BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thăng trầm chiếu bóng Tây Ninh

Cập nhật ngày: 09/05/2014 - 05:44

“Dấu tích còn lại” trên hàng rào Trung tâm Văn hoá tỉnh

Trong ký ức của những người Tây Ninh tuổi trung niên trở lên, chắc đều còn lưu lại hình ảnh của rạp chiếu bóng Nhân Dân, toạ lạc gần chợ Tây Ninh cũ (đường Yết Kiêu, phường 2, TP. Tây Ninh hiện nay). Rạp chiếu bóng Nhân Dân vốn được xây dựng từ trước năm 1975, với tên gọi cũ là Thanh Sơn, có khoảng 300 ghế ngồi.

Những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống người dân còn nhiều thiếu thốn nhưng rạp chiếu bóng Nhân Dân thường xuyên sáng đèn và luôn chật ních khán giả. Thời đó, muốn được vào xem chiếu phim, người ta phải xếp hàng mua vé. Sau năm 2000, rạp chiếu bóng Nhân Dân đã bị đập bỏ.

Thời hoàng kim tàn lụi

Cũng từ thời điểm sau năm 1975, trong khu nội ô Toà thánh Cao Đài có trụ sở của Công ty Chiếu bóng và phát hành phim Tây Ninh cùng hai rạp chiếu phim A và B. Ở các huyện Gò Dầu, Tân Biên, Trảng Bàng đều có rạp chiếu phim. Những nơi này cũng từng khiến khán giả phải xếp hàng dài chờ đợi mua vé vào xem phim.

Nhưng thời hoàng kim dần lụi tắt, lần lượt các rạp chiếu bóng cùng chịu chung số phận phải… giải tán. Thời điểm trên, ngoài những rạp cố định, Công ty Chiếu bóng và phát hành phim Tây Ninh còn có đến 8 đội chiếu bóng lưu động thuộc các phòng Văn hoá Thông tin huyện.

Các đội này luôn trong tư thế “sẵn sàng ra trận”, thường xuyên có mặt trên đại công trình lòng hồ Dầu Tiếng để phục vụ hàng ngàn thanh niên đang lao động nơi đây. Thành tích của các đội được Bộ Thuỷ lợi tặng bằng khen. Năm 1979 sau khi nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng, Tây Ninh còn cử cán bộ sang tỉnh bạn Kampong Cham hỗ trợ xây dựng các đội chiếu bóng.

Năm 1996, thị trấn Hoà Thành (huyện Hoà Thành) được xây dựng một rạp chiếu bóng đúng tiêu chuẩn. Kinh phí xây dựng lấy từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá “Củng cố và phát triển điện ảnh” do Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tài trợ.

Đây được xem là tín hiệu vui của điện ảnh Tây Ninh lúc bấy giờ. Tuy nhiên, rạp chiếu bóng này hoạt động một cách… èo uột, chỉ cầm cự được ba năm rồi đóng cửa. Sau nhiều năm mặc cho bụi bám, nhện giăng, năm 2009 cơ ngơi rạp chiếu bóng Hoà Thành được bàn giao cho Đoàn Nghệ thuật cải lương Tây Ninh. Hiện nay, công trình xây dựng chuyên dùng để chiếu phim đã trở thành nơi ăn, ở, tập luyện của các nghệ sĩ cải lương.

Năm 2006, ở Tây Ninh còn duy nhất một điểm được xây dựng để phục vụ chiếu phim. Đó là Phòng chiếu phim của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Gò Dầu. Bên trong Phòng chiếu phim chia thành hai phòng nhỏ, mỗi phòng 120 ghế. Tuy được đầu tư khá công phu nhưng Phòng chiếu phim này rốt cuộc cũng bị… “chết yểu”.

Ông Lê Văn Hiệp- Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Gò Dầu cho biết: “Hai năm đầu, Phòng chiếu phim hoạt động đều đặn. Hai năm kế tiếp, chỉ chiếu phim vào những ngày lễ, tết. Từ đó nay thì… đóng cửa. Tôi định xin UBND huyện cho chuyển đổi công năng của nó, chứ để như vầy thì… uổng phí quá”.

Trước Tết Giáp Ngọ 2014, ở Tây Ninh, ai muốn được xem phim điện ảnh chỉ có cách duy nhất là đến Trung tâm Văn hoá tỉnh. Nơi đây đã từng chiếu một số bộ phim điện ảnh có tiếng, được quảng cáo rầm rộ như: Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Lọ lem Sài Gòn… Nhưng dịp Tết vừa qua, Trung tâm Văn hoá tỉnh chỉ chiếu duy nhất bộ phim “Lọ lem Sài Gòn” rồi ngưng hoạt động đến nay.

Hiện tại, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Tây Ninh (Trung tâm PHP&CB) có 3 đội chiếu bóng lưu động- giảm 5 đội so với hơn 30 năm trước. Các đội chủ yếu đi chiếu phim phục vụ chiến sĩ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Tối ngày 15.4.2014, tôi đã có dịp theo chân Đội chiếu bóng lưu động số 2 đi phục vụ người dân ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Nhân dịp tết cổ truyền dân tộc Khmer Chol Chnam Thmay, ngoài việc phổ biến các tài liệu tuyên truyền pháp luật, các thành viên trong Đội đã chiếu phục vụ bộ phim tài liệu “Lễ hội Oc-om-boc”- nói về lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer và bộ phim hài Việt Nam “Nhà có 5 nàng tiên”. Lượng khán giả đến xem phim không đông lắm do địa bàn dân cư không tập trung, nhưng những người có mặt tại buổi chiếu gồm nhiều lứa tuổi đều tỏ ra rất thích thú.

Vì đâu nên nỗi?

Vì sao chiếu bóng- một hoạt động văn hoá từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của số đông người dân Tây Ninh, nay lại bị tuột dốc thê thảm? Theo bà Đặng Thị Bình- Giám đốc Trung tâm PHP&CB Tây Ninh thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Về tình hình chung, năm 1986 cả đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế xã hội dần phát triển, người dân có điều kiện mua sắm các phương tiện nghe nhìn như ti vi, đầu đĩa video... Trên thị trường, băng, đĩa phim truyện của các nhà sản xuất trong và ngoài nước được mua bán tràn lan. Dịch vụ cho thuê băng đĩa phát triển mạnh, người dân dễ dàng thoả mãn nhu cầu xem phim tại nhà mà không tốn mấy chi phí, chính vì thế nhiều người trở nên thờ ơ, dẫn đến quay lưng với phim chiếu rạp.

Phòng chiếu phim của Trung tâm VHTT huyện Gò Dầu đóng cửa 4 năm nay

Về tình hình riêng của tỉnh- cũng theo lời bà Bình: năm 2007, Tây Ninh được Bộ Văn hoá - Thông tin trang bị cho một máy chiếu phim nhựa 35mm. Do tỉnh không có rạp chiếu phim, nên chiếc máy chiếu được đặt trong nhà hát của Trung tâm Văn hoá tỉnh. Vì nhà hát được thiết kế theo tiêu chuẩn sân khấu, không phải để chiếu phim, nên việc đưa phim điện ảnh vào chiếu trong không gian không phù hợp như thế gây tình trạng âm thanh bị loãng, rất khó nghe.

Năm 2014, Trung tâm PHP&CB Tây Ninh gặp phải khó khăn mới. Đó là do tình hình chung khi các nhà làm phim không còn sản xuất loại phim nhựa nữa. Vì vậy, chiếc máy chiếu phim của Bộ Văn hoá - Thông tin tặng cũng chính thức… trùm mền. Đó cũng là lý do vì sao dịp Tết vừa qua, Trung tâm Văn hoá tỉnh chỉ chiếu độc một bộ phim “Lọ lem Sài Gòn” rồi nghỉ.

Hy vọng nhen nhóm

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm PHP&CB Tây Ninh, những năm gần đây, ngành điện ảnh Việt Nam được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp lãnh đạo. Cụ thể, năm 2008 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Trong đó, có nhấn mạnh: “Có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật; nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước”.

Năm 2010, chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 54/2010-NĐCP ngày 21.5.2010, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12.

Trong đó, Điều 7 về Chính sách dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim trong quy hoạch khu đô thị nêu rõ: “Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu đô thị, khu dân cư phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim ở vị trí trung tâm và tỷ lệ xây dựng rạp phù hợp với quy mô phát triển dân số. Cơ sở điện ảnh xây dựng rạp chiếu phim được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này”.

Trên tinh thần chỉ đạo đó, năm 2011, UBND tỉnh Tây Ninh đã ra Quyết định số 2639/QĐ-UBND ngày 22.12.2011, ban hành kế hoạch phát triển văn hoá giai đoạn 2012-2015 định hướng đến năm 2020. Nội dung có nêu: “Đến năm 2015, cấp tỉnh: nâng cấp và đầu tư trang thiết bị cho các đơn vị: Bảo tàng, Trung tâm Văn hoá tỉnh, Đoàn Nghệ thuật cải lương tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng. Xây mới Trung tâm Chiếu phim tỉnh”.

Tiếp theo, năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định 2156/2013-QĐTTg ngày 11.11.2013, phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020: Điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần phát triển nền văn hoá và nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đến năm 2030: phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu Á, có những tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới”.

Mới đây, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 25.1.2014, phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có ghi: “Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khoảng từ 1 đến 2 cụm rạp chiếu phim với trang bị kỹ thuật phù hợp, đạt tiêu chuẩn. Các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương kết hợp với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (đối với các địa phương nhận trợ cấp cân đối từ Trung ương) để đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới các rạp chiếu phim, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị sự nghiệp điện ảnh, các Đội chiếu phim lưu động”.

Như vậy, có thể thấy, lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương tỉnh nhà đều rất quan tâm đến việc phát triển các hoạt động ở lĩnh vực điện ảnh. Đây là những tín hiệu vui cho điện ảnh cả nước nói chung, Tây Ninh nói riêng. Nhưng tiếc là ở Tây Ninh, cho đến thời điểm hiện nay, công tác quy hoạch, xây mới Trung tâm Chiếu phim tỉnh vẫn còn nằm trên bàn giấy!

Đại Dương