Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngoài nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân”, từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu còn thực hiện mô hình “Trợ vốn không tính lãi” do mạnh thường quân hỗ trợ, giúp nhiều người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hội Nông dân xã Thạnh Đức cùng nhà tài trợ tổ chức lễ trao vốn không tính lãi và tặng quà tết cho dân nghèo.
Anh Ngô Hồng Khanh, sinh năm 1994, nhà ở ấp Bến Đình cho biết, trước đây, vợ chồng anh làm công nhân ở Khu công nghiệp Phước Đông. Sau đại dịch Covid-19, công ty khó khăn, đơn hàng ít đi, thu nhập vợ chồng anh sụt giảm. Cuộc sống gia đình chật vật, vợ chồng anh xin nghỉ, dự định buôn bán nhỏ lẻ, nhưng ngặt nỗi không có vốn.
Đầu năm 2022, lãnh đạo Hội Nông dân xã và nhà tài trợ xem xét cho gia đình anh vay 10 triệu đồng không tính lãi từ nguồn quỹ “Trợ vốn không tính lãi” với thời hạn một năm. Vợ chồng anh đầu tư làm quầy bán nước giải khát phía trước chợ xã, mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn đồng. Dành dụm, gom góp đến cuối năm 2022, trả hết tiền vay.
Trong khoảng thời gian này, có chủ lò bánh mì thấy vợ chồng anh Khanh chí thú làm ăn, ông dạy nghề và cho anh thuê cơ sở làm bánh mì. Muốn làm nghề này cũng cần có vốn, anh Khanh tìm đến Hội Nông dân xã trình bày nguyện vọng và được xem xét trợ vốn 60 triệu đồng.
Có vốn sản xuất, kinh doanh bánh mì, mỗi ngày sau khi trừ hết các khoản chi phí, anh Khanh còn lãi khoảng 300.000 đồng. Cùng với quầy bán nước, thu nhập gia đình anh giờ tương đối ổn định, đến cuối năm 2023, gia đình anh sẽ hoàn trả đủ số tiền đã vay. Anh Khanh mong muốn nguồn quỹ “Trợ vốn không tính lãi” của Hội Nông dân xã tiếp tục được duy trì và tăng cao hơn nữa để trợ vốn cho những hộ gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Chị Trần Thị Bích Vân buôn bán trái cây ở chợ xã được hai năm. Do thiếu vốn, năm đầu chị bán ít hàng, tiền lời không nhiều. Biết được hoàn cảnh của chị, đầu năm 2023, Hội Nông dân xã xem xét cho chị vay 10 triệu đồng để bán thêm nhiều mặt hàng, thu nhập hằng ngày của chị cũng tăng lên.
Chị Thảo Hai làm nghề chiên bánh cam, bánh chuối. Những năm gần đây, chị được Hội Nông dân xem xét cho vay mỗi năm 10 triệu đồng, chị không còn lo cảnh chưa bán đã phải tiền trả lãi khi vay bên ngoài nữa.
Theo ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã, để tạo điều kiện cho hội viên, nông dân và những người dân đang gặp khó khăn có vốn để chăn nuôi, sản xuất và mua bán nhỏ lẻ, tăng thu nhập, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới, cuối năm 2015 đầu năm 2016, Hội Nông dân xã tham mưu và xin ý kiến Đảng uỷ, UBND xã vận động Thượng toạ Thích Định Tánh- Trụ trì chùa Cẩm Phong (xã Cẩm Giang) ủng hộ xây dựng quỹ “Trợ vốn không tính lãi”.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân xã và nhà tài trợ phối hợp duy trì thực tốt việc cho mượn vốn không tính lãi. Năm đầu tiên có 60 hộ được trợ vốn, với mức 3 triệu đồng/hộ; năm 2017, số hộ được trợ vốn tăng lên 90 hộ, tiền vay cũng tăng lên 5 triệu đồng/hộ…
Năm 2023, có 100 hộ được trợ vốn, mỗi hộ từ 10 - 60 triệu đồng, tổng vốn 1,15 tỷ đồng, thời gian 12 tháng. Đến hạn, hộ mượn vốn hoàn trả một lần, số vốn thu hồi, Hội Nông dân xã xem xét chuyển cho hộ khác mượn. Nhờ xem xét kỹ từng trường hợp, cho mượn vốn đúng đối tượng chí thú làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, từ đó tất cả những hộ được trợ vốn đều hoàn trả đầy đủ, đúng thời hạn.
Ông Trương Anh Dũng cho biết thêm, thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với nhà tài trợ duy trì mô hình “Trợ vốn không tính lãi”; đồng thời tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm để nông dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Duy Huân