Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Việc Gibraltar thả tàu dầu Grace 1 có thể là bằng chứng cho thấy chiến lược chống lại sức ép từ phương Tây của Iran đang phát huy tác dụng.
Siêu tàu chở dầu Grace 1 tại vùng biển của Gibraltar hôm 15/8. Ảnh: AP.
Khi siêu tàu dầu Grace 1 đêm 18/8 rời Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh, bầu không khí hân hoan bao trùm Iran. Kênh truyền hình nhà nước Iran sáng 19/8 phát sóng hình ảnh con tàu với quốc kỳ bay phấp phới trên boong, đồng thời ca ngợi "thắng lợi" của Iran trước Mỹ và Anh.
Bộ Tư pháp Iran cho biết sẽ yêu cầu Gibraltar bồi thường để "lấy đó làm bài học" cho những nước khác có ý định bắt tàu của nước này. Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo về "hậu quả nặng nề" nếu Mỹ bắt tàu Grace 1, nay được đổi tên thành Adrian Darya 1, trong lúc con tàu di chuyển tới Hy Lạp.
Grace 1 bị thủy quân lục chiến Anh cùng cảnh sát biển Gibraltar bắt ngày 4/7 với cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Tehran bác cáo buộc, khẳng định dầu đang tới cảng Basra của Iraq.
Trong hơn 6 tuần, con tàu đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Iran và phương Tây. Giờ đây, việc Grace 1 được tòa án Gibraltar trả tự do trở thành bằng chứng để Tehran cho thế giới thấy rằng họ có thể chống lại những áp lực lớn từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, giới chuyên gia nhận định. Bên cạnh đó, nó còn là minh chứng cho thấy chiến lược "kháng cự" của Tehran bằng những lời cảnh báo sẵn sàng đáp trả mọi hành động thù địch đã phát huy hiệu quả.
"Thắng lợi ở Gibraltar cho thấy Iran cần sức mạnh quân sự của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở khu vực quốc tế hơn là cần ngoại giao thụ động và đàm phán vô ích", Hamid-Reza Taraghi, chính trị gia Iran chủ trương cứng rắn với phương Tây, tuyên bố. "Cách tiếp cận của IRGC đã buộc những cường quốc lớn nhất thế giới phải thoái lui".
Trong mắt các chính trị gia Iran, tàu Grace 1 được thả chủ yếu bởi IRGC đã đáp trả động thái của London bằng cách bắt tàu Stena Impero treo cờ Anh hai tuần sau đó. Iran luôn coi việc tàu của họ bị bắt là bởi Anh đang muốn lấy lòng Mỹ, tuân theo chiến lược của chính quyền Trump nhằm gây áp lực tối đa lên nước này.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng ở Vùng Vịnh kể từ sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran. Anh, nước tham gia ký thỏa thuận, cùng một số quốc gia châu Âu không ủng hộ các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. London tuyên bố số phận của tàu Grace 1 phụ thuộc vào phán quyết của tòa án Gibraltar, đồng thời bác bỏ khả năng trao đổi tàu.
Quá trình này trở nên phức tạp khi Washington đề nghị Gibraltar bắt tàu Grace 1 ngay trước thời điểm nó được thả. Gibraltar khước từ yêu cầu của Mỹ và cho biết họ đã nhận được đảm bảo từ Tehran rằng con tàu sẽ không tới Syria. Iran, trong khi đó, vẫn tiếp tục giữ tàu Stena Impero.
Điểm đến cụ thể mà tàu Adrian Darya 1 hướng tới vẫn chưa rõ ràng. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết Tehran "không thể quá minh bạch" vì các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm đẩy xuất khẩu dầu mỏ của Iran về con số 0. Tehran không ít lần đe dọa sẽ làm gián đoạn dòng vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz nếu họ không thể xuất khẩu dầu thô.
Mỹ yêu cầu bắt tàu Adrian Darya 1 dựa trên cáo buộc rằng con tàu do IRGC kiểm soát. Washington liệt IRGC vào danh sách tổ chức khủng bố, đồng thời cáo buộc IRGC chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công phá hoại nhằm vào 6 tàu dầu khác tại Vùng Vịnh mùa hè qua. IRGC cũng chính là lực lượng đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái Mỹ hồi tháng 6, hành động khiến Trump suýt ra lệnh không kích trả đũa Iran.
Căng thẳng khiến các nhà ngoại giao cảnh báo về rủi ro "tính toán nhầm" có thể tạo ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Nhưng người Iran cho rằng thắng lợi của IRGC sẽ giúp họ trở nên an toàn hơn. "IRGC mạnh đến nỗi không ai dám phát động cuộc chiến chống lại Iran", Roya, 32 tuổi, một phụ nữ nội trợ ở Iran, nói. "Điều họ làm với tàu chở dầu thật ấn tượng".
"Đây là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ Iran không những đối đầu trực diện với các nước phương Tây mà lại còn chiến thắng. Hình ảnh của IRGC chắc chắn sẽ được củng cố", nhà phân tích Saeed Laylaz nhận xét.
"Việc tàu chở dầu được thả là một thắng lợi, nó không mang đến kết quả thực tiễn nào nhưng lại tác động tới quyền lực của Iran", chuyên gia Emile Hokayem từ Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở ở London, Anh, nhận định. "Căng thẳng giữa Iran và phương Tây không khác gì một trò chơi thách đố và người Iran biết rõ rằng đối thủ của mình đang bị chia rẽ và không thích mạo hiểm".
Nguồn VNE (Theo Financial Times)