Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thăng Long Hà Nội - dấu ấn ngàn năm
Thứ sáu: 10:10 ngày 08/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hà Nội dịp này có những công trình được xây dựng để phục vụ dân sinh và đón chào sự kiện Thủ đô vừa tròn một ngàn năm tuổi.

Ngày mai 10.10.2010, cả nước tưng bừng chào đón ngày chính thức của 10 ngày Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội. Từ ngày khai mạc 1.10, du khách trong và ngoài nước dễ dàng bắt gặp những biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội trên khắp các ngả đường Thủ đô. Những hình ảnh biểu trưng trang hoàng đó như đưa ta hoài niệm về một thời đã qua của lịch sử, như cầu nối gắn kết lịch sử với hiện tại trái tim của cả nước. Và Hà Nội dịp này còn có những công trình được xây dựng để phục vụ dân sinh và đón chào sự kiện Thủ đô vừa tròn một ngàn năm tuổi.

Những ngày đại lễ luôn có các đoàn đại biểu đến viếng tượng đài Lý Thái Tổ

1- Thăng Long - Hà Nội mùa nào cũng tươi đẹp, nhất là mùa có nắng thu vàng. Nói đến Thăng Long - Hà Nội là phải kể đến văn hoá và con người của đất Ngàn năm văn vật. Trong những ngày chào mừng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội, những con đường chính của Thủ đô rực rỡ hơn với hoa hồng đua sắc thắm, quất và bông cúc vàng tươi. Ở bất kỳ chỗ nào Hà Nội cũng có hoa, cả một rừng hoa. Bên cạnh đó là cả rừng biểu ngữ, biểu tượng của Hà Nội tròn một Ngàn năm. Nhìn Thủ đô tươi sắc thắm, trong lòng của những người con Nam bộ trở về Hà Nội lần này, bất chợt lại nhớ đến hai câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Từ Văn miếu Quốc Tử Giám đang sôi nổi với Liên hoan Thư Pháp toàn quốc (vừa được khai trương vào chiều ngày 4.10.2010) cho đến Hoàng thành Thăng Long Hà Nội (vừa được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu là di sản văn hoá thế giới vào ngày 1.10.2010), khắp nơi đều rộn rã không khí đón chào sự kiện trọng đại này. Ngàn năm qua, bao lần thời thế đổi thay, Thăng Long - Hà Nội vẫn còn đó 36 phố phường, vẫn còn đó Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Cột cờ Thủ đô… Tất cả vẫn còn đó, là những tinh hoa và hồn thiêng của Thăng Long ngày xưa, của đất và người Hà Nội hôm nay.

Đêm Hồ Gươm lung linh

2- Công trình tôn tạo và khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội đã được tiến hành từ nhiều năm. Nhưng cho đến ngày 2.10.2010, các hiện vật và di tích cổ mới được triển lãm để người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước có dịp tham quan, chiêm ngưỡng.

Sau khi di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long được phát lộ vào năm 2002, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng vạn hiện vật thuộc các triều đại: tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, có niên đại tới 1.300 năm. Các nhà khoa học đã lựa chọn gần 1.000 hiện vật tiêu biểu trưng bày trong cuộc triển lãm diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Việc trưng bày được chia theo niên đại. Các hiện vật trưng bày chủ yếu là gạch, ngói xây cung điện có hoa văn trang trí bên trên, các lá diềm trang trí (hình phượng, rồng), tượng và đồ dùng sinh hoạt trong cung đình (bát, đĩa, bình, lư hương, liễn, chậu hoa...), các bức tượng (sư tử, rồng) trang trí trên mái ngói cung điện là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo của các triều đại vua chúa Việt Nam xưa.

Khi xem các di vật được trưng bày trong đợt triển lãm này, người xem sẽ cảm nhận được trình độ thẩm mỹ độc đáo, cách trang trí phong phú, tay nghề tinh xảo của thợ thủ công các triều đại đã qua ở Hoàng thành Thăng Long. Đây là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một Ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hoá của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một Nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á.

Với 1.000 hiện vật đa dạng và phong phú được trưng bày, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu bởi nơi đây, liên tục trong hơn một thiên niên kỷ. Khu vực bên ngoài sân còn trưng bày các phiên bản của Chuông Bình An, Trống đồng Ngọc Lũ thu hút nhiều du khách tham quan. Bên cạnh đó là hàng trăm cây cảnh có giá trị được các nghệ nhân trong cả nước tập trung về đây để tham dự triển lãm cây kiểng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

3- Hà Nội mùa thu này càng rực rỡ hơn với Công trình tôn tạo Hồ Gươm- Trái tim của thủ đô Hà Nội với những hàng phượng và bằng lăng quanh hồ như một bờ xanh trổ màu hồng tươi và tím nhạt. Những hàng cây rợp bóng quanh Hồ Gươm vẫn xanh mướt đầy sức sống. Còn đó ngọn bút của thầy đồ Nguyễn Văn Siêu thuở nào, vẫn phóng khoáng viết lên nền trời cao rộng hàng chữ Tả Thiên Thanh, lớp sóng phế hưng qua bao triều đại vẫn cứ lăn tăn gợn sóng ưu tư thế sự và màu hoa vẫn rực rỡ hết mình. Và ở trên bờ là Linh vật Thần Kim quy vừa được trưng bày ngay khu vực cầu Thê Húc của đền Ngọc Sơn- một trong những điểm thu hút nhiều du khách tìm đến.

Tượng Kim Quy tạc bằng ngọc

Việc xây dựng công trình trong khu vực 7,6 ha (khu vực Hồ Gươm), với chủ trương là phải bảo tồn, phát huy những giá trị công trình văn hoá lịch sử về kiến trúc truyền thống cũng như vấn đề cảnh quan. Trong đó lấy Hồ Gươm làm trung tâm, toàn bộ công trình khác như: cây xanh, công trình kiến trúc, đình chùa đều phải giữ lại. Những đêm trong ngày Đại lễ, Hồ Gươm như rực sáng với bao nét lung linh huyền ảo từ công trình ánh sáng lazer sự hiện đại cùng song hành cùng nét xưa cổ kính nhưng còn nguyên giá trị để Hồ Gươm mãi mãi là trái tim của Hà Nội Ngàn năm.

4- Trong những ngày này, du khách nào đến với Thủ đô cũng thường nhắc đến dự án “Con đường gốm sứ” dài gần 4km đã thay thế cho bờ đê với những mảng tường bêtông màu xám cũ kỹ và có phần thiếu thẩm mỹ của thủ đô. Đó là dự án văn hoá lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện bởi phương thức xã hội hoá khá thành công. Dự án Con đường Gốm sứ dài gần 3.950m, diện tích khoảng 7.000m2, được khởi công từ năm 2008. Bức tranh gốm có 21 trường đoạn chạy dài từ An Dương đến Vạn Kiếp theo các chủ đề tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông, với ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ thời Đông Sơn qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Con đường Gốm sứ còn tái hiện các hoa văn đặc trưng trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Các bức tranh được sáng tác cùng những tinh hoa của các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long và Bàu Trúc...

Con đường gốm sứ

Một trong các sự kiện quan trọng của chương trình kỷ niệm Đại lễ là lễ khánh thành và đón bằng công nhận kỷ lục Guinness cho Con đường Gốm sứ dài nhất do Tổ chức Guinness thế giới trao tặng được tiến hành vào ngày 5.10.2010. Đây thực sự là một công trình nghệ thuật mang dấu ấn dài lâu của những ngày Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 tuổi.

5- Còn có một công trình hiện đại nữa, vừa được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội khánh thành vào ngày 29.9.2010 là công trình Đại lộ Thăng Long, vốn trước kia là con đường Láng- Hoà Lạc. Với chiều dài 28km, bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đến ngã tư giao với quốc lộ 21A. Đây không chỉ là đại lộ dài nhất mà còn là tuyến đường đạt chuẩn cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sử dụng nhân dịp chào mừng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội.

Lòng đường được trải phẳng phiu. Người đi đường còn cảm thấy mát mắt khi ở dải dự trữ giữa hai làn đường cao tốc, những mảng cây xanh đã được trồng, chăm sóc khá kỹ lưỡng, tạo ra một khung cảnh mỹ lệ. Hệ thống chiếu sáng đồng bộ, hiện đại trải dài tít tắp theo con đường, cùng với những đường hầm dành cho các tuyến giao cắt, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Đại lộ Thăng Long được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chính là một điểm nhấn rõ nét về sự phát triển không ngừng của Thủ đô Ngàn năm tuổi và cũng vừa lập kỷ lục là Đại lộ lớn nhất ở Việt Nam.

Hà Nội Ngàn năm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là trái tim nồng ấm trường tồn cùng đất nước. Trong dịp Đại lễ Ngàn năm này, Hà Nội càng lớn nhanh với những công trình mới, những khu dân cư mới, càng vững bước đi vào tương lai từ những công trình của ngàn xưa và hôm nay.

Huỳnh Minh Đức

 

 

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục