Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðại dịch Covid-19 đang hoành hành, thực hiện “5K”, tôi tạm gác thói quen từ lâu nay là cứ sáng sớm đến quán cà phê ở đầu đường để vừa nhâm nhi ly cà phê đen vừa bàn chuyện “thời sự”.
Sáng nay, tôi ở nhà tự pha cà phê gói, nhâm nhi một mình. Trời chưa sáng hẳn, gió Tây Nam riu riu thổi vào nhà. Rồi mưa lất phất. Nghe tiếng mưa gõ nhịp đều đều trên mái tôn, tôi chợt nhớ nay đã giữa tháng sáu âm lịch rồi. Xưa kia vào thời điểm này, nông dân quê tôi tập trung cấy lúa ruộng gò. Sáng sớm tháng sáu, dù trời tạnh ráo hay mưa lất phất, bến sông gần nhà tôi rất đông vui.
Vì rất nhiều nam nữ thanh niên, cùng với đàn ông, đàn bà tập trung xuống bến sang sông ra đồng nhổ mạ, cấy lúa mướn. Trong đội quân đi “nhổ cây sống trồng cây chết” ấy cũng có tôi.
Cấy lúa. Ảnh minh họa
Trước kia, cánh đồng quê tôi có hai dạng ruộng khác nhau, đó là ruộng lầy và ruộng gò. Ruộng lầy chỉ chiếm phần ít thôi. Nó là những đám ruộng sâu trũng ven sông rạch, quanh năm ngập nước, mặt ruộng rất nhiều sình lầy.
Ðể lúa lên cao tránh được mùa nước lụt vào giữa tháng tám, trong tháng năm là nông dân phải cấy cho xong ruộng lầy. Ðể rồi qua tháng sáu tập trung cấy lúa ruộng gò.
Cánh đồng rộng lớn đa số là ruộng gò, đất dẽ và cao hơn ruộng lầy. Vào mùa nắng mặt đất ruộng gò khô nứt nẻ, nhưng vào mùa nước lụt, cánh đồng ruộng chìm sâu trong nước.
Vì vậy, để lúa phát triển tốt, vượt được nước lụt, nông dân phải tranh thủ làm đất và cấy lúa cho xong trong tháng sáu. Ðồng bưng rộng, người làm ruộng ít cũng năm, bảy mươi cao, người làm trung bình thì một hai mẫu, cũng có một số nông hộ làm đến năm, bảy mẫu ruộng…
Ðể cấy xong một mẫu ruộng trong một ngày phải cần đến 30 công cấy (30 người) chuyên nghiệp. Ruộng nhiều, công cấy ít, lại tập trung cấy vào tháng sáu, nên chuyện “kẹt công” (thiếu công cấy) là chuyện không tránh khỏi.
Vì vậy, ngoài đội quân cấy mướn của làng tôi ra, vào tháng sáu còn có nhiều công cấy ở các làng lân cận “đầu quân” về đây. Hồi đó, những người đi cấy thuê có thể gia nhập vào vạn cấy, hoặc không cũng được.
Những người gia nhập vào vạn cấy gọi là “công vạn”, còn những người không gia nhập là “công lẻ”. Hầu hết công cấy quê tôi đều gia nhập vạn cấy. Số ít (thường những người không chuyên nghiệp) thì đi cấy lẻ. Khi ấy, mới sang học cấp ba, tôi tham gia cấy mướn (mùa cấy là mùa nghỉ hè), nhưng không tham gia vào vạn cấy nào cả, mà chỉ là “công lẻ”.
Hồi đó, mỗi vạn cấy thường có từ 30 người trở lên, dưới sự điều động của một người đầu công, được gọi là “trùm vạn”. Diện tích ruộng lớn, cần nhiều công cấy, chủ ruộng không thể đi kêu từng người được, nên phải gặp trùm vạn “bỏ công” (giao ước ngày và số lượng công cấy).
Ðể tập trung công cấy, bốn- năm giờ sáng, trùm vạn cầm tù và làm bằng sừng trâu mà thổi liên tục “Tụ..tụ..tụ..kéo tụ…tụ”. Nghe tiếng tù và của trùm vạn, công cấy của vạn nào tập trung theo vạn đó.
Rồi trùm vạn điểm danh và phân công công cấy theo thoả thuận với chủ ruộng. Công cấy đến nhà chủ ruộng ăn sáng. Vào mùa cấy lúa ruộng gò (trong tháng sáu), hầu như ngày nào “công vạn” cũng có việc làm.
Còn “công lẻ” thì khi nào kẹt công chủ ruộng mới trực tiếp kêu, hoặc trùm vạn nhờ cấy thế cho công vạn phải nghỉ đột xuất. Tuy là “công lẻ”, nhưng nhờ nhà bên bến đưa rước công cấy qua sông, nên mỗi khi chủ ruộng nào thiếu công là vào nhà kêu tôi ngay.
Vì vậy vào mùa cấy, tôi thường có mặt trên đồng ruộng. Biết tôi thuộc dạng “thư sinh” đi làm mướn, nên các cô chú, anh chị công cấy để tôi “treo bìa” (cấy phía ngoài cùng) và thường được những người cấy giỏi “tiếp lối” (cấy phụ cho rồi lối cùng với mọi người), để sau đó lên đầu ruộng xuống lối tiếp. Cũng có khi thấy tôi cấy chưa bằng ai, nên chủ ruộng kêu tôi đi coi mạ chưn.
Tức là xách mạ thảy vào chân công cấy để công cấy có mạ cấy liên tiếp mà không mất thời gian đi lấy mạ (công việc này thường là con em chủ ruộng, hoặc đứa ở đợ nhà chủ ruộng làm).
Hồi đó cấy lúa, nhổ mạ, hay phải đi coi mạ chưn (như tôi), người làm công không nhận tiền mặt hằng ngày. Ðối với công vạn thì trùm vạn và chủ ruộng ghi công vào sổ, còn công lẻ thì chủ ruộng ghi nhận.
Chờ tới khi thu hoạch lúa, chủ ruộng phơi lúa khô, giê xong mới đong lúa cho người làm công. Mỗi ngày công nhổ mạ, cấy lúa (kể cả coi mạ chưn như tôi) được trả công một táo lúa (một thùng 20 lít lúa khô).
Trùm vạn không trực tiếp nhổ mạ hay cấy lúa, chỉ việc điều công, ghi công cũng được chủ ruộng tính một ngày công. Thường mỗi mẫu ruộng cần đến 30 công cấy trong một ngày.
Gặp những đám ruộng làm đất kỹ, dễ cấy, công cấy cấy nhanh chiều về sớm; gặp những đám ruộng làm dối, khó cấy, công cấy tối mịt mới về. Gặp những đám ruộng dễ cấy, về sớm, nhiều công cấy hứng chí cất tiếng hò: “Người ta đi cấy lấy công, - Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. -Trông trời, trông đất, trông mây. - Trong mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.- Trông cho chân cứng đá mềm- Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”...
Còn tôi, những năm học cấp ba, mỗi mùa cấy, chịu khó “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng kiếm được gần mười giạ lúa. Số lúa này đối với anh chị em tôi là quý lắm, vì nhà tôi nghèo, mà ba tôi ráng cho anh em tôi đi học.
Nhiều năm qua, tháng sáu âm lịch cánh đồng ruộng gò quê tôi không còn ai xuống ruộng cấy lúa nữa. Thời điểm này, toàn cánh đồng sạ lúa Hè Thu đang trổ bông, cũng có đám sạ sớm sắp thu hoạch. Còn tôi, từ khi học xong cấp ba đến giờ chưa có dịp cầm bó mạ, cấy lúa lần nào nữa.
T.L