BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thạnh Đông - Tân Châu: Sẽ có tổ hợp tác nghề mộc gia dụng

Cập nhật ngày: 11/12/2011 - 11:33

Xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu là 1 trong 25 xã trong tỉnh được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Vừa qua xã lại được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh chọn là 1 trong 2 xã để tỉnh đầu tư xây dựng mô hình điểm.

Trong Bộ tiêu chí quy định chuẩn về xây dựng NTM của Chính phủ ban hành có tiêu chí quy định về mô hình tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (TC 13). Qua khảo sát, xã Thạnh Đông chưa có mô hình tổ chức phát triển kinh tế mang tính tập thể nào được UBND xã công nhận. Trong thực tế tại địa phương có rất nhiều mô hình hoạt động kinh tế của người dân tự phát, như kinh tế trang trại, chế biến nông lâm sản, tín dụng, dịch vụ… rất cần được tổ chức thành một đơn vị tổ hợp tác hoặc HTX để phát huy thế mạnh trong sản xuất kinh doanh. Đơn cử một nghề đang thu hút nhiều người tham gia, thu nhập khá cao cho cả người tổ chức và người tham gia lao động là nghề chế tác gỗ làm đồ gia dụng cao cấp.

Cán bộ xã Thạnh Đông tham quan cơ sở sản xuất đồ gỗ

Cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng của ông Nguyễn Văn Nhạ tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông hoạt động từ năm 1994. Từ sản xuất những mặt hàng gia dụng đơn giản, phục vụ nhu cầu tại chỗ, hiện nay cơ sở này đã phát triển khá quy mô, chuyên sản xuất hàng gia dụng cao cấp. Từ chỗ trực tiếp làm thợ, nay ông Nhạ đã trở thành chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ có số lao động trực tiếp, thường xuyên là 20 người, trong đó có những “nghệ nhân” có tay nghề khá cao. Sản phẩm làm ra là salon, bàn ghế, tủ, giường… được chế tác khá tinh vi bằng gỗ tốt, mỗi sản phẩm có giá bán ra từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng. Công nhân (thợ) được tuyển chọn là những người có tay nghề ở trong và ngoài địa phương, được nuôi ăn 3 bữa và trả lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Ông Nhạ cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là việc mua gỗ nguyên liệu rất hiếm, thủ tục lại hết sức phiền phức. Để có giá thành rẻ, cơ sở phải tìm mua gỗ là cây sống của người dân. Phức tạp nhất là khi đã có đủ giấy tờ xuất bán mang sản phẩm về cơ sở chế biến, kiểm lâm nơi chế biến gỗ yêu cầu phải có giấy xác nhận của kiểm lâm nơi có sản phẩm (cây gỗ) bán ra mới hợp pháp; việc mua gỗ thanh lý của các cơ quan, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn trong khâu thủ tục hành chính. Là cơ sở tư nhân, chưa đăng ký thành lập doanh nghiệp, nên sản phẩm làm ra chưa thể bán cho các đơn vị Nhà nước và người ở địa phương xa. Cơ sở của ông Nguyễn Văn Nhạ cũng đã lập hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, nhưng chưa được duyệt.

Tại địa bàn xã Thạnh Đông hiện có 5 cơ sở chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc gia dụng, quy mô và hình thức tương tự như trường hợp của cơ sở chế tác đồ gỗ gia dụng của ông Nhạ. Khi được chính quyền địa phương thông báo sẽ tập hợp các cơ sở sản xuất, chế tác đồ gỗ gia dụng trong xã thành tổ hợp tác, mọi người từ chủ cơ sở đến người làm công rất phấn khởi. Có được mô hình sản xuất tập thể chắc chắn nghề sản xuất, chế tác đồ gỗ gia dụng tại xã Thạnh Đông sẽ có cơ hội phát triển thành “làng nghề”, thu hút nhiều lao động tại chỗ và sản phẩm của “làng nghề” sẽ có cơ hội đi xa, đem lại việc làm, lợi nhuận cho nhiều người tại địa phương.

KHẮC LUÂN

 


 
Liên kết hữu ích