Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mình là thế hệ sinh sau chiến tranh, nhưng là con của lính, cháu của liệt sĩ nên mỗi tháng bảy về là mình có rất nhiều cảm xúc.
Cảm xúc ấy bắt đầu từ hình ảnh chiếc ba lô bạc phếch của ba mình đầy vết loang lổ bom đạn trong những tháng ngày vượt Trường Sơn. Đó là tài sản rất trân quý của ba- anh bộ đội pháo binh ngày ấy. Chiếc ba lô luôn được ba cất giữ kỹ lưỡng, ghi dấu thời oanh liệt của tuổi trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Cảm xúc ấy xốn xang lắm mỗi khi chứng kiến bước chân ba nghiêng ngả- hậu quả từ những tháng ngày vất vả kéo pháo vượt Trường Sơn và cuộc sống thiếu thốn trăm bề của người lính.
Từ đó, mình thêm xót xa với hình ảnh người lính mà thân thể không còn nguyên vẹn bởi vết thương chiến tranh, song bằng nghị lực của mình, họ đã không ngừng cố gắng để sống tốt.
Cảm xúc ấy trở thành giọt nước mắt, khi mình nghe ba kể về người anh trai của mình- đã hy sinh ở Thành cổ Quảng Trị khi vừa tròn 20 tuổi, thanh xuân của cuộc đời.
Để rồi mỗi khi đọc những dòng bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang, mắt mình lại rưng rưng. Ôi! Những dòng chữ ghi tên các liệt sĩ sao mà nhiều thế, đọc mãi mà chưa hết.
Thành kính thắp những nén nhang trên các ngôi mộ, lớp lớp mộ bia trắng nằm san sát nhau, như những đồng đội kề vai sát cánh nhau trong chiến đấu, lòng chợt lặng đi khi nhìn những ngôi mộ không ghi tên. Những liệt sĩ vô danh. Và đâu đó có vong linh người bác của tôi, những đồng chí của ba đã không còn tìm thấy thân xác sau trận đánh ác liệt.
Và mỗi khi tháng Bảy về - Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 như nhắc nhớ đến những đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra và cũng để nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta luôn tri ân, phải sống sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do và hạnh phúc của nước nhà.
Quế Hương