Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thành huyện Quang Hoá ở đâu ?
Thứ tư: 11:32 ngày 27/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sự mập mờ giữa hai địa danh ấy có thể làm mất hẳn đi ngôi thành bảo Ðịnh Liêu. Trong khi, không chỉ sử sách triều Nguyễn có ghi mà một vài tư liệu lịch sử Tây Ninh cũng đã đề cập đến. Cho đến nay vẫn còn thấy “thấp thoáng” cái tên bảo Ðịnh Liêu ở nơi này, nơi khác.

Từ bờ thành đất nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông.

Trong bài viết “Về các di tích ở Long Giang” đăng trên báo Tây Ninh (tháng 11.2017) tôi có nêu: “Liệu cái nơi đang được cắm cọc khoanh vùng bảo vệ ở ấp Bảo, xã Long Giang có đúng là thành bảo Long Giang? Nếu đúng thì phải chứng minh cho được đây cũng chính là bảo Ðịnh Liêu, được kể trong sách Ðại Nam nhất thống chí”. Bởi cứ theo ý tứ của người lập lý lịch di tích ngôi thành bảo Long Giang thì nơi đó đã được mặc nhiên là bảo Ðịnh Liêu, nơi mà năm Tự Ðức thứ ba (1850) được lấy “làm thành của huyện” (Quang Hoá).

Sự mập mờ giữa hai địa danh ấy có thể làm mất hẳn đi ngôi thành bảo Ðịnh Liêu. Trong khi, không chỉ sử sách triều Nguyễn có ghi mà một vài tư liệu lịch sử Tây Ninh cũng đã đề cập đến. Cho đến nay vẫn còn thấy “thấp thoáng” cái tên bảo Ðịnh Liêu ở nơi này, nơi khác.

Ai vào đình Long Thuận, ngay bên đường trục 786 sẽ thấy ngay tấm bảng ghi tóm tắt về di tích ngôi đình. Bảng sơn nền đỏ chữ vàng tươi rói, nổi bật câu: “Ở xã Long Giang có thành bảo Long Giang, ở bến Ðình (Tiên Thuận) có thành bảo Ðịnh Liêu. Ðây là hai thành bảo, đồn tiền tiêu được xây dựng xây dựng thời Minh Mạng…”. Trong sách “Di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, tập 2, do Bảo tàng Tây Ninh xuất bản năm 2002 cũng có một bài viết về “Miền đất ngũ long và những ngôi đình” (trang 26). Tại đây, bảo Ðịnh Liêu được mô tả khá rõ ràng cả về tính chất và vị trí, dù chưa xác định được quá trình sử dụng: “Ðình Tiên Thuận được xây dựng sát sông Vàm Cỏ Ðông mà nhân dân còn gọi Bến Ðình. Nơi đây đã là một trung tâm dân cư sầm uất. Bởi đây là bến cảng, có bảo Ðịnh Liêu cũng là một thành luỹ, một trụ sở hành chánh cùng với bảo Long Giang- bảo Quang Hoá (Cẩm Giang) thuộc huyện Quang Hoá như Tây Ninh”.

Người viết về các ngôi thành bảo ở Tây Ninh rõ nhất lại là một nhà nghiên cứu nghiệp dư quê Tây Ninh, sống tại TP.Hồ Chí Minh tên là Vương Công Ðức. Trong sách “Trảng Bàng phương chí” (NXB Tri Thức năm 2016) ở mục phụ trang “một số di sản và di tích lịch sử buổi đầu xứ Trảng Bàng” có mô tả khá rõ về các bảo Quang Hoá và bảo Ðịnh Liêu (từ trang 123 đến 126).

Tác giả còn giải thích rõ: “Bảo là căn cứ quân sự nhỏ thường đắp bằng đất, có hào xung quanh vừa có chức năng phòng thủ, vừa có chức năng hậu cần để chứa lương thực và vũ khí. Bảo cùng với đồn là các căn cứ quân sự của binh lính triều đình ngày xưa đặt tại những nơi xung yếu”. Tuy vậy, có lẽ do tác giả không thu thập đầy đủ tư liệu ở Bảo tàng Tây Ninh, lẫn thiếu sự quan sát trên thực địa nên đã “đánh đồng” bảo Ðịnh Liêu với bảo Long Giang. Trong khi trên thực tế, đó là hai di tích khác nhau, vị trí hoàn toàn khác nhau. Một ở ấp Bảo, xã Long Giang, một ở ấp B, xã Tiên Thuận, tính đường chim bay thì cách nhau khoảng 5km.

Vậy di tích nào mới là thành bảo Ðịnh Liêu? Xác định được, mới biết chính xác nơi được triều Tự Ðức đặt làm thành huyện Quang Hoá. Chúng ta đã biết, kể từ mùa thu năm 1836 (Minh Mạng thứ 17) miền đất Tây Ninh chính thức là một phủ thuộc tỉnh thành Gia Ðịnh. Phủ có hai huyện: Tân Ninh và Quang Hoá. Cuốn sách sử của triều đình là “Ðại Nam Nhất thống chí” cũng giống như một niên giám thống kê, chi chép các số liệu về địa danh, cơ sở hành chính, quân sự dân cư trên toàn lãnh thổ. Xem lại mục các thành phủ, huyện thì ở Tây Ninh chỉ có 2 mục từ: Thành phủ Tây Ninh và Thành huyện Quang Hoá (không có thành huyện Tân Ninh, do huyện này thuộc phủ Tây Ninh kiêm lý).

Thành phủ thì chúng ta đã rõ, đấy là nơi sau khi Pháp chiếm, chúng đã phá đi để xây thành Săng- đá (vị trí hiện nay là nơi đặt trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Mục Thành huyện Quang Hoá có ghi rằng: “…ở thôn Long Giang, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đắp bảo Quang Hoá ở địa phận thôn Cẩm Giang, năm thứ 17 (1836) đổi làm thành của huyện; năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) đắp bảo Ðịnh Liêu; năm Tự Ðức thứ 3 (1850) lại lấy bảo Ðịnh Liêu làm thành của huyện, mà Quang Hoá vẫn để làm bảo như cũ” (trang 210- 211).

Như vậy, thành huyện Quang Hoá từng có hai ngôi. Ngôi đầu tiên đắp năm 1824 gọi là bảo Quang Hoá. Ðến năm 1836 đổi lại là thành huyện Quang Hoá. Ngôi thứ hai chính là bảo Ðịnh Liêu- thành huyện Quang Hoá mà sách đã ghi chép trong đoạn trích kể trên với cả quy định về kích thước và số cổng thành. Sách này soạn dưới thời vua Tự Ðức, nên đã ghi ngay ở thời điểm ấy là “Thành huyện Quang Hoá, chu vi... mở ba cửa, ở thôn Long Giang” tức là đã mô tả ngay kích thước ngôi thành bảo Ðịnh Liêu. Chỉ nhắc lại vài sự kiện liên quan đến bảo Quang Hoá thuộc Cẩm Giang trong quá khứ.

Tóm lại, sử sách triều Nguyễn chỉ ghi chép có ba ngôi thành trên đất Tây Ninh. Một là thành phủ, hai là thành huyện Quang Hoá ở thôn Long Giang (xây năm 1843) và ba là bảo Quang Hoá ở Cẩm Giang (huyện Gò Dầu). Hoàn toàn không có cái gọi là “thành bảo Long Giang”.

Xin nhấn mạnh: thành huyện Quang Hoá, tức bảo Ðịnh Liêu với thành bảo Long Giang chỉ là một mà thôi. Và cái tên thứ hai này là do người đời sau suy luận ra, do nó được xây đắp ở thôn Long Giang, chứ không phải là tên chính thức.

Vậy thành huyện Quang Hoá, tức bảo Ðịnh Liêu hiện nay nằm ở đâu trên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Ðông, thuộc huyện Bến Cầu? Ðiều này, một số cán bộ Bảo tàng Tây Ninh thế hệ trước như Nguyễn Ngọc Nam, Tạ Công Sùng… đã biết. Chính ông Nguyễn Ngọc Nam đã viết như chúng tôi trích dẫn ở phần đầu. Ðấy là ở Bến Ðình, nay thuộc về Tiên Thuận. Có điều ông cũng bị nhầm. Mà sự nhầm này cũng dễ hiểu, là vì hai thành ở hai thôn khác nhau. Nay, chúng tôi đã có chứng cứ: vào năm 1843 khi xây đắp bảo Bến Ðình ấy thì chưa có thôn Tiên Thuận. Phần đất này khi ấy vẫn còn thuộc thôn Long Giang.

Ðến năm 1845, Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực mới lập thêm làng Tiên Thuận tách ra từ đất cũ Long Giang (theo “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ”). Chứng minh cho giả thuyết này là ký ức của những người cao tuổi và dấu vết xưa còn sót lại trên địa bàn ấp B, xã Tiên Thuận. Khoảng năm 2015, các cụ Năm Kia, Chín Tao (đều trên 80 tuổi) có kể rằng: “Bờ thành cao như mái nhà, đắp toàn bằng đất sét và sỏi đỏ, vòng từ phía gần bờ sông nơi hiện nay có nhà trọ Thu Ngân ngược lên phía thượng lưu sông. Ðoạn này có chiều dài trên dưới 700 mét…”.

Buộc phải “xới” lại vấn đề là vì hai lý do. Một là, tên di tích hiện nay không đúng với tên thành bảo trong lịch sử. Cần phải trả lại tên cho ngôi thành cổ, tiện cho công tác nghiên cứu của các thế hệ sau này. Có thể vẫn giữ tên “thành bảo Long Giang” như một phụ danh, vì người Tây Ninh mấy chục năm qua đã quen gọi như thế. Hai là, phải xác định đúng vị trí ngôi thành huyện Quang Hoá- tức bảo Ðịnh Liêu, để bảo vệ kịp thời những gì còn lại.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục