Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tháng Giêng có nghĩa là gì?
Chủ nhật: 10:15 ngày 11/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mọi người thường gọi tháng 1 Âm lịch là tháng Giêng; vậy tháng Giêng có nghĩa là gì, tại sao lại gọi như vậy?

Chỉ tháng 1 Âm lịch mới được gọi là tháng Giêng. Người ta hay gọi rằm tháng Giêng chứ ít ai gọi là tháng 1 Âm lịch. Tuy nhiên, tháng Giêng có nghĩa là gì, từ "giêng" bắt nguồn từ đâu là điều gây thắc mắc cho nhiều người.

Tháng Giêng có nghĩa là gì?

Theo chia sẻ của Giáo sư Kiều Thu Hoạch (nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Văn hoá dân gian) trên Dân Việt, xét về ngữ âm lịch sử, chữ "giêng" bắt nguồn từ chữ "chính" trong tiếng Hán.

Từ xưa, người Trung Quốc đã gọi tháng 1 Âm lịch là Chính nguyệt. Chữ "chính" từ tiếng Hán chuyển sang chữ Nôm có vần 'iêng" nên người Việt gọi tháng 1 Âm lịch thành tháng Giêng.

Cũng theo chia sẻ của GS, ngày đầu tiên của tháng Giêng được gọi là Nguyên đán. Nguyên là thứ nhất, dùng để gọi ngày đầu tiên của năm (nguyên đán) hoặc những người đứng đầu như nguyên soái, nguyên thủ quốc gia...

Giáo sư Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, cũng cho rằng chữ "giêng" trong tháng Giêng bắt nguồn từ chữ "chính" trong tiếng Hán. Người Trung Quốc gọi tháng 1 Âm lịch là chính nguyệt. 

"Nguyệt vừa có nghĩa là trăng vừa có nghĩa là tháng. Chính nguyệt là tháng chính, tháng đầu tiên của năm. Chính tương đồng với chiếng, qua thời gian, người ta đọc chệch âm thành giêng”, GS Biền giải thích.

Tháng Giêng được xem là tháng quan trọng nhất trong năm. (Ảnh minh hoạ: Pinterest)

Trong âm lịch, tháng Giêng không được phép nhuận. Đối với người Việt Nam, đây được xem là tháng quan trọng nhất năm bởi nó có ngày Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng). Các lễ hội lớn của năm tập trung nhiều nhất ở tháng này. 

Tháng Giêng là tháng bắt đầu năm mới nên ai cũng hướng tới những điều tốt lành, kiêng kỵ những điều xấu, không may mắn. Vào những ngày đầu năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa cầu may mắn, sức khoẻ, tài lộc. 

Ngoài ra để “đầu xuôi đuôi lọt”, người Việt luôn cố gắng giữ mọi thứ trọn vẹn, đẹp đẽ nhất trong khoảng thời gian này. Người già, người lớn luôn nhắc trẻ con, thanh niên cư xử đúng mực, không làm việc xấu kẻo dông cả năm.

Trong tháng này, người ta cũng cố gắng cẩn thận để không làm rơi vỡ đồ đạc, vì sự đổ vỡ luôn mang hàm ý xui xẻo, đen đủi; kiêng cãi vã, đánh mắng nhau. Đặc biệt về mặt tài chính, mọi người thường kiêng vay tiền và trả tiền trong tháng Giêng, nhất là trước rằm, bởi sự thất thoát tiền bạc hay nợ nần đều là điều cần tránh trong dịp đầu năm.

Những sự kiện quan trọng của tháng Giêng

Trong tháng Giêng có nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm:

Tết Nguyên đán 

Tết Nguyên đán diễn ra vào ngày 1, 2, 3 tháng Giêng. Đây là dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mang ý nghĩa rất quan trọng. Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tết này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ Tết âm lịch tổng cộng 7 ngày từ thứ Năm 8/2/2024 đến hết thứ tư 14/2/2024 (tức 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn). 

Đây cũng là dịp gia đình đoàn viên, sum vầy cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chúc tụng nhau những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới. 

Rằm tháng Giêng 

Trong tâm niệm của nhiều người, "lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nên hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cơm để cúng gia tiên, sau đó đi chùa làm lễ đều cầu sức khoẻ, may mắn cho gia đình. 

Các lễ hội đầu năm

Vào tháng Giêng, nhiều lễ hội lớn trên cả nước cũng bắt đầu mở để khai xuân như: Lễ hội chùa Hương, khai ấn đền Trần, lễ hội đền Gióng, Hội Lim...

Nguồn VTC

Tin cùng chuyên mục