BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành công với nghề may 

Cập nhật ngày: 21/09/2019 - 15:36

BTN - Công việc phát triển khá, nhà cửa cất to đẹp nên tư gia chị Thu đã được Hội Phụ nữ xã Cẩm Giang chọn là địa điểm mở lớp dạy nghề may cho phụ nữ nông thôn, tạo công việc ổn định cho rất nhiều phụ nữ địa phương.

Chị Thu và mẫu áo mới.

Vừa ướm mẫu áo mới cho khách xem, chị Võ Kim Thu (Chi hội Phụ nữ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) vừa giới thiệu: “Đây là mẫu gấu trúc dành cho phom cao gầy nha chị. Màu lụa đậu ngọt ngào mà giá hợp lý với phụ nữ nông thôn. Cái áo vầy tôi bán có 80 ngàn thôi. Đó là nhờ mình đi Sài Gòn mua vải, giá rẻ thì mình bán rẻ cho bà con dễ xài”.

Chị Kim Thu sinh năm 1977, gắn bó với hoạt động của Hội Phụ nữ xã đã gần 10 năm, tham gia nhiều mô hình như tổ phụ nữ kết mành trúc, tổ phụ nữ trồng nấm rơm... Rồi chị nhận công việc tổ trưởng tổ vay vốn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Công việc xã hội chiếm thời gian nhiều, nếu kinh tế gia đình không ổn định thì chị sẽ không “mạnh tay” tham gia công tác Hội được. Do đó, chị đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn quỹ của Hội Phụ nữ xã để đầu tư máy móc, thiết bị ngành may mặc, chủ động tất cả các khâu may như vắt sổ, se lai, ráp lưng... mà không còn may công đoạn như trước kia nữa.

Công việc phát triển khá, nhà cửa cất to đẹp nên tư gia chị Thu đã được Hội Phụ nữ xã Cẩm Giang chọn là địa điểm mở lớp dạy nghề may cho phụ nữ nông thôn, tạo công việc ổn định cho rất nhiều phụ nữ địa phương.

Chị Thu cho biết: “Nhờ ông xã tôi ủng hộ đó. Anh ấy không đi làm bên ngoài nữa mà về phụ vợ đi nhận vải đã cắt sẵn từ các cơ sở may lớn, rồi giao hàng đã may xong, khi về nhà thì ngồi vào máy may rành không thua bất cứ chị em nào hết. Bản thân tôi học thêm cách may áo đầm, áo kiểu, tự tìm nguồn vải rẻ mà đẹp để sản phẩm dễ dàng đến tay người mua”.

Nghề may là công việc tuy nhẹ nhàng nhưng phải có chiếc lưng “chì” lắm mới ngồi được từ 7 giờ sáng tới 12 giờ đêm. Nhất là mùa tết phải may rất “siết”. Chị Thu vui vẻ nói: “May hàng gấp đến không nấu cơm kịp, vợ chồng ăn mì gói là chuyện thường xuyên. Nhưng nhờ nghề này, tôi có được nhiều thứ, từ nhà cửa tới công việc, giúp được nhiều chị em trong xóm ấp”.

Hiện giờ tại nhà chị Thu luôn có 4 thợ chính, gồm hai vợ chồng chị cùng 2 cô thợ may suốt từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Riêng công việc cắt chỉ, xếp đồ nếu vào lúc cao điểm thì phải thuê thêm người giúp.

Đặc biệt, chị Thu con nhận dạy miễn phí cho những người học nghề may gia công đến khi họ thành thạo và tự nhận hàng về nhà may hay đi may ở cơ sở. Chị bảo rằng cách làm đó là để mình “trả ơn nghề” đã cho chị cuộc sống ổn định như hôm nay.

THUỲ TRANG