Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá mì
Thứ ba: 16:05 ngày 30/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 30.10, tại hội trường Tỉnh ủy Tây Ninh, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá mì.

Ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 22.10.2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4099 về việc thành lập BCĐ trung ương phòng, chống bệnh khảm lá mì, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban; Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung làm Phó Trưởng ban.

BCĐ có 21 ủy viên, gồm Phó Chủ tịch UBND của 13 tỉnh, thành (Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên); 8 đại diện từ ban ngành liên quan và các nhà khoa học đầu ngành.

Sau lễ công bố, BCĐ trung ương đã có phiên họp đầu tiên để bàn các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh khảm lá mì hiện nay. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các thành viên trong BCĐ, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố bị nhiễm dịch.

Đại diện tỉnh Tây Ninh dự phiên họp có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành và doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thu mua mì trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, sau 1 năm phát hiện bệnh khảm lá trên cây mì, đến nay đã ghi nhận bệnh xuất hiện gây hại tại các vùng trồng mì của 12 tỉnh thành trong nước, nặng nhất ở Tây Ninh với gần 100% diện tích mì bị nhiễm bệnh. Năm 2018, Bộ NN&PTNT rất quyết liệt để dập dịch khảm lá, việc thành lập BCĐ trung ương để thống nhất quan điểm chỉ đạo từ trung ương đến địa phương và thống nhất biện pháp phòng trừ đồng loạt, nhằm phục hồi ngành mì quốc gia.

Bệnh khảm lá mì, chủ yếu gây hại trên giống HLS11, lây truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ lây lan rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng mì ở Việt Nam. Tính đến ngày 9.10, diện tích mì bị nhiễm bệnh đã hơn 41.900 ha (tăng hơn 36.130 ha so với năm 2017).

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại Tây Ninh, tính đến ngày 26.10 diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá đã hơn 35.000 ha, chiếm 95,3% diện tích sản xuất, tăng gấp 6 lần so với năm 2017. Giống mì nhiễm bệnh khảm lá nặng nhất là HLS11, KM419, KM140, MO101; riêng giống KM94 đã giảm tính chống chịu với bệnh khảm lá so với năm 2017. Vụ Đông xuân 2017 – 2018 ghi nhận giống KM 505 có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn so với các giống khác. 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã cày hủy 143,2 ha mì nhiễm bệnh, đạt <1% diện tích nhiễm bệnh,…

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cây mì đóng góp 8% cho ngân sách của tỉnh, nhiều nông dân trồng mì coi đây là cây xóa đói giảm nghèo. “Hiện nay, gần như bệnh khảm lá đã gây hại 100% diện tích mì toàn tỉnh. Trước tình hình mất kiểm soát dịch bệnh, BCĐ ra mắt và họp phiên đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất chỉ đạo phòng, chống khảm lá không chỉ ở Tây Ninh mà còn các tỉnh thành khác”, ông Chiến chia sẻ.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, công tác chỉ đạo phòng chống bệnh tại các địa phương đã thực hiện rất chủ động, tích cực, tuy nhiên một số nơi còn chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường. Trong thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, bệnh thì dịch khảm lá mì sẽ lây lan ra khắp cả nước.

Mì đã nhiễm bệnh nhưng nông dân vẫn sử dụng để làm giống.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo một số vấn đề: các địa phương cần thành lập BCĐ phòng chống dịch khảm lá mì; tập trung tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm và bản chất của bệnh; quản lý chặt nguồn giống, tạm ngưng trồng giống mì nhiễm bệnh; xây dựng vùng nhân giống sạch bệnh.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện có 12 doanh nghiệp đăng ký cung cấp thuốc đặc trị bọ phấn trắng gây bệnh khảm lá trên cây mì, vì vậy đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương tiếp cận thuốc, qua đó giảm bớt khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục