Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Là một người khuyết tật, nhưng với nghị lực và sự quyết tâm, anh Nguyễn Quang Hùng (34 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Tân Châu) đã thành công với nghề làm xe ba bánh. Kiên trì, gắn bó với nghề hơn 10 năm, cuộc sống của anh Hùng ngày càng ổn định.
Anh Hùng lắp ráp xe ba bánh cho khách hàng.
Mẹ anh Hùng kể, gần 3 tuổi, anh không may sốt nặng, tuy qua khỏi nhưng 2 chân bị teo từ đó. Dù khó khăn trong việc di chuyển, anh Hùng vẫn quyết tâm theo đuổi việc học. Tốt nghiệp THPT, anh theo học trung cấp ngành Công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh. Để tiết kiệm chi phí, anh thuê nhà trọ ở vùng ven Thành phố.
Hằng ngày, anh Hùng chống gậy hàng trăm mét ra trạm đón xe buýt để đến trường. Ra trường, anh về Tây Ninh xin việc ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối. Vậy là anh quay lại TP. Hồ Chí Minh xin việc thiết kế quảng cáo. Sau 4 năm phụ giúp gia đình nuôi em trai ăn học, anh Hùng về quê lấy vợ và khởi nghiệp với nghề lắp ráp xe ba bánh cho người khuyết tật (NKT).
Nói về cơ duyên với nghề, anh Hùng nhớ lại, một lần xe máy 3 bánh của anh bị hỏng, anh mang đến tiệm, thợ sửa xe phải mất nhiều thời gian sửa chữa vì họ không có chuyên môn sửa xe ba bánh. Anh nhận thấy rằng các tổ chức, những chiếc xe ba bánh được trao cho NKT chưa phù hợp với vóc dáng của từng người; trên địa bàn tỉnh cũng chưa có tiệm sửa xe, lắp ráp xe 3 bánh cho NKT. Anh Hùng trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, xin vào phụ việc tại cơ sở lắp ráp, sửa chữa xe ba bánh Kiến Tạo.
Anh Hùng cho biết: “Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng việc sửa xe ba bánh phức tạp hơn xe hai bánh rất nhiều ở khâu tháo, lắp. Nếu không học qua sửa xe ba bánh sẽ rất mất thời gian nên thường các tiệm sửa xe máy không nhận”.
Phụ việc được 4 tháng, anh Hùng quay trở về Tây Ninh mở tiệm. Thời gian đầu anh gặp khó khăn vì chưa được nhiều người biết đến. Không nản lòng, anh Hùng vẫn kiên trì bám nghề. Người nào có hoàn cảnh khó khăn, anh đều nhận sửa xe miễn phí; có khi anh đến tận nhà để sửa giúp.
Những chiếc xe đầu tiên lắp ráp bị mắc vài lỗi, nhờ sự góp ý của khách hàng, anh rút kinh nghiệm và hoàn thiện sản phẩm cho những lần tiếp theo. Mỗi lần giao xe, anh hướng dẫn tỉ mỉ cách chạy, sử dụng thắng xe an toàn. Sau một tuần, anh lại đến thăm và kiểm tra xe cho khách. Nhờ vậy, anh luôn được khách hàng yêu mến và giới thiệu khách mới.
Khi biết Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tài trợ khoá học thiết kế web, anh Hùng đăng ký tham gia. Website xebabanhtayninh.com ra đời sau thời gian anh Hùng học thiết kế. Anh còn tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của mình. Nhờ vậy, khách hàng gần xa dần biết đến và đặt hàng. Mỗi chiếc xe anh lắp ráp có giá từ 5 triệu đồng trở lên, tuỳ theo xe số hay xe tay ga...
Ông Nguyễn Văn Trấn, ngụ ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu là một trong những khách hàng của anh Hùng. Ông Trấn cho hay, trước đây ông bị tai biến, đã hồi phục nhưng chân còn yếu. Ông chưa tự tin để chạy xe máy, lại không muốn con cháu đưa rước khi có việc ra ngoài. Qua bạn bè giới thiệu, ông Trấn đặt lắp ráp xe tại cơ sở của anh Hùng. Ông cho biết: “Hùng làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ. Khi giao xe còn hướng dẫn tôi cách chạy. Nhìn qua thì dễ nhưng chạy rất khó, tôi phải tập chạy quanh nhà, khi nào điều khiển xe rành tôi mới dám chạy ra đường”.
Có những khách hàng ở các tỉnh xa như Bắc Giang, Tiền Giang, Nam Định… đặt hàng qua website. Họ đặt cọc trước 30% giá trị xe, sau khi hoàn thành, anh gửi xe bằng đường bưu điện đến khách hàng. Đối với khách hàng ở xa, anh gọi điện bằng video để hướng dẫn họ cách chạy. Khách hàng rất hài lòng.
“Khách hàng có nhu cầu đặt xe nhiều vào các dịp trước và sau tết, các tháng còn lại ít hơn, nên thu nhập bình quân của tôi, sau khi trừ chi phí kiếm được từ 5-10 triệu đồng/tháng, tạm đủ chăm lo cho vợ và 2 con nhỏ”- anh Hùng chia sẻ.
Ngoài công việc, anh Hùng còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương. Anh hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ NKT xã Tân Phú với 27 thành viên; là cộng tác viên tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới, tham vấn đồng cảnh cho những NKT đặc biệt nặng của Tổ chức DRD và trợ giúp chăm sóc giảm nhẹ của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH). Trong những lần đi tuyên truyền, gặp NKT có hoàn cảnh khó khăn là anh sẵn sàng giúp đỡ.
Cỏ May