Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngạc nhiên! Vì từ những gốc cây làm nguyên liệu chế tác; sau cái vẻ xuềnh xoàng, lấm lem dăm gỗ, mùn cưa kia lại là cả một sự lộng lẫy, thăng hoa nghệ thuật.
Tượng ông Di Lặc.
Thật ngạc nhiên quá! Khi ghé vào xưởng thợ ngay ở đoạn Mũi Tàu, đường 30.4, thành phố Tây Ninh. Gọi là xưởng cho sang, chứ thật ra chỉ là một căn nhà cấp 4 cho thuê, nhỏ cỡ một ki-ốt bán báo. Vậy thì xưởng phải tràn ra cả lề đường, nơi trước đây từng có một dãy xà cừ cổ thụ. Giờ xà cừ đã hạ xong, xe máy đang ồ ạt thi công. Nhưng vẫn còn đó một cây bàng che mát cho người; vài bộ bàn ghế làm từ gốc xà cừ còn dang dở.
Ngạc nhiên! Vì từ những gốc cây làm nguyên liệu chế tác; sau cái vẻ xuềnh xoàng, lấm lem dăm gỗ, mùn cưa kia lại là cả một sự lộng lẫy, thăng hoa nghệ thuật. Đây, tượng gỗ ông Di Lặc cao 6 tấc đang phanh cái bụng tròn vo, một chân giẫm lên cái đẫy to, chân kia thanh thản bước. Một tay ông cầm thoi vàng lớn, tay kia cầm quả trứng tròn giơ cao.
Dây lưng trễ nải, áo khăn phất phơ. Và, đặc biệt là những đường nét, mảng khối trên khuôn mặt. Vẫn là vẻ mặt ông Di Lặc ta thấy ở nhiều chùa nhưng ông này có nụ cười đặc biệt vô tư và thanh thoát. Người có dung mạo ấy, thần thái ấy chắc có tâm tĩnh lắm. Gọi là bụt cũng được, gọi thần tiên cũng chẳng sai. Đường nét ấy vừa như ngẫu hứng, lại vừa trau chuốt. Tất cả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mới trên một đề tài đã quen, đã cũ…
Đấy là tôi nghĩ ra và viết thế. Chứ người thợ tạc nên ông Di Lặc, chỉ cụt lủn một câu: ông này bay lắm!
Vâng, tôi lại thấy chính các anh “bay” trên những điêu khắc gỗ của mình. Khi anh Nguyễn Ngọc Mầm- người đứng đầu nhóm thợ, tuổi trạc bốn mươi đang dùng cưa máy phác những nét đầu tiên trên một gốc cây. Tiếng cưa ré lên xoe xoé, từng nhát xoáy vào thân gỗ. Anh đã tìm ra nơi ông tượng sẽ ngồi đâu trong gốc cây này. Rồi đầu, rồi bụng và chân tay. Cứ như anh bóc từng thớ gỗ để ông từ từ hiện ra.
Và phần còn lại của khúc gốc cây vô danh ấy sẽ thành những bóng tùng, suối đá, chim ca… Kể thì nghe “ngon lành” thế! Nhưng cùng với tiếng cưa, là bụi và dăm gỗ văng ra mù mịt. Đầu tóc, áo quần anh Mầm cũng đã hoe vàng như gỗ. Và mắt anh gần như phải nhắm tịt kẻo bị dăm gỗ văng vào. Lúc anh “bay” thấy anh mê mải quá. Cái này cánh nghệ sĩ thường gọi là “phiêu”. Nhóm thợ chỉ có độ bốn, năm người. Ra lúc nào cũng thấy các anh chị ngồi cặm cụi.
Từ những sơ phác ban đầu, họ còn phải đục tay từng nhát, khi nhẹ nhàng, lúc dứt khoát để hình khối tượng rõ dần ra. Rồi lại phải khoan, xói từng mi-li-mét để biến thành những nếp áo, nét mặt tinh vi kỳ ảo. Nơi đây là một ông Di Lặc lộ diện nửa thân trên một khúc cây gỗ quý, có nụ cười rộng hết cỡ. Chỗ kia lại là sư tổ Đạt Ma với gậy sau lưng, tay bưng bình bát.
Mắt ngài trợn tròn thế kia, ai mà dám dâng cơm? Cũng có những ông Di Lặc hiền lành như ta thường thấy ở các cửa hàng nhưng cũng có ông được biến hoá thành nhiều dáng vẻ, tư thế khác. Ông này ngồi dưới bóng đào tiên thanh thản, ông kia lại như giẫm lên cả một đống thoi vàng…
Nhưng làm tôi ngỡ ngàng nhất không phải là những pho tượng theo đề tài dân gian truyền thống, mà là một bức phù điêu gỗ theo phong cách tạm gọi là dân gian đương đại. Xin được đặt tên tác phẩm này là Hạnh Phúc. Một lá sen to nhất làm nền, với một búp sen tở mở nhoi lên. Lại cũng sen, lá và búp vây quanh. Để ở giữa là một đôi vợ chồng già ôm nhau cười sung sướng. Những đường nét trên gương mặt già nua kia mới thật là biểu cảm. Phải chăng họ đã đội đầu chung một lá sen tơ suốt bảy mươi năm cuộc đời kể từ thuở: “Những buổi học về chung một lối/ Đội đầu chung một lá sen tơ” (thơ Nguyễn Bính).
Đã có những gốc xà cừ được tái sinh thành rồng, thành cá trên những bộ bàn độc, lạ. Nhiều gốc cây rừng xưa vẫn xếp đó, đợi chờ. Tác phẩm, có khi sinh ra từ ý tưởng của người dùng với bàn tay khối óc tài hoa người thợ. Như bức phù điêu anh thợ trẻ Lâm Văn Hải đang làm vào ngày cuối tháng 10.2017. Nguyên do là một anh chồng, bỗng một ngày thấy trong lòng nổi lên niềm biết ơn người vợ tuổi gà đã lo toan cho anh bay nhảy giữa đời và thành đạt. Vậy là anh nảy ý tưởng làm bức tượng kỷ niệm ngày cưới của họ. Tượng ấy dĩ nhiên có cả hình tượng con gà và cả con khỉ- con giáp tuổi anh. Thế là hình gà, dáng khỉ thật sinh động từ từ đã hiện ra.
Họ- vợ chồng anh Mầm cùng mấy người em, cháu! Những nghệ nhân dân gian này có chung một mái nhà thuê mướn. Họ đã có hơn chục năm sống và làm trên đất Tây Ninh, hết Tân Hà, Tân Châu lại về Ao Hồ, Hiệp Tân của huyện Hoà Thành. Ba năm nay lại về nương bóng xà cừ trên đường 30.4 để làm xưởng thợ. Vậy là họ đã coi Tây Ninh là quê hương rồi đó! Nhưng vẫn còn một quê hương, nơi họ tiếp thu tay nghề truyền thống quý giá của ông, cha. Đó là làng nghề Đông Giao, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Đời sống người Tây Ninh đang khá dần lên. Nhiều người xây nhà to hay biệt thự. Nhà nào chẳng có những góc thật dễ nhìn để bày tranh hay tượng. Đôi khi chỉ một pho tượng đẹp cũng làm sang thêm rất nhiều cho một không gian. Đó là chưa kể đến tác động tinh thần của vật trang trí, và luôn hướng con người về cái đẹp, cái thiện. Nhờ thế mà nghề tạc tượng gỗ đã sẽ tiếp tục thăng hoa.
N.Q.V