Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tháng Tư về thăm cánh Tây Trảng Bàng
Thứ bảy: 09:53 ngày 13/04/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không chỉ “dễ chịu” do có cơn mưa mà đa số bà con ở đây hiện nay còn “dễ thở” hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước đây…

HTML clipboard

Không chỉ “dễ chịu” do có cơn mưa mà đa số bà con ở đây hiện nay còn “dễ thở” hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước đây…

Có được con đường mới mở từ trong giồng ra đến tận bờ sông Vàm Cỏ Đông, nông dân ấp Phước Giang, xã Phước Lưu không còn lo thương lái ép giá vì lý do đường vận chuyển khó khăn nữa

(BTN) - Cơn mưa nhỏ trong một ngày đầu tháng Tư, tuy mới vừa đủ làm ướt áo người đi đường nhưng cũng đã làm dịu đi phần nào cái nắng gay gắt của vùng biên giới cánh Tây Trảng Bàng qua thời gian dài khô hạn. Không chỉ “dễ chịu” do có cơn mưa mà đa số bà con ở đây hiện nay còn “dễ thở” hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước đây. Bởi tuy giá lúa có sụt giảm hơn năm rồi một ít, nhưng năng suất lại tăng cao. Đặc biệt là hai loại cây trồng khác là thuốc lá vàng và mè lại trúng mùa, được giá.

Anh Trần Văn Khanh, nhà ở ấp Phước Tân, xã Phước Lưu vui vẻ cho biết, vụ đông xuân này cũng như những vụ trước đây, gia đình anh thuê 1,4 ha đất để trồng thuốc lá vàng. Vụ trước do thời tiết bất lợi, cây thuốc lá bị bệnh và chết cây rất nhiều, phẩm chất thuốc cũng thấp, anh bị lỗ nặng và gia đình anh chịu nợ chủ doanh nghiệp đầu tư đến mấy chục triệu đồng. Còn vụ này thời tiết thuận lợi hơn. Cây thuốc lá vàng trồng xuống lên đều và phát triển tốt tươi. Đến nay anh đã thu hoạch được 3 đợt, với 7.000 ghim. Phẩm chất thuốc lá sau sấy đạt loại một rất cao. Mặc dù chưa thu hoạch xong, nhưng anh tin chắc rằng vụ này chẳng những anh sẽ trả được nợ năm rồi mà còn được dư một số tiền. Không riêng gì anh Khanh mà nhiều nông dân trồng thuốc lá ở Phước Lưu rất phấn khởi vì thuốc lá được mùa.

Ông Lê Văn Em, Chủ tịch UBND xã Phước Lưu cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn xã xuống giống được 1.057 ha cây trồng. Trong đó diện tích lúa chiếm đến 834 ha, thuốc lá vàng 189 ha, số ít còn lại là hoa màu. Nhìn chung nông dân trong xã, từ người làm lúa đến người trồng thuốc lá vàng đều phấn khởi. Trong đó vui nhất là bà con ở ấp Phước Giang. Đây là vụ lúa đầu tiên trong nhiều năm qua người nông dân ở đây không phải lo cảnh bị thương lái ép giá vì lý do đường vận chuyển khó khăn, vì Nhà nước đã đầu tư mở một con đường bộ, đảm bảo xe vận tải lưu thông từ trong giồng ra đến tận bờ sông Vàm Cỏ Đông. Thương lái đến với cánh đồng Phước Giang thuận tiện, nên không lấy cớ để ép giá nữa.

Phấn khởi hơn là những người trồng thuốc lá vàng, vụ này vừa được mùa, lại được giá. Điều đáng mừng là trong năm 2013 này, cấp trên đã có chủ trương nạo vét kênh Bàu Cần Thăng. Kênh này dài 1.200m đã bị bồi lắng không đưa đủ nước tưới cho cánh đồng khoảng 100 ha ở ấp Phước Tân, làm cho nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Kênh nạo vét xong nông dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong sản xuất. Ngoài ra, cấp trên cũng đã có chủ trương làm một chiếc cầu Rạch Lò 2, để giúp cho nông dân lưu thông thuận tiện. Hiện nay trên các cánh đồng đã thu hoạch lúa đông xuân xong, nông dân đang xuống giống lúa hè thu.

Nông dân xã Phước Lưu làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

Cũng như bà con xã Phước Lưu, nông dân xã Bình Thạnh cũng rất phấn khởi với vụ thuốc lá này. Thuốc lá được mùa, được giá không chỉ người trồng mà các doanh nghiệp thu mua cũng phấn khởi. Anh Trương Minh Tùng, chủ doanh nghiệp Minh Tùng (ở xã Bình Thạnh, Trảng Bàng) chuyên trồng, sấy và thu mua bán thuốc lá vàng cho biết, vụ đông xuân này doanh nghiệp của anh hợp đồng với nông dân trồng 100 ha thuốc lá vàng. Đến nay hầu hết diện tích thuốc lá đã thu hoạch gần đến giai đoạn cuối. Phẩm chất thuốc lá sau khi sấy đạt rất cao. Số thuốc lá đạt loại 1 chiếm từ 70 đến 80%. Giá thuốc lá sấy khô năm nay các doanh nghiệp ở Bình Thạnh mua cao hơn giá thị trường năm rồi 2.000 đồng/kg. Cụ thể, hiện nay giá thuốc lá sấy khô loại 1, các doanh nghiệp mua của nông dân 37.000 đồng/kg; loại 2 là 36.000 đồng/kg; loại 3 là 31.000 đồng/kg; loại 4 là 27.000 đồng/kg và loại thấp nhất là 12.000 đồng/kg. Với năng suất, phẩm chất và giá thuốc lá sấy khô như hiện nay, người trồng có lãi bình quân từ 40 triệu đến 50 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ các chi phí.

Được biết trồng thuốc lá vàng phải tốn nhiều công lao động nên đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, kể cả người cao tuổi và trẻ em. Những công việc như hái lá thuốc, ghim thuốc và lựa thuốc sau khi sấy, trẻ em và người cao tuổi cũng làm được. Như cụ bà Mang Thị Hạnh, ở ấp Bình Hoà, xã Bình Thạnh (Trảng Bàng) đã ngoài 70 tuổi, hằng ngày vẫn đi hái thuốc thuê. Hoặc em Trương Thị Minh Tâm, 11 tuổi, nhà ở xã Phước Lưu hằng ngày đi ghim thuốc lá mướn. Với giá thuê mướn công lao động thu hoạch thuốc lá vàng trên ruộng hiện nay là 18.000 đồng/giờ; vác lá thuốc từ ruộng đến địa điểm ghim thuốc là 25.000 đồng/giờ… thì mỗi ngày mỗi người lao động cũng có thu nhập từ 70, 80 đến cả 100.000 đồng.

Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trần Văn Minh cho biết, với quyết tâm không cho đất ở không, vụ đông xuân này nông dân Bình Thạnh xuống giống hơn 1.640 ha, trong đó diện tích lúa là hơn 1.242 ha, cây thuốc lá vàng 359 ha (vượt kế hoạch 19 ha), số còn lại là dưa hấu và các loại hoa màu khác. Nhìn chung, nông dân làm lúa và trồng thuốc lá vàng vụ đông xuân này phấn khởi hơn những vụ đông xuân trước. Riêng cây lúa, giá tuy có giảm khoảng 500 đồng/kg so với trước, nhưng bù lại năng suất lúa đạt cao hơn nhiều- vụ đông xuân 2012 - 2013 đạt trên 6 tấn lúa khô/ha nên thu nhập cũng khá hơn. Tuy nhiên theo ông Trần Văn Minh, hiện tại điều kiện sản xuất của xã Bình Thạnh còn một số khó khăn, như nguồn điện chưa kéo ra được khắp các cánh đồng. Vào mùa nắng nhiều nông dân vẫn còn phải dùng máy bơm chạy dầu để tưới làm đội phí sản xuất, giảm lợi nhuận. Đồng thời hệ thống giao thông nội đồng nhiều nơi vẫn còn thiếu.

Không có nhiều đất giồng để trồng thuốc lá vàng trong vụ đông xuân như nông dân hai xã Phước Lưu và Bình Thạnh, cho nên các cánh đồng ở xã Phước Chỉ chủ yếu sản xuất lúa. Nhưng vào đầu vụ đông xuân 2012 - 2013, do phải sửa chữa, nâng cấp tuyến kênh thuộc trạm bơm Phước Chỉ, nên một số cánh đồng không có nước sản xuất. Không thể bỏ đất không, nhiều hộ dân ở xã Phước Chỉ đã chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây mè. Bất ngờ lớn, vụ đông xuân này cây mè vừa trúng mùa lại bán rất được giá.

Anh Lê Văn Bình, ở ấp Phước Dân cho biết, nhà anh có gần 1 ha ruộng. Vụ đông xuân này, do thiếu nước sản xuất lúa nên gia đình chuyển qua trồng cây mè. Thu hoạch mè xong, trừ tất cả chi phí gia đình anh còn lời trên 30 triệu đồng. Được biết, do nâng cấp kênh thuỷ lợi trạm bơm Phước Chỉ, nên vụ đông xuân này có khoảng 150 ha ruộng thuộc địa bàn hai ấp Phước Thuận và Phước Dân thiếu nước sản xuất lúa. Từ đó, nông dân đã chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây mè. Năm nay thời tiết thuận lợi cho cây mè phát triển nên những người trồng mè ở xã Phước Chỉ rất phấn khởi.

D.H

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục