôi để đưa đi an táng đàng hoàng, gia đình thấy rất ấm cúng”- ông Quang nói. 

Chiến sĩ trẻ Đội K71 bên hài cốt liệt sĩ được tìm thấy.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các CBCS Đội K71 tìm kiếm, quy tập được 16 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh và xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Những hài cốt liệt sĩ khi được quy tập đã được Đội K71 gửi mẫu cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục gởi giám định ADN. Tính từ năm 2016, tỉnh đã gửi đi 964 mẫu với 355 liệt sĩ được đề nghị xác định danh tính. Đến nay, đã có 72 mẫu được xác định. 

Đời đời nhớ ơn anh hùng liệt sĩ

Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân tại các địa phương. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức như: thăm hỏi, tặng quà đến các Mẹ Việt Nam anh hùng; thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ; các thương, bệnh binh nặng; tiếp tục thực hiện quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa ...

Các bạn đoàn viên thanh niên sửa nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lại Văn Hồng (ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong).

Những ngày tháng 7, tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82), cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh ở Bắc Giang vượt đường xa hàng ngàn ki-lô-mét để về thăm đồng đội. Ông cho biết đôi ba năm mình lại vào một lần để thăm, để nhớ về những người đồng đội cùng tham gia chiến trường biên giới Tây Nam.

Ông Minh kể, ông nhập ngũ năm 1976. Năm 1977 đơn vị ông đến Tây Ninh. Ông được điều động làm công tác chính sách, trong đó có nhiệm vụ chôn cất hài cốt các đồng đội ngã xuống ở bên kia biên giới.

Người cựu chiến binh nói rằng: “Nhìn anh em hy sinh, mình xót xa lắm, nhưng chẳng biết làm gì ngoài việc chôn cất các anh thật tử tế. Để mai này gia đình tìm lại được các anh. Bây giờ, việc đi lại dễ dàng nên thỉnh thoảng tôi lại vào đây, thăm lại các đồng đội, thắp cho các anh nén hương”.

Đoàn viên thanh niên huyện Tân Biên dọn quét Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82, huyện Tân Biên.

Đối với các thành viên Hội Cựu giáo chức huyện Tân Biên, mỗi năm vào tháng 7 và tháng 11, họ đều đến Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82) để thắp hương tưởng nhớ những đồng nghiệp và những chiến sĩ đã hy sinh khi biên giới Tây Nam vang tiếng súng. “Mỗi năm, anh, em chúng tôi tranh thủ đi trước ngày tỉnh làm lễ.

Đến ngày chính lễ lại đi một lần nữa. Anh em giờ nhiều người cũng cao tuổi, sức khoẻ kém, nhưng khi nghe đi mọi người cũng cố gắng thu xếp để đến thắp cho các liệt sĩ nén hương. Ngoài ra, trong Hội cũng tổ chức thăm tặng quà cho 4 gia đình cựu giáo chức từng tham gia kháng chiến có hoàn cảnh khó khăn để động viên nhau cùng cố gắng”, bà Trần Thị Bạch Tuyết- Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Tân Biên nói. 

Những ngày qua, tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82), nhiều đoàn viên thanh niên đến đây cùng dọn vệ sinh, chỉnh trang lại các phần mộ để chuẩn bị làm lễ. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Huyện đoàn Tân Biên và cao điểm là từ giữa tháng 7 đến nay.

Bạn Đặng Gia Hưng (thị trấn Tân Biên) vừa tốt nghiệp lớp 12, tranh thủ những ngày hè tham gia hoạt động Đoàn. Khi được Thị đoàn thông báo hoạt động dọn vệ sinh tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên, Gia Hưng tình nguyện tham gia.

Hưng chia sẻ: “Đây là việc chúng em phải làm, không chỉ thể hiện lòng tri ân mà còn nhắc nhở bản thân mình, lúc nào cũng phải phấn đấu sống có ích trong xã hội, như gương của những người đi trước”. Hơn 10 ngày trước, đoàn viên thanh niên của Huyện đoàn Tân Biên đã đến sửa nhà cho các gia đình chính sách, thăm hỏi, chúc sức khoẻ 2 Mẹ VNAH. 

Ông Lê Tiến Châu- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và ông Phạm Hùng Thái-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Đồng Thị Chanh (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng).

Đại uý Võ Thành Hiếu Trung- Bí thư Chi đoàn Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị (Công an tỉnh) chia sẻ: “Khi các anh ngã xuống, chúng tôi có người còn là trẻ thơ và hầu hết chưa được sinh ra.

Hôm nay, chúng tôi đến đây, thắp nén hương thơm, dâng những đoá hoa tươi thắm lên phần mộ liệt sĩ. Vài phút đứng trang nghiêm chẳng dám nghĩ mình đã xứng đáng. Nhưng chúng tôi nguyện ra sức công tác, chiến đấu, chung sức xây dựng lực lượng, góp phần dựng xây đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh”.

Hiện toàn tỉnh có trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách khác. Đến nay, Tây Ninh có gần 8.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên trên 15 tỷ đồng/tháng.

Tỉnh đã vận động xã hội hoá để chăm lo hỗ trợ nhà tình nghĩa cho người có công (xây mới 66 căn, sửa chữa 63 căn). Hiện còn 25 Mẹ Việt Nam anh hùng được các địa phương, đoàn thể phụng dưỡng, chăm lo hằng tháng… Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong các dịp lễ, tết như họp mặt các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách trên 67 tỷ đồng. 

Trong đợt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động tri ân sự hy sinh, cống hiến đối với người có công cách mạng.

Cụ thể, tỉnh tổ chức 19 đoàn lãnh đạo thăm, tặng quà cho 190 gia đình chính sách, người có công; thăm 2 thương binh nặng quê Tây Ninh ở Trung tâm Điều dưỡng người có công Long Đất Bà Rịa – Vũng Tàu; tặng áo lụa và quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đưa người có công dự lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và gặp mặt đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội. Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ; lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục