Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháng Giêng quê tôi
Thứ ba: 12:15 ngày 09/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè…”. Ngay từ khi còn “thò lò mũi xanh”, tôi đã nghe và thuộc lòng mấy câu ca dao này rồi. “Ăn chơi”, “cờ bạc”, “rượu chè”… ở đâu thì tôi không biết, riêng ở quê tôi, từ hồi tôi biết đến giờ (cũng hơn năm mươi năm rồi), sau mấy ngày nghỉ tết, ai cũng tất bật. Tuy công việc trước kia và ngày nay khác nhau nhiều, nhưng nhìn chung chưa qua hết “ngày mùng” là mọi người đã lo cái “ăn, mặc, ở và học hành” rồi, nói chi “ăn chơi” đến hết tháng Giêng!

Trước, đa phần bà con quê tôi sống bằng nghề nông và làm nghề thủ công truyền thống là chằm nón lá. Cuộc sống thời ấy khó khăn, hầu hết chỗ ở là mái lá, vách đất, hoặc vách bồ... Vừa “hạ nêu” (mùng 7 tháng Giêng) là ai vào việc nấy. Người chằm nón lá chong đèn chẻ vành (chẻ cây trúc ra làm vành chằm nón), vót dành, cột vành, xoè lá (lá mật cật khô)… cho đến 9, 10 giờ đêm. Rồi khoảng 4 giờ sáng lo thức giấc chẻ củi nhóm lửa, vuốt lá cho đến khoảng 6, 7 giờ sáng. Chuẩn bị vật liệu xong, khoảng 7, 8 giờ, ngồi chằm nón cho đến chiều… Cứ thế, cho đến gần hết năm để được nghỉ mấy ngày tết.

Những người trồng hoa màu, ban ngày lo vun trồng, bón phân… đến khi chập choạng tối, tranh thủ trăng thượng tuần tháng Giêng soi sáng mới xách gàu múc nước rạch, hoặc xách nước giếng tưới cây trồng. Vui nhất là những đêm qua “ngày mùng” trăng tháng Giêng thật sáng, nhiều người tranh thủ đem tranh (dùng để lợp nhà) ra sân ngồi đánh để chuẩn bị thay mái nhà trước khi mùa mưa đến. Bên cạnh những người lớn vừa đánh tranh, vừa chuyện trò rôm rả, vui vẻ là trẻ em tụ tập bày các trò chơi dân gian thoả thích. Rồi qua ngày Rằm, mười sáu, mười bảy… đến trăng hạ tuần, nhà nông tranh thủ trăng sáng lúc khuya, gần sáng, lo thức giấc xách nước tưới hoa màu cho mát và để dành thời gian ban ngày làm chuyện khác…

Vào “con nước 25” tháng Giêng (khoảng từ 24 đến 27 tháng Giêng) là ngày hội đánh bắt cá. Quê tôi có một dòng rạch khá lớn chảy qua (phụ lưu sông Vàm Cỏ Ðông). Ngoài dòng chính ra, con rạch này còn nhiều con rạch nhánh ăn sâu vào các cánh đồng…

Trước kia, dưới rạch rất nhiều cá. Vào “con nước 25”, dòng rạch chính cạn bỏ bãi chỉ còn lòng rạch (dòng nước giữa rạch), còn các con rạch nhánh cạn sát đáy luôn. Cá từ các dòng rạch nhánh dồn hết ra dòng rạch chính. Thế là, không chỉ bà con trong xã tôi, mà nhiều người từ các vùng lân cận cũng tập trung về dòng rạch này đánh bắt cá. Tuỳ theo điều kiện, mức độ chuyên nghiệp mà những người đánh bắt cá có các loại dụng cụ và cách đánh bắt cá khác nhau.

Hồi đó nhiều nhất là những người đi siết (cách đánh bắt này ngày nay, tôi không thấy nữa), kế đến là những người đi chài lưới; người đổ chà, đăng lưới… Ðó là những người đánh bắt cá chuyên nghiệp. Còn ít chuyên nghiệp hơn thì có những người đi xúc mé, bắt mò, giậm dấu… Qua con nước cạn, bà con đánh bắt được rất nhiều cá. Cá nhiều bán thì rẻ, ăn thì không hết, nên nhiều người làm khô, làm mắm để dành ăn dài ngày.

Ðối với trẻ em, sau những ngày tết vui chơi thoả thích là đến mùa thả diều cũng vô cùng thích thú. Hồi đó còn nhiều cánh đồng rộng, chiều xuống, gió Nam thổi mát mẻ, sau một ngày đi học, chúng tôi rủ nhau ra đồng thả diều. Cánh diều thi nhau bay cao, chúng tôi tha hồ thả mơ ước của mình.

Bây giờ, tháng Giêng, hầu như không còn ai thức khuya dậy chằm nón lá hay đánh tranh (vì quê tôi không còn mái nhà lá); cũng không ai tranh thủ “trăng non” đầu tháng và “trăng già” cuối tháng để xách nước tưới hoa màu vào lúc chiều tối, hoặc lúc gần sáng (bởi đâu ai trồng hoa màu nữa, trên những mảnh đất đồng ngày xưa giờ là các công trình nhà cửa, công ty, xí nghiệp, nhà trọ, khu vui chơi, giải trí)...

Nếp xưa không còn, không có nghĩa là bà con quê tôi được “ăn chơi” cho hết tháng Giêng, vẫn phải lo toan trăm bề. Ngày nay, hầu hết lao động trẻ quê tôi đều có việc làm ở các khu công nghiệp, vừa hết tết là lo vào công ty, xí nghiệp làm việc. Những người lớn tuổi không làm công nhân, mà làm “ông bà” thì trông coi, đưa đón cháu đi học cho con đi làm. Những nông dân khác lo ra đồng chăm sóc và thu hoạch lúa Ðông Xuân.

Thế đấy, câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” hoàn toàn không đúng đối với đại đa số bà con quê tôi, trước kia, cũng như ngày nay.

T.L

Tin cùng chuyên mục