Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tháng Tư- trở về miền căn cứ địa
Chủ nhật: 15:48 ngày 30/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Qua đảo Nhím là gần đến những Tà Dơ, Đồng Kèn, Suối Bà Chiêm, Sóc Con Trăn cũng đã vang danh thời chống càn Junction City ác liệt đầu năm 1967. Rồi theo đường 794 về Kà Tum, hoặc đường mới qua cầu Tha La mà về tới Đồng Pan. Nơi này vừa có một tượng đài kỷ niệm trận chống càn Junction City- trận càn lớn nhất của quân đội Mỹ và chư hầu trong toàn bộ cuộc chiến tranh thời quân dân ta chống Mỹ.

Có người hỏi: liệu đã có tour du lịch này chưa? Kiểu như du lịch vùng phi quân sự (DMZ) ngoài Quảng Trị. Xin thưa: chưa có trên thực tế nhưng đã có trong lòng nhiều cựu chiến binh từng sống và chiến đấu trên miền đất Tây Ninh- quê hương các căn cứ địa. Cũng nên chép lại một đoạn thơ của nhà văn Hưởng Triều, tức Trần Bạch Đằng, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Cục thời chống Mỹ trong bài thơ Về Tây Ninh: “Chỗ nào cũng viện bảo tàng/ An Tịnh, Lộc Chánh, Trảng Bàng/ Gò Dầu, Dương Minh Châu/ Tà Păng, Hảo Đước?/ Lịch sử đọng trên mỗi bước…/ Tà Nốt, Cà Tum?/ Trảng Ba Chân hay Cánh Đồng Rùm/ Lý lịch viết hoa- từng mô đất…”.

Tượng đài Chiến thắng Junction City (huyện Tân Châu).

Vậy là theo các địa danh nhà thơ kể trên kia cũng đã hình thành một tour lịch sử rồi đây, thưa các bạn. An Tịnh, Lộc Chánh (xã Lộc Hưng) thuộc về vùng “tam giác sắt” mà trọng điểm là chiến khu Bời Lời trên vùng rừng Sóc Lào, Đôn Thuận thuộc Trảng Bàng. Trảng Ba Chân, Cánh Đồng Rùm thuộc về căn cứ địa Bắc Tây Ninh, nổi danh kiên cường suốt hai thời kháng chiến. Xa hơn nữa, qua Kà Tum theo đường vành đai biên giới là sẽ tới những chiến khu của Bộ Chỉ huy cách mạng miền Nam: Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời…

Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu (1951- 2015) có đoạn phân tích về các yếu tố địa quân sự của huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập tháng 5.1951: “Phía Bắc nối liền với đại ngàn Đông Bắc Campuchia… Phía Nam liên thông với chiến khu Bời Lời, nối liền với Bến Đình, Bến Dược Củ Chi…”, Bắc Tây Ninh là thế. Bởi vậy trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc kháng chiến, nơi đây đều là tâm điểm những cuộc đối đầu khốc liệt nhất. Và hôm nay, ta vẫn có thể ngược dòng lịch sử lần theo những chiến công từng rộn vang những tên đất, tên làng.

Điểm khởi đầu có thể bắt đầu từ ấp Bùng Binh, Hưng Thuận, nơi cách đền Bến Dược Củ Chi không đến 10km. Từ đây có thể theo đường 787 mà vào những Trảng Cỏ, Cầu Ván, Cầu Xe… rồi xuyên qua Lộc Hưng vào thăm phố Trảng Bàng. Nếu chưa vội nếm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, thì theo đường 789 về Bến Củi, qua Lộc Ninh, Suối Ông Hùng để tới đường 784 qua những Truông Mít, Cầu Khởi, Chà Là, Suối Đá.

Thế là ta đã bắt vào mạch đất liên thông mà các nhà chính trị hoặc cầm quân đã bàn khi lập huyện căn cứ địa Dương Minh Châu. Nhưng nếu muốn thuận tiện hơn, ít phải hỏi đường thì cứ dọc bờ kênh Đông mà đi tới. Chỉ vượt khoảng 36km, từ Hưng Thuận là ta đã đứng giữa bao la của đầu mối kênh Đông để ngắm lòng Hồ.

Xin nhắc thêm vài chi tiết về Bời Lời, chiến khu có từ thời chống Pháp của Chi đội 11, sau thành Trung đoàn 311. Nơi đây, ngay từ những năm 1959-1960, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã tổ chức lực lượng quần chúng cách mạng lập chiến khu bí mật. Và không chỉ là căn cứ Tỉnh uỷ, Bời Lời còn là căn cứ của Khu uỷ và Quân khu Sài Gòn- Gia Định, của Trung đoàn 268 chủ lực, của các đơn vị biệt động và an ninh T4- Sài Gòn. Các nhà nghiên cứu quân sự ước tính, trung tâm căn cứ rộng khoảng 150km2. Và nay nó đã được quy hoạch khoanh vùng 164 ha làm di tích.

Đi ngược kênh Đông ta sẽ đi sát sườn Khu di tích Bời Lời vinh quang thuở trước. Rồi xuyên qua các thôn làng xanh mướt, vẫn còn đó đây những hố bom sâu, ta sẽ về Dương Minh Châu, ngắm sóng Lòng Hồ. Trên đường về Bến Đá, nên dừng lại ở khu Rừng Dầu lịch sử, được chọn làm di tích huyện căn cứ địa. Tới bến, bắt một chuyến ghe đò để sang đảo Nhím.

Bên ấy vẫn còn nhiều những hố bom B52 nay nở đầy hoa súng trắng và những lối mòn nguyên thuỷ, khấp khểnh, lầy thụt ngoắt ngoéo giữa rừng xưa. Qua đảo Nhím là gần đến những Tà Dơ, Đồng Kèn, Suối Bà Chiêm, Sóc Con Trăn cũng đã vang danh thời chống càn Junction City ác liệt đầu năm 1967.

Rồi theo đường 794 về Kà Tum, hoặc đường mới qua cầu Tha La mà về tới Đồng Pan. Nơi này vừa có một tượng đài kỷ niệm trận chống càn Junction City- trận càn lớn nhất của quân đội Mỹ và chư hầu trong toàn bộ cuộc chiến tranh thời quân dân ta chống Mỹ. Chỉ tiếc ở đây là cây chưa kịp lớn nên giữa tháng tư chang nắng chỉ thấy khối tượng đài trắng ngời, chói gắt.

Từ Đồng Pan, có thể ngược Kà Tum theo đường vành đai biên giới hoặc theo đường 795 qua Tân Biên để tới Chàng Riệc, Lò Gò- Xa Mát; nơi những căn cứ Bộ chỉ huy cách mạng vừa trở thành di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2012. Ta có thể khoả tay vào dòng nước suối Chor ào ạt, hoặc khoả chân trên dòng sông biên giới thượng nguồn Vàm Cỏ Đông xuyên dọc Lò Gò.

Từ đây, cứ theo đường lớn quốc lộ 22B mà về thành phố Tây Ninh. Qua Tân Biên, nơi cần đến viếng nữa là nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 trên một đỉnh đồi thiêng lộng gió. Cách Thành phố 7km là di tích chiến thắng Tua Hai mà nhà văn Trần Bạch Đằng gọi là một trận đánh khai sinh cho tất cả các chiến thắng về sau: nào chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh. Rồi nào tổng tiến công mùa xuân 1968 anh hùng, đến mùa hè đỏ lửa 1972 buộc địch phải ký vào Hiệp định Paris cho đến mùa xuân 1975 toàn thắng.

Văn nghệ sĩ cả nước về di tích Căn cứ Trung ương Cục (nhà thơ Hữu Thỉnh đứng giữa).

Tạm phác thảo một tour chiến trường xưa như thế.

Nhưng vẫn còn một hoặc nhiều tour khác. Như tour đi thẳng đường Xuyên Á từ thành phố Hồ Chí Minh lên, qua Gò Dầu bắt vào quốc lộ 22B thẳng tới Tân Biên. Nếu đi lối này, sẽ thích thú hơn khi ta rẽ về ngả đường từ ngã ba Vịnh lên Lò Gò, để qua Đồi Thơ mà vào căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục những năm chống Mỹ. Rừng già còn nguyên thuỷ với những căm xe, gõ đỏ, cám, cầy…

Dưới bóng cây, đây đó là những nhà bia. Nơi thì Nhà in Trần Phú, chỗ là Đài Phát thanh giải phóng… Lại có cả bia ghi dấu căn cứ của tổ hoạ sĩ giải phóng năm xưa, gồm những tên tuổi lớn như Huỳnh Phương Đông, Thanh Châu, Lê Lam, Quách Phong… Những bức ký hoạ còn ám màu khói súng chiến trường của họ đã từng là tiếng nói thuyết phục nhất trên thế giới về một miền Nam đang chiến đấu.

Từ đây, nơi mà nay đã trở thành vùng ruột của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, ta có thể “lật cánh” sang phía Tây để về với các di tích căn cứ của Bộ Chỉ huy cách mạng miền Nam bên rừng Chàng Riệc.

Tại di tích Căn cứ Trung ương Cục vào tháng 4.2015 đã diễn ra lễ khánh thành bức tranh tường bằng gốm sứ rộng 8, dài 40m mô tả cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 21 năm.

Nhưng vẫn còn đó những dấu vết nguyên sơ của rừng nguyên sinh làm nên căn cứ địa. Những lá trung quân mỏng mảnh cho đến những thân cây bằng lăng sáng ngời như bạc dưới le lói nắng của rừng thưa. Ở lại đây vào một đêm trăng ư? Thì có thể mắc võng dưới tán rừng. Để ngâm nga những câu thơ Trần Ninh Hồ viết dưới tán rừng Tây Ninh năm 1974. Rằng:

“Nửa đêm thức/ có khi trăng/ Lóng la lóng lánh trăng bằng thuỷ ngân/ Thân bằng lăng thoắt trắng ngần/ Nước da lính cũng sáng dần lạ chưa…”.

Và cứ thế, những kỷ niệm xưa lặng lẽ tìm về, nhập nhoà với bóng những vầng trăng kháng chiến.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục