Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháng thanh niên và nghị lực vươn lên của tuổi trẻ
Thứ tư: 08:50 ngày 20/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có trường hợp sáng làm trong xí nghiệp, tối có mặt ở lớp học, có người cơ thể không thật khoẻ mạnh, ngày đi bán vé số, tối lại đến lớp. Họ không thiếu nghị lực. Họ có hoài bão, ước mơ.

Những nhân vật xuất hiện trong bài viết này có chung một điểm: dù điều kiện khó khăn nhưng họ đã vượt qua, vươn lên đúng tinh thần của tuổi trẻ. Có trường hợp sáng làm trong xí nghiệp, tối có mặt ở lớp học, có người cơ thể không thật khoẻ mạnh, ngày đi bán vé số, tối lại đến lớp. Họ không thiếu nghị lực. Họ có hoài bão, ước mơ.

Cô bé không may mắn

Em Dương Ngọc Tuyền đang học lớp 10 VHVL4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cụm TP. Tây Ninh. Hoàn cảnh gia đình em Tuyền rất khó khăn nhưng em luôn nỗ lực vươn lên.

Ban ngày Dương Ngọc Tuyền bán vé số, ban đêm đến trường.

Nhà Tuyền ở phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, gia đình có 3 người, em là con một. Hằng ngày, Tuyền đi bán vé số để phụ giúp gia đình. Em bán vé số từ 6 giờ sáng tới 10 giờ trưa, mỗi ngày bán 200 tờ vé số, lời được 200 ngàn đồng. Em đi bán vé số bằng xe máy, xe này của người trúng số tặng. Ba mẹ em cũng đi bán vé số.

Hồi nhỏ Tuyền bị sốt, để lại di chứng. Lúc học cấp 2, mẹ đưa em đến trường, sau này em tự đi bằng xe 3 bánh. Con đường đến trường có vất vả, khó khăn nhưng được thầy cô giúp đỡ, em cố gắng vượt qua hết. Em muốn có tương lai tươi sáng hơn, sau khi học xong ở đây, em muốn học đại học, ngành kinh tế. Học kỳ I em học trên lầu nên được bạn bè dìu lên lớp, sau này học dưới đất, em tự đi. Chưa bao giờ em có ý định nghỉ học. Hồi học hết cấp 2, do có việc gia đình nên em phải nghỉ học, sau đó em đi học lại, bạn bè đã hỗ trợ em rất nhiều như giảng bài cho em hiểu, giúp em lên cầu thang…

Cô Phạm Thị Tự - giáo viên chủ nhiệm lớp 10 VHVL4 nhận xét: “Tuyền là cô bé từ nhỏ đã bị khuyết tật. Khi tôi nhận được lớp chủ nhiệm này, em Tuyền học trên lầu, có nhờ một bạn dẫn Tuyền lên lớp. Tuyền là cô bé rất nghị lực. Ban ngày đi bán vé số, lấy tiền để trang trải việc học, phụ giúp ba mẹ trong cuộc sống. Tuyền đi học chăm chỉ, hầu như đầu năm đến giờ, Tuyền chưa vắng học. Mặc dù bán vé số nhưng đúng 6 giờ 30 là em tranh thủ vô học đúng giờ”. 

Dương Ngọc Tuyền đến trường bằng xe ba bánh.

Vừa học vừa làm đẹp cho xe ô tô

Em Nguyễn Trọng Hiếu, nhà ở huyện Châu Thành, năm nay học lớp 12. Ban ngày, Hiếu làm ở Toyota Tây Ninh, công việc chuyên làm đẹp, đánh bóng cho xe. Công việc khá ổn định để trang trải cho cuộc sống, nhiều khi tăng ca nên em đến lớp trễ, cố gắng không vắng học. Hiện tại, Hiếu có một người em học lớp  2 ở Châu Thành, Hiếu làm ở Toyota được 2 năm, do có kinh nghiệm, em còn hướng dẫn các bạn mới vô. Trong tương lai em sẽ đi xuất khẩu lao động ở Úc.

Em Nguyễn Trọng Hiếu (bên trái) trong giờ học.

Sáng trong xí nghiệp, tối lên lớp học

Em Lê Thị Hồng Thắm cũng là một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Hiện Thắm đang làm chuyên viên kế hoạch cho một công ty ở Trảng Bàng (Trảng Bàng cũng là nơi nhà Thắm đang cư trú). Hằng ngày, em làm việc từ 7 giờ 30 đến 17 giờ, sau đó em có 1 tiếng 30 phút để chuẩn bị đến trường học. Những buổi không kẹt xe, Thắm kịp thời gian để ăn, còn kẹt xe thì em ăn vào giờ ra chơi. “Em là một học sinh vừa học vừa làm. Sau khi học ở đây 3 năm, em có được 3 thứ quan trọng, đó là thời gian, kiến thức và sự mạnh mẽ, kiên cường hơn”.

Gia đình Thắm có 3 người, mẹ, anh hai và em. “Đôi lúc em không còn sức, em muốn gục ngã, nhưng nghĩ đến mẹ là em lại có thêm động lực. Em nghĩ, mình còn trẻ thì hãy cố gắng nỗ lực vươn lên”, Thắm chia sẻ. Vừa làm công nhân, vừa học văn hoá, Thắm còn học võ thuật. “Em tham gia võ Karatedo từ năm lớp 2, em phụ huấn luyện viên dạy từ năm lớp 5, tới bây giờ đã hơn 10 năm. Đối với em học võ là đam mê”.

Lê Thị Hồng Thắm, sáng trong xí nghiệp, tối lên lớp học.

Tháng 3 - tháng của thanh niên

Cô Nguyễn Thị Hồng Lê- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX cụm TP. Tây Ninh- nơi cả ba học sinh trong bài này đang theo học cho biết, hầu hết học sinh ở đây rất nghị lực: “Các em có ý chí vươn lên, có những hoàn cảnh hoàn toàn bế tắc, nhưng các em lựa chọn cho mình con đường đi đúng đắn: con đường tiếp tục học tập. So với học sinh phổ thông, tôi cảm thấy môi trường vừa làm vừa học giúp các em vừa học, vừa thực hành, trải nghiệm bản thân để sau này các em có việc làm tốt.

Ngoài trường hợp em Tuyền, Hiếu, Thắm, học tập tại trường còn có những trường hợp đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn biết vươn lên. Các em có hoàn cảnh phải đi làm và đi học xa hàng chục cây số. Có em ở nhà trọ. Có nhiều em vừa học trung cấp nghề, vừa học văn hoá, nhưng ban ngày phải đi làm”.

Cô Lê cho biết thêm, trung tâm có rất nhiều trường hợp khó khăn, như trường hợp của một em học sinh lớp 11, vì hoàn cảnh gia đình nên mẹ em đi xuất khẩu lao động, còn ba ở xa, em hằng ngày phải chở em của mình (học lớp 3) đi học rồi em mới đến trường.

“Có những lúc tôi thấy em đi bằng xe đạp, áo ướt đẫm mồ hôi, hỏi ra thì mới biết em phải đưa em của mình đi học. Em đến trường, có lúc chậm trễ nhưng không bỏ học. Tôi thấy học trò của mình vượt khó như vậy nên nhà trường cũng tạo mọi điều kiện giúp các em vượt qua để các em học tốt. Hiện Trung tâm có nhiều hoạt động của Đoàn Thanh niên dành các suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Khuyến học Thành phố hằng năm đều giúp đỡ những danh sách mà trung tâm giới thiệu có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn Thanh niên cũng tặng những món quà, hỗ trợ cho các em. “Tháng 3 - tháng của thanh niên, tôi tin rằng bằng nghị lực của mình, các em học sinh sẽ đạt được mục tiêu trên con đường lập thân lập nghiệp” - cô giáo Lê nói.

Việt Đông - Hoàng Yến

data:
Liên kết hữu ích
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục