Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tháng công nhân 2024: Các cấp Công đoàn nỗ lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Thứ tư: 12:32 ngày 29/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng công nhân năm nay có những hoạt động mới như: “Bữa cơm công đoàn”, chương trình “Cảm ơn người lao động”, thành lập nghiệp đoàn, phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức…

Tháng 5- Tháng công nhân năm 2024 được thực hiện với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”. Tháng công nhân với nhiều hoạt động sôi nổi được các cấp Công đoàn tổ chức nhằm tuyên truyền, động viên cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động quyết tâm, nỗ lực cùng hành động đưa Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh Tây Ninh và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 vào cuộc sống. Tích cực đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh.

Lãnh đạo tỉnh, LĐLĐ tỉnh tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (ảnh: Đại Dương)

Với mục đích và ý nghĩa đó, trong Tháng công nhân 2024, các cấp Công đoàn đã phối hợp chính quyền, doanh nghiệp tổ chức lễ phát động Tháng công nhân. Theo thống kê, có 12 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đăng ký thi đua 166 phần việc, việc làm hữu ích. Bên cạnh những hoạt động chăm lo thường xuyên cho người lao động, Tháng công nhân năm nay có những hoạt động mới như: “Bữa cơm công đoàn”, chương trình “Cảm ơn người lao động”, thành lập nghiệp đoàn, phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức…

Tại Công đoàn Khu kinh tế (CĐKKT), Tháng công nhân năm nay có nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động với nhiều điểm mới. Chị Nguyễn Thị Kim Liên- Chủ tịch CĐKKT cho biết: “Năm nay là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, CĐKKT hướng tới những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực với người lao động trong Tháng công nhân này. Chúng tôi hướng tới mục tiêu mỗi CĐCS một lợi ích đoàn viên, theo đó, mỗi CĐCS có ít nhất một hoạt động chăm lo cho công nhân, đoàn viên, người lao động như thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các phong trào văn hoá, thể dục thể thao, các hội thi tay nghề”.

Trong Tháng công nhân, CĐKKT triển khai tổ chức “Bữa cơm công đoàn” đến các CĐCS. Hoạt động này hướng đến tất cả người lao động đều được bữa cơm ngon để tái tạo sức lao động, bồi dưỡng sức khoẻ sau thời gian tăng ca, làm việc vất vả. Với “Bữa cơm công đoàn”, người lao động có thể thưởng thức bữa cơm chất lượng hơn với chi phí gấp đôi so với bữa ăn thường ngày. Theo chị Liên, đây là họat động mới được triển khai trong Tháng công nhân năm nay nên cũng chưa có nhiều công ty tổ chức. Tuy nhiên, với ý nghĩa tích cực, “Bữa cơm công đoàn” sẽ được nhân rộng trong nhiều CĐCS với nhiều công ty tham gia trong thời gian tới. Đặc biệt, CĐKKT sẽ tiếp tục vận động thực hiện trong tháng 7 năm nay nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Đồng thời, CĐKKT còn tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về an toàn lao động để cán bộ Công đoàn, đoàn viên người lao động có kiến thức về an toàn vệ sinh lao động nhân Tháng ATVSLĐ năm 2024. Xác định việc kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS là việc làm rất quan trọng nên CĐKKT đều đăng ký thực hiện nhiệm vụ này. Năm nay, CĐKKT đăng ký tăng thêm 1.000 đoàn viên trong Tháng công nhân (con số này hằng năm vào Tháng công nhân là 500-600 đoàn viên); giới thiệu 50 đoàn viên, người lao động cho Đảng xem xét, kết nạp, có một trường hợp được kết nạp Đảng. Trong Tháng công nhân, các CĐCS tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và tặng quà cho người lao động. CĐCS phối hợp Ban Giám đốc Công ty Kuo Yuen tổ chức chương trình “Cảm ơn người lao động” tri ân, tặng quà những người lao động gắn bó lâu năm cùng doanh nghiệp.

Chị Liên chia sẻ: “Với những hoạt động chăm lo cho người lao động, nhất là “Bữa cơm công đoàn” công nhân, người lao động rất phấn khởi. Đây là việc làm ý nghĩa, người lao động mong muốn có thêm nhiều bữa cơm như vậy để có thể đảm bảo tốt sức khoẻ để làm việc”.

Tại huyện Tân Châu, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện, các CĐCS trực thuộc cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống công nhân trong Tháng công nhân. Trong đó có điểm mới với chương trình “Cảm ơn người lao động” được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm thực hiện. Tại Công ty Continental, Công ty TNHH MTV Định Khuê đã tổ chức tri ân 20 người lao động có nhiều năm gắn bó với các công ty. Hoạt động này giúp gắn kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, tạo hiệu quả làm việc tốt hơn. Với hoạt động chăm lo cho người lao động bị tai nạn lao động, lãnh đạo và CĐCS Công ty Continental thăm, tặng quà tận nhà cho 10 người. 

Trao giải cho các vận động viên tham gia Giải việt dã lần thứ VII của CĐKKT (ảnh: Đại Dương)

LÐLÐ huyện Gò Dầu cũng tổ chức ra mắt Nghiệp đoàn bán vé số kiến thiết Gò Dầu với 60 thành viên. Trước đó, LĐLĐ tỉnh đã thông qua kế hoạch thành lập nghiệp đoàn, phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức tại Tây Ninh năm 2024. Nghiệp đoàn bán vé số kiến thiết Gò Dầu là mô hình thí điểm sau đó sẽ có đánh giá, điều chỉnh và phát triển ra các huyện, các ngành nghề khác.

Theo ông Lê Văn Khôi- Chủ tịch LĐLĐ huyện Gò Dầu, trên địa bàn huyện, người bán vé số dạo rất đông, họ là những người yếu thế, dễ bị rơi vào các tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen. Thực hiện chủ trương của LĐLĐ tỉnh, huyện tiến hành vận động thành lập, tập hợp họ vào nghiệp đoàn. Theo ông Khôi, hoạt động này nhằm bảo vệ, giúp người bán vé số không vướng vào tín dụng đen, người bán vé số còn có những quyền và lợi ích như: được quan tâm hỗ trợ về pháp lý, cho vay vốn, chia sẻ thông tin với chính quyền, công đoàn… Với những lợi ích thiết thực, người bán vé số đã rất mong chờ được tham gia nghiệp đoàn.

Ông Khôi chia sẻ, đây là những đối tượng đặc thù, thời gian, địa bàn hoạt động không cố định. Để vận động những đối tượng này, cán bộ Công đoàn phải đi vận động từng người, giải thích để họ hiểu và tự nguyện tham gia. Đây là mô hình mới nên cũng cần có những hướng dẫn thực hiện cụ thể hơn từ cấp trên để nghiệp đoàn hoạt động có nề nếp, bảo đảm được quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia nghiệp đoàn. Trên địa bàn huyện Gò Dầu, ngoài đối tượng bán vé số còn nhiều đối tượng lao động bằng các ngành nghề khác. Vì vậy, trong thời gian tới, LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục khảo sát, đề xuất thành lập thêm các nghiệp đoàn ngành nghề khác cho người lao động.

Trong hội nghị Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, ông Trần Lê Duy- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng, việc phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức nếu có quyết tâm sẽ thực hiện được. Và không chỉ là nghiệp đoàn với người bán vé số mà đây sẽ là mô hình điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm thành lập thêm những nghiệp đoàn ngành nghề khác, tuỳ theo điều kiện từng địa phương để thực hiện cho phù hợp.

Vi Xuân

Báo Tây Ninh
Hướng dẫn tìm việc tại VietnamWorks
Tin cùng chuyên mục