Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chú tôi kể, trong đám nhóc học chung những năm cấp một, thằng Nhãi là đứa chú ấn tượng nhất. Nhà nó nghèo vào loại cùng cực ở cái làng Điềm mình.
Chiều muộn, hai chú cháu tôi lững thững tản bộ xuống xóm Chùa viếng đám tang bà cụ Hở. Dọc đường chú kể vắn tắt: Người con trai độc nhất của cụ Hở cùng lứa tuổi với chú và cha cháu. Ngày còn học cấp một, bọn chú đặt cho cậu ta cái biệt danh thằng Sãi.
Trong sổ học trò ghi tên nó là Nguyễn Văn Nhãi, bây giờ là ông lớn Trần Đại Phát, về làng bằng xe con bóng loáng. Vài chục năm nay, một vùng rộng lớn bao gồm mấy tỉnh, thành từ vùng than Quang Ninh đổ xuống quê mình, giới giàu có mới phất chả mấy vị không có quan hệ làm ăn to nhỏ với đại gia Đại Phát.
Nói không ngoa, gặp không ít sếp lớn sếp bé, cái tay Đại Phát này suồng sã vỗ vai cậu cậu tớ tớ là chuyện bình thường. Lắng nghe dư luận trong làng, cháu sẽ biết được nhiều chuyện hay ho về nhân vật nhiều tiếng tăm này đấy.
Đoạn đường thẳng băng đúc bê tông tràn tới sát những gốc phi lao cao vút trồng hai bên dẫn vào cổng nhà cụ Hở coi vẻ hoành tráng hơn con đường ruột làng Điềm. Khuôn viên nhà cụ Hở không rộng, nhưng chính giữa nổi lên năm gian từ đường cực kỳ bề thế. Mấy bậc đá xanh nguyên khối xếp chồng thành bậc tam cấp dẫn lên mặt thềm thênh thang cao tầm đầu đứa trẻ lên mười. Mép thềm kê một hàng sáu cây cột đá vuông vức, ba mặt đều chạm nổi ba hàng câu đối chữ Nho bay bướm. Đỉnh mỗi cột đá tạc hình hoa sen đội gót một vì kèo tiền bẩy hậu kẻ toàn bằng gỗ lim đen bóng đỡ mái từ đường lợp ngói âm dương giả cổ đỏ au. Bốn góc đao đình cong vút bốn đoạn đuôi rồng mềm mại chổng ngoắc lên trời. Chót vót hai đầu hồi gắn hai đầu rồng râu ria tua tủa ngạo nghễ quay vào chầu nửa vầng trăng đắp nổi nằm giữa nóc nhà thờ. Cỗ áo quan cụ Hở sơn son thiếp vàng kê ở gian giữa. Trên nắp đặt khung ảnh bán thân cụ bà mặc áo nhà chùa lụa vàng, cổ đeo vòng tràng hạt bằng đá quý, vẻ mặt từ bi không buồn cũng không ra vui. Ông bà Đại Phát và cậu con trai mặc áo xô trắng cung kính đứng xếp hàng dọc phía đuôi quan tài. Chú cháu tôi thắp nhang cúi đầu vái ba lần. Tang chủ đáp lễ rồi bước ra nói lời cảm ơn. Nghe chú tôi giới thiệu, ông Đại Phát khen xã giao trông tôi ra dáng con nhà nòi. Khi chúng tôi ra về, ông tiễn chân tới cổng hẹn: Có dịp vào Sài Gòn nhất định sẽ đến thăm gia đình tôi. Ông còn thòng thêm: Chả biết cha anh có thèm nhận tôi là bạn bè không, chứ ngày xưa chúng tôi cùng học một lớp suốt mấy năm tiểu học trường làng đấy. Sau thủ tục bắt tay tạm biệt, ông tặng tôi tấm card, thân mật, dặn thêm: Chỗ làng nước thân tình, nếu cần cháu cứ đến tìm chú. Cơ quan chú sẵn nhiều công việc phù hợp với khả năng của cháu. Về nhà tôi lấy ra coi, hai mặt tấm card in hai ngôn ngữ Anh và Việt: Kỹ sư XXX Chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty YYY, và mấy chức danh to đùng khác. Một người chỉ cần một chức của ông ấy cũng đủ vinh thân phì gia rồi.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đã nghe trống kèn inh ỏi đám rước linh cữu cụ Hở ra đồng đi ngang ngõ. Tốp đầu áng chừng đã ra khỏi cổng hậu làng Điềm mà đoạn cuối còn chùng chiềng cách chỗ tôi đứng vài ba trăm mét. Tôi nghe cụ ông xỏ đôi guốc mộc, tay chống cây gậy trúc đứng cạnh tôi nói bâng quơ: Rõ thật là tân cổ giao duyên, một đời lão mới thấy đám ma này là một. Cụ bà ngồi xổm gần đấy thì chép miệng: Lúc bà ấy khổ quá thì giời chẳng cho chết. Vừa được hưởng phú quý có kẻ hầu người hạ, sướng như hoàng thái hậu chưa được bao lăm đã lăn đùng về cõi Phật.
Tôi đoán cụ ông bảo rằng cái đám này tân cổ giao duyên bởi cụ lạ mắt với hai hàng kèn đồng vàng choé và chiếc trống Tây mặt to bằng tấm nia, hùng dũng bước sau cỗ kiệu bốn người khiêng pho tượng Đức Phật tay cầm thiền trượng dẫn đầu. Ban kèn Tây ồn ào cử bản nhạc phim Tây du ký gợi tâm trạng vừa náo nức lên đường, vừa thiết tha lưu luyến trần gian. Kế đến một trăm lẻ tám vị sư xếp hai hàng dọc, miệng lầm rầm đọc kinh, tay lần tràng hạt, bước đi rù rì. Ấy là tôi nghe nói vậy, thực tình tôi không đếm. Sau hàng sư sãi, cũng chừng ấy cụ bà đội tấm vải tượng trưng cây cầu Bát Nhã nâng bước linh hồn người quá cố nhẹ bước sang miền Tây thiên cực lạc. Tiếp đến, đội hình các chú đồng nam, đồng nữ đồng phục nâu sồng, đỉnh đầu buộc túm một lọn tóc trái đào, nối nhau hai hàng, mắt nhìn ngơ ngác. Rồi đến đội nhạc lễ bát âm mười mấy cây kèn, cây nhị ỉ eo hoà cùng bộ trống cơm long bong tấu bản Lâm khốc não nề. Quan tài cụ Hở nằm dọc cỗ kiệu giông giống con thuyền sơn son thiếp vàng, được ba mươi sáu người khiêng nhích từng bước ngắn. Ông Đại Phát đội mũ rơm, mặc áo đại tang cúi khom khom chống gậy giật lùi trước linh cữu. Sau linh cữu một hàng lộn xộn con cháu áo khăn trắng xoá bưng mặt khóc ri rỉ. Rồi đến một đoàn đủ cả già trẻ lớn bé rồng rắn chả ra hàng ra lối nào, theo nhau kéo dài chả đoán nổi bao nhiêu người. Chỉ biết đoạn đầu chẳng thấy đoạn cuối, đoạn cuối thì cứ nhìn gáy nhau mà bước.
Về nhà, tôi xuýt xoa với chú tôi: Ở trong Nam cháu chưa từng thấy đám tang dân thường nào đông nghịt như thế này. Phong tục làng mình hay thật. Chú tôi lấp lửng: Không có tiền có mà ối kẻ bỏ công bỏ việc đi đưa vậy. Mỗi người làng đi sau quan tài được phát năm chục ngàn đấy. Mỗi chú tiểu hai trăm, mỗi cụ bà đội cầu hai trăm, các vị sư phong bì bao nhiêu không biết. Đám này tốn kém tiền tỷ chứ chẳng ít đâu. Tôi tò mò: Ông Đại Phát làm gì mà lắm tiền vung vít như lá tre vậy? Chú tôi lại lấp lửng: Chỉ có trời đất may ra biết được.
Trước đại nạn đói Ất Dậu 1945, ngầm đoán nguy cơ có thể chết hết cả nhà, bố mẹ thằng Hở dặt dẽo lết đến chùa làng Điềm van lạy vị sư trụ trì cho hai đứa con trai thò lò mũi xanh được ăn mày cửa Phật. Năm ấy thằng Hở lên năm, thằng Hớn lên mười, cái tuổi còn bám váy mẹ chả được tích sự gì. Được sư cụ làm phúc nhận lời, hai ông bà rớt nước mắt từ biệt hai con rồi dắt nhau đi ăn mày. Sau nạn đói không ai trở về, chắc họ đã chết bỏ xác ở một nơi nào đó. Thoát chết đói, thằng Hớn xin sư cụ cho về đi ở chăn trâu cho một nhà hào phú trong làng. Rồi anh Hớn lấy vợ, sinh con, có một gia đình hai bữa cháo rau đùm bọc qua ngày. Thằng Hở vẫn ở lại chùa. Sư cụ cũng muốn dìu dắt nó tu hành nhưng một câu kinh chẳng bao giờ thuộc, một chữ nó cũng không nhớ nổi. Bù lại được cái nết siêng năng bảo gì làm nấy, làm đến nơi đến chốn. Hơn mười năm ở chùa, ngoài mấy việc kéo chuông, quét lá sân chùa và hầu hạ sư cụ ngày hai bữa cơm chay, Sãi Hở chẳng biết làm gì, chẳng biết cuộc đời ngoài cổng chùa vui buồn quyến rũ ra sao. Mười mấy tuổi mà anh ta chỉ cao chưa quá sống lưng trâu, bị xếp vào loại thấp bé nhẹ cân còi cọc khó thành người lớn. Bốn mùa mặc đồ nhà chùa rộng thùng thình, trên đầu luôn trùm vuông vải nâu che cái trán thấp, che cả đôi mắt ti hí loèn nhoèn. Không có dáng đi loắt toắt với đôi môi mỏng luôn lúm búm như ngậm hột thị trong mồm thì, trông anh ta cũng đủ vẻ khôi hài rồi. Là người nhà chùa, nhưng chả biết tại làm sao, chả người làng nào gọi anh là tiểu Hở, họ cứ đùa cợt kêu anh là Sãi Hở. Có lẽ bởi anh ta bước đi lón thón, điệu bộ rụt rè, lờ khờ giống đưa con gái dở hơi chăng. Đến thời cải cách ruộng đất, anh Hớn xin nhà chùa cho em mình hoàn tục về nhà.
Sãi Hở tuy người ngợm bé con con nhưng việc đồng, việc nhà biết nhí nhắt siêng năng làm chẳng ngơi tay, được anh trai và chị dâu thương như con đẻ. Chỉ riêng việc cày bừa anh chịu thua, bởi cái cày còn cao hơn chỏm đầu anh, cũng tại con trâu đực kềnh càng tưởng anh là thằng nhỏ, nó bắt nạt, đánh thừng đánh chão thở phì phì không đi nửa bước. Ra khỏi nhà chùa, được anh trai dắt theo ăn giỗ, ngồi cỗ đám, cỗ làng, được nếm miếng thịt lợn, thịt trâu lạ miệng, Sãi Hở đâm ra nghiện cái miếng ăn bùi bùi beo béo lâu nay nhà chùa cấm tiệt. Xưa anh ta ngây độn chả nhớ mặt chữ, chả thuộc câu kinh, vậy mà nay, một năm trong làng ai chết ngày nào, nhà nào có giỗ, anh ta nhớ vanh vách. Tới ngày nhà ấy mở đám là anh ta mò đến. Không sai bảo cũng tự động lăn vào bếp nhặt rau, bửa củi, vặt lông gà… Đến bữa thế nào cũng được đánh chén no say, lại còn được phần mang về cho anh Hớn. Anh Hớn giận em mắng: Mày làm xấu mặt cả nhà. Anh ta chỉ híp mắt cười như đứa trẻ.
Mấy năm làm lụng ngoài đồng, thường chung đụng với các chị em lúc nghỉ ngơi tắm táp, Sãi Hở thấy trong người khang khác. Xưa sư cụ nhiều lần dạy phải xa lánh nữ nhi, không được mơ tưởng sắc giới, Sãi Hở nghe rồi, lần im lặng, lần cãi: Sự ấy chả bao giờ con để ý. Nay, trong sinh hoạt dân dã thường chung đụng với các chị em hây hây má đỏ môi hường, làm cho Sãi Hở đêm đêm lạc vào những giấc mơ là lạ khiến anh bủn rủn tâm thần. Sáng mai gặp người ấy giữa đồng, tự nhiên chân tay luống cuống mặt đỏ rần rần. Anh Hớn xưa nay vẫn cho thằng em bé loắt choắt của mình chỉ là đứa trẻ. Bỗng một lần thấy nó cúi mặt xuống bể nước soi gương rồi vuốt nước mưa lên mái đầu loe hoe vài sợi tóc, rồi hấp hé đôi mắt ti hí cười cười, anh mới ngẩn người nhận ra nó đã là thằng đàn ông tự lúc nào rồi. Lại không ít lần anh Hớn bắt gặp em mình ngẩn người nhìn trộm các cô gái ngồi thả chân xuống bờ mương cúi lưng kỳ hai bắp chân trắng muốt. Có cô đong đưa ánh mắt ỡm ờ: Anh Sãi muốn em về làm vợ thì bắt cho em đầy giỏ cua này đi. Chẳng nói một lời, Sãi ta híp mắt cười, chạy đến xách quai giỏ của cô kia rồi xăng xái lội bì bõm dọc các bờ ruộng úng nước, khom lưng vọc lút cánh tay vào các lỗ cua lôi ra những con chắc nịch. Chả biết sau lưng mình các ả ấy ôm nhau cười ngặt nghẽo. Đắn đo mãi anh Hớn mới bàn với vợ: Phải tìm cho chú Hở một đám thôi mình ạ. Chị vợ thở dài: Người ngợm chú ấy loắt choắt như thế đứa nào nó lấy. Khó đấy.
Nghe bà mối giới thiệu bên làng Diễm có nhà bà goá còn đứa con gái quá lứa nhỡ thì. Chị ta cao lớn như lực điền, chân tay nổi gân nổi chão, từ đôi mắt lồi lồi, đôi môi thâm thâm cho đến nét mặt chả có chút nào ra vẻ đàn bà. Bù lại, cặp mông và đôi nhũ hoa thì vô cùng đồ sộ, tướng ấy về đường con cái cứ là đầu bảng. Chả cần hỏi em mình có thích hay không, anh Hớn liều đánh tiếng với bà goá xin cho Sãi Hở làm rể. Công chuyện chóng vánh thu xếp xong xuôi, bởi cả hai bên đều có gì mà cao kỳ bắc bậc. Căn nhà lá một gian hai chái anh Hớn cất cho em ở góc vườn vừa xong hôm trước, hôm sau anh làm mâm cơm cúng bố mẹ rồi xin nhà gái rước dâu về. Nửa đêm tân hôn sáng trăng vằng vặc, Sãi Hở lũn tũn sang nhà ông anh đập cửa thình thình, miệng hổn hển: Anh Hớn, anh Hớn dậy mau em bảo cái này. Anh Hớn lồm cồm bò dậy, sẵn ấm nước chè đãi khách còn một ít, anh mang ra hè trải chiếu anh em cùng ngồi dưới trăng. Bụng anh có vẻ mừng mừng, thằng em mình có vợ rồi, ra người lớn rồi, chắc nó sang bàn với mình kế hoạch làm ăn gì đây. Chưa uống được nửa bát nước, Sãi Hở vỗ đùi ông anh đánh đét rồi lập bập một hồi dài: Thích quá, sướng củ tỉ quá, có vợ sướng chịu không nổi. Anh như cái đếch, ôm vợ sướng vậy mà cứ im ỉm thích một mình. Giá kiếm cho em con vợ sơm sớm một tí thì thằng em này chả bị phí hoài mười mấy năm ăn cơm chay, tối ngủ chay một mình. Tiếc thật. Đã giơ tay định cho em cái tát, nhưng anh Hớn chùng xuống rưng rưng thương em mồ côi từ tấm bé, còi cọc, ngơ ngẩn, khổ sở một đời, bàn tay anh từ từ hạ xuống xoa xoa vai em, xót xa hạ giọng: Anh xin lỗi, chú về nghỉ đi.
Được anh trai chia cho vài sào ruộng, vợ chồng Sãi Hở quơ tay vài chục buổi đã hết việc. Thời gian còn lại, ai thuê mướn gì họ làm nấy, chả lúc nào nghỉ ngơi. Ngày ngày, cô vợ lực điền huỳnh huỵch bước những bước dài đi trước, Sãi Hở lúc thúc chạy theo sau. Công việc cần xốc vác như đào đất, cày bừa thì chị vợ làm phăm phăm. Việc nhẹ, Sãi Hở vơ cỏ, đắp máng, be bờ, ró ráy vậy mà chu đáo ai cũng hài lòng. Chiều về, vẫn quy trình vợ sải bước đi trước, chồng chạy sau đến hụt hơi, vuông vải nâu trùm đầu lật ra sau gáy để lộ cái sọ nhẵn thín lơ thơ vài sợi tóc phất phơ gió thổi. Làng Điềm sẵn kẻ rỗi mồm đặt chuyện tiếu lâm ví Sãi Hở như con nhái bén bám chum tương, cô vợ là cây cau đực cao ngong ngỏng. Vậy mà cuối năm ấy con nhái bén ấy đã làm cho cây cau đực nọ tòi ra thằng con trai trắng trẻo bụ bẫm, ai trông thấy cũng muốn bế bồng cưng nựng. Anh trai Sãi Hở nói với em: Cháu nó tốt tướng thế này, các cụ bảo khó nuôi lắm. Thôi thì bố tên Sãi, để cho tôi đặt cho nó là thằng Nhãi. Tên xấu xí vậy may ra quan ôn tha bắt đi hầu ngài thì vạn phúc.
Chú tôi kể, trong đám nhóc học chung những năm cấp một, thằng Nhãi là đứa chú ấn tượng nhất. Nhà nó nghèo vào loại cùng cực ở cái làng Điềm mình. Mùa đông phong phanh manh áo đụp. Mùa hè cũng vẫn cái áo đụp ấy khoác lên người. Ăn uống bữa có bữa không vậy mà da thịt nó cứ trắng hồng, mặt mày rạng rỡ như mặt ông Phật ngự trên chùa. Là con trai mà môi đỏ như son, đặc biệt hai vành tai vừa dày, vừa dài lại hồng hồng như phết phấn, bọn chú đặt cho nó cái biệt danh con Phật. Chuyện đến tai thầy giáo, thầy quở như vậy là phạm thượng. Bọn chú đổi thành thằng Sãi Nhãi. Nó chẳng cãi, cũng chẳng chống trả đánh lại. Giá mà nó vung nắm đấm chắc bọn chú thua là cái chắc. Đến một ngày chả biết ai đặt ra bài vè: Cha con thằng Nhãi\ Ngồi bán tương chua\ Bà vãi hỏi mua\ Một đồng hào rách\ Ông Sãi đành đạch\ Múc nửa gáo thôi\ Thằng Nhãi nghe rồi\ Múc đầy một gáo\ Cái cán vênh váo\ Tương đổ toé loe\ Ông Sãi bẻ que\ Nhằm thằng Nhãi quất… Còn dài lắm. Cũng chả có gì ác ý, nhưng qua mồm lũ học trò thì quả là có quá trớn, làm cho thằng Nhãi tự ti, xấu hổ dẫn đến bỏ học, bỏ làng đi biệt. Năm ấy nó chưa đầy mười tuổi.
Sau đám tang mẹ, một chiều, ông Đại Phát đi bộ đến gõ cổng nhà chú tôi. Hai người nắm tay nhau vồn vã, đúng là đôi bạn lâu ngày không gặp. Chưa yên vị chú tôi đã nóng lòng hỏi ngay:
- Nghe đồn thì thêu dệt đủ chuyện, tớ muốn chính cậu kể cho nghe từ buổi cậu dám bỏ làng, đã gặp những sự gì mà mấy chục năm không tăm tích vậy?
- Năm ấy chả biết ma quỷ nào xui khiến, tớ lại nảy ra ý định trốn lên tàu hoả rồi xuống ga Hà Nội. Sau hai ngày vật vã lơ phờ ngoài ga, đói mờ con mắt, nhớ bố tớ nói: Đi đâu lỡ độ đường, cứ tìm vào nhà chùa thế nào cũng có cái ăn. Tớ hỏi thăm và lần được tới một ngôi chùa to lắm. Cũng chả biết các nhà sư ở đâu, chỉ thấy người đi lễ Phật đông nghìn nghịt. Tớ cứ đứng ngây người trước một pho tượng to lắm ngự giữa gian chính tẩm, chợt một bàn tay bà cụ ăn vận sang trọng khác hẳn các cụ bà quê mình vỗ nhẹ vai tớ, hỏi: Cháu làm gì ở đây? Tớ lắc đầu. Cháu tên gì, tớ lại lắc, thế nhà cháu ở đâu? Tớ vẫn lắc. Vậy cháu có đói không? Tớ gật. Vậy là bà cụ dẫn tớ ra ngoài cổng chùa mua cho một ổ bánh mì. Tớ ăn ngấu nghiến. Chờ tớ ăn xong, bà nắm hai tay tớ bảo: Có muốn về ở với bà không? Tớ gật. Liền đó bà gọi xích lô đưa hai bà cháu về nhà. Nhà bà to lắm. Cổng có người bảo vệ. Vừa chạm cửa ngoài bà gọi với vào trong: Anh chị XXX có nhà không? Ra xem tôi đưa thằng con Phật về cho anh chị đây. Có tiếng bước chân líu quýu từ cầu thang gác bước xuống. Khi hai anh chị XXX ngẩn người đứng trước chúng tôi, bà cụ chỉ tôi rồi ra một lệnh: Chị lo tắm táp cho thằng bé đi. Thành tâm cầu tự mãi, nay Phật mới cho anh chị một thằng con, xem giống đức Ngài không? Mô Phật. Sau này tôi mới biết bố mẹ nuôi tôi đều là cán bộ to. Họ cầu mãi chẳng được mụn con. Đêm trước bà cụ nằm mộng được một vị sư gõ đầu bảo: Mai lên chùa mà đón cháu đích tôn. Sáng ấy gặp được tôi hình dáng giống y ông Phật trên chùa, mừng quá, bà cụ lễ Phật rồi lôi ào tôi về nhà. Từ hôm ấy, chẳng cần biết gốc tích, họ khai lại tên tuổi tôi theo họ Trần nhà họ và cho tôi đi học ở một ngôi trường có tiếng ở thủ đô. Những việc ấy với bố mẹ nuôi tôi không khó. Chả hiểu sao ngày ấy tôi đã khôn ngoan chả bao giờ kể lai lịch của tôi. Họ hỏi tôi chỉ ngây ngô lắc đầu. Lâu dần bà cụ và bố mẹ nuôi tôi coi tôi như là một sự đáp đền của Trời Phật cho cả đời tu nhân tích đức nhà mình. Hồi học ở làng tôi đâu có dốt. Học ở trường mới nhiều điều kiện tốt hơn, tôi tiến bộ vù vù. Rồi tôi đi du học nước ngoài, lấy hết bằng nọ bằng kia, cha nuôi tôi gọi về nước nhận công tác ông đã sắp xếp, tôi xin ở lại học tiếp. Kỳ thực tôi đã vượt bức tường Berlin sang Tây Đức. Rồi phe mình xảy ra nhiều sự đổ vỡ, tôi trôi dạt xứ người không dám trở về sợ liên luỵ đến gia đình cha nuôi. Mãi sau đổi mới mấy năm, tôi mới trở về thì cha mẹ tôi đã hưu trí cả. Họ đưa tôi lên khu mỏ công tác. Từ vùng mỏ, và cũng từ ảnh hưởng gia đình, tôi tiến lên các nấc thang như mơ. Sau này xã hội thoáng hơn, tôi nắm nhiều đầu mối xuất khẩu than, tiền bạc đổ vào nhà như nước sông Đà mùa lũ vậy.
Nhưng rồi rút cuộc, cái được căn bản nhất của tôi là gì? Bố mẹ đẻ mình thì như vậy đấy… Mấy bữa nay tớ day dứt mãi lời mẹ tớ trăng trối lúc lâm chung: Con lấy chiếc hộp mẹ cất trên bàn thờ bố, trong đấy có bọc nhỏ gói bằng tấm khăn nâu đội đầu của bố con, con hãy đem cúng chùa làng, nơi đã cưu mang bố con lúc hàn vi. Còn gói lớn bọc trong tấm lụa, tuỳ con định đoạt. Cậu biết không? Gói khăn nâu có năm chỉ vàng bố mẹ tớ chắt chiu dành dụm cả đời mới có. Còn gói lớn là mấy chục cây vàng tớ biếu, cụ không đụng đến một phân. Mấy ngày nay tớ đang là con người khác cậu ạ.
Chú tôi lắng nghe, chờ ông Đại Phát ngưng lời, ông bá vai bạn trầm ngâm: Tớ muốn cậu biết chuyện này…
Đó là câu chuyện chú đã kể với tôi sau buổi đi viếng tang cụ Hở.
Sau ngày thằng Nhãi mất tích, bố mẹ nó chẳng biết đi đâu mà tìm. Ngày ngày hai ông bà vẫn vợ huỳnh huỵch sải bước phía trước, chồng lón tón theo sau đi làm thuê cho khắp mọi nhà. Chỉ đêm đêm họ mới thở than cùng nhau niềm thương nỗi nhớ thằng con trai quằn quặn. Mười năm đầu còn phập phồng hy vọng thằng Nhãi một bữa nào đó đột ngột trở về. Những năm sau đó, sức khoẻ ông Sãi Hở mỗi ngày mỗi suy yếu đi rõ rệt. Nhưng họ vẫn cùng nhau chẳng bỏ một buổi làm thuê nào. Một sớm cuối năm rét mướt, bà Hở đã vác mai lội qua con ngòi lưng lưng nước, quay lại vẫn thấy ông Hở còn luýnh qua luýnh quýnh bờ bên kia. Thương chồng, bà lội sang giơ hai tay xốc nách định bế ông qua ngòi. Bất giác bà khóc ngất. Trong tay bà không phải là ông Hở ngày xưa nữa. Bà gào lên: Sao ông bỗng biến thành một thằng bé con nhẹ hều vầy, ông Hở khốn khổ của tôi ơi. Cứ vậy, bà đứng bế chồng trên hai cánh tay tuy chẳng còn dẻo dai như xưa mà thảm thiết bật ra bao lời ai oán. Cứ vậy bà bế ông như bế thằng Nhãi ngày xưa chầm chậm từng bước về nhà. Đặt ông ngồi xuống góc giường, nhà có bao nhiêu tấm áo đụp bà lôi ra phủ kín người ông. Bà đi bắt con gà mái sắp đẻ, vừa làm lông gà bà vừa sụt sịt: Nó sẽ đẻ cho nhà ta vài chục trứng. Sẽ nở ra mười mấy gà con, một năm nữa sẽ bán được bao nhiêu là tiền. Nhưng mà bòn mót làm gì nữa ông ơi. Lâu nay tôi bắt ông nhịn thèm từng miếng, bắt tôi kham khổ, xót xa không dám bỏ vào mồm một quả trứng gà. Bòn mót hai chục năm nay mới được dăm chỉ vàng chôn dưới chân giường, bảo để cho nó trở về có chút vốn làm ăn. Bây giờ con biệt tích, chồng là bó xương đay nhẹ tênh tênh, khốn khổ thân tôi, khốn khổ thân ông. Bà cứ than thở một mình vậy. Tới lúc cơm chín, thịt gà chín, bà tìm miếng ngon nhất tay xé thành miếng nhỏ, tay bón cho chồng. Nhưng ông Hở chỉ lúm búm rồi nhè ra, giơ ngón tay trỏ vào mồm mình không một chiếc răng. Đêm ấy, một bên mâm ông ngồi khóc. Một bên mâm bà ngồi khóc. Giữa mâm là đĩa thịt gà tới khuya lạnh tanh không bớt đi một miếng. Từ đấy bà lùi lũi đi làm thuê một mình. Ông Sãi Hở ở nhà. Buồn quá, ông lón thón đi ra cổng làng, lón thón qua cầu Bà Ngự rồi ngồi tựa lưng vào phiến đá khắc chữ Hạ Mã nay đã mờ mờ rêu xanh. Người làng hỏi, ông mủm mỉm cười chỉ về phía xa xa: Tôi đợi thằng Nhãi, nó bảo hôm nay về nhà. Từ đấy, dân làng Điềm thường chứng kiến chiều muộn bà Hở sau buổi làm thuê lại lật đật qua cầu đá cõng ông Hở về làng. Vừa bước từng bước ngắn như sợ ông đau, bà vừa mếu máo: Sao cái đời mình khổ quá vầy ông ơi! Một chiều gió may se lạnh, trời lất phất mưa bụi, bà Hở qua cầu đón ông. Thấy ông ngồi bó gối như pho tượng La Hán, lưng tựa phiến đá, mặt nghểnh nẻo xa xa, hai mắt căng híp như hai sợi chỉ, khoé miệng cười cười, mếu mếu. Gọi ông không trả lời, lay ông không động đậy. Hồn ông đã ở nơi đâu rồi. Chắc là ở chốn nào xa lắc, nơi thằng Nhãi đang hiện diện.
Đám tang ông Sãi Hở người làng đi đưa tiễn đông chật con đường dẫn ra nghĩa địa. Tôi nhớ một lần trong cơn quên quên nhớ nhớ bà tôi bảo: Làng mình có hai đám ma đông người nhất, lấy được nhiều nước mắt của người làng nhất. Đấy là đám bà cụ Ngự và đám ông Sãi Hở.
V.T.K