Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Tháng Giêng, tháng Tám thì về Tây Ninh”, đó là câu nói quen thuộc của người dân các tỉnh, thành, bởi đây là mùa đại lễ rất đặc trưng chỉ có ở tỉnh biên giới Tây Ninh.
Sự độc đáo của rồng nhang nằm ở chỗ thân rồng dài đến gần 20m.
Đúng vào dịp Rằm tháng Tám (15.8 âm lịch), tức đêm Trung thu, hàng chục ngàn tín đồ Cao Đài từ các tỉnh, thành và khách du lịch trong, ngoài nước nô nức về Tây Ninh để tham dự ngày Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung tại Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.
Mỗi năm, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh tổ chức 2 dịp đại lễ: Vía Đức Chí Tôn (mùng 9 tháng Giêng) và Hội yến Diêu Trì cung (Rằm tháng Tám). Hội yến Diêu Trì cung là lễ hội lớn nhất trong năm của Cao Đài Tây Ninh được tổ chức đúng vào ngày rằm Tết Trung thu tại Báo Ân Từ (Nội ô Toà thánh).
Trong khuôn viên Nội ô rộng khoảng 100 ha diễn ra lễ chính được trang trí đèn hoa rực rỡ khiến người dân càng náo nức cho ngày đại lễ. Đây là ngày toàn đạo quy tụ về Toà thánh - Tổ đình để dâng công, hiến lễ đức đại từ phụ, đại từ mẫu thiêng liêng.
Lễ cộ bông Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương diễn ra lúc 18 giờ 30.
Từ trước khi Hội yến diễn ra vài ngày, hàng ngàn chuyến xe ngược xuôi đổ về khu vực nội ô Toà thánh. Trên hai khán đài phía Đông và phía Tây khu Chánh điện đều chật kín người ở tạm chờ giờ hành lễ.
Hội yến Quý Mão 2023 năm nay sẽ khai mạc vào chiều 29.9 tại Nội ô Toà thánh. Các nghi thức chính được tổ chức long trọng như cộ bông Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương diễn ra lúc 18 giờ 30 phút. Hàng ngàn người dân có mặt sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của màn biểu diễn múa long mã, tứ linh với rồng nhang, ngọc kỳ lân, quy và phụng cùng dàn nhạc sắc tộc chính thức diễn ra trước Đền thánh, Báo Ân Từ và diễu hành qua Đông Tây khán đài trong khu vực nội ô.
Múa rồng nhang là một nét đặc trưng chỉ có ở Tây Ninh. Sự độc đáo nằm ở chỗ thân rồng dài đến gần 20m được điều khiển bởi 30 vũ công. Sự phối hợp giữa những linh vật trong điệu nhảy cùng với lửa phun đỏ rực càng khiến người dân thích thú.
Múa trống Chhay dăm.
Bà Trần Thị Thanh Thư (51 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành) cho chúng tôi biết thêm về múa rồng nhang: “Ngày xưa con rồng được cắm bằng nhang thú vị lắm, nét văn hoá rất riêng tại Tây Ninh. Nhưng do lượng khách quá đông và để môi trường được sạch hơn, người ta đã thay nhang bằng đèn. Tuy nhiên, nó vẫn rất hay, độc đáo và chỉ có ở Tây Ninh”.
Đẹp mắt nhất là lễ hội đầy màu sắc với hoa quả phẩm, trang trí đèn hoa hiến lễ Hội yến Diêu Trì cung với gần 100 gian trưng bày của hơn 400 họ đạo trên toàn quốc về tham dự. Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được tạo hình rồng phượng, tiên nữ làm từ rau củ, trái cây rất công phu. Thích thú nhất là toàn bộ số quả phẩm, bánh trái này sau đó sẽ phát cho các em thiếu nhi làm quà Trung thu.
Một gian hàng hoa quả phẩm độc đáo, đẹp mắt được làm từ những đôi bàn tay tài hoa.
Khách du lịch quốc tế đến xem triển lãm.
Nét văn hoá độc đáo của đạo Cao Đài Tây Ninh.
Cùng vợ con có mặt tại Nội ô Toà thánh trong những ngày này, anh Nguyễn Thành Nam (ngụ tỉnh Đồng Tháp) háo hức: “Đến Tây Ninh ngày này, dù đông đúc, phải chen chúc nhưng năm nào gia đình cũng muốn đến đây để xem những màn biểu diễn đầy màu sắc, được diễu hành vui vẻ và đẹp mắt”.
Ngoài ra, Tết Trung Thu năm nay, núi Bà Đen cũng sẽ thu hút du khách với một loạt hoạt động. Chương trình nghệ thuật Lễ hội trăng rằm với các tiết mục trống hội, múa lân, múa rồng, sáo trúc... diễn ra vào các buổi sáng ngày 28 và 29.9 (tức 14 và 15.8 âm lịch) góp phần đem đến sự sôi động trong mùa lễ hội ở Tây Ninh.
Tối 16.8 âm lịch, du khách sẽ cùng thực hiện nghi thức thả hoa đăng cầu bình an cho gia đình và thắp sáng nguyện ước cho một mùa đoàn viên trọn vẹn. Hàng trăm ngọn hoa đăng lấp lánh trôi trên mặt nước giữa quảng trường dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cùng 3.500 ngọn đèn led thắp sáng khắp đỉnh núi tạo nên không gian thiêng liêng kỳ ảo cho ngọn núi được mệnh danh là “đệ nhất thiên sơn”.
Phan Dương