BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành phố hình sao

Cập nhật ngày: 05/04/2011 - 11:19

Đường phố Tây Ninh

Đã từ lâu cứ muốn viết về thị xã Tây Ninh ta có hình dáng bàn tay xoè ra năm ngón. Sơ bộ thế này nhé: lòng bàn tay là cụm trung tâm với trụ sở Uỷ ban, vườn hoa Thắng Lợi, công viên Cây Xanh và chiếc cầu Quan. Ngón trỏ đưa ta đến Châu Thành hoặc qua những Long Giang, Long Thuận mà sang cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ngón giữa chỉ lên Tân Biên- thủ đô cách mạng miền Nam thời chống Mỹ. Ngón áp út là đại lộ 30.4 dẫn qua sườn Tây núi Bà lên huyện Tân Châu. Rồi ngón út xinh xinh sẽ đưa ta về ngả Dương Minh Châu, nơi có Lòng hồ Dầu Tiếng miên man trời nước.

Vậy mà còn có băn khoăn nên chưa viết! Là vì sợ những anh kỹ tính đếm ra thành những 6 hay 7 ngón tay xoè. Nay thì đã có thể viết được rồi! Chẳng là ngày 31.3 vừa qua được dự tại văn phòng UBND tỉnh cuộc trình bày phương án quy hoạch chung thị xã Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của một công ty thiết kế quy hoạch nước ngoài là Han Sen Partnership Pty Ltd phối hợp Trung tâm Kiến trúc miền Nam thực hiện. Trong báo cáo, đánh giá của UBND thị xã Tây Ninh có một cách gọi rất hay là đô thị hình sao. Vậy thì để tựa bài viết đây rồi. Sao thì có thể 5, 8, 10 hay 14 cánh. Với mục tiêu đến 2015, thị xã Tây Ninh sẽ là đô thị loại III, hay nói một cách khác là “lên thành phố”. Vậy xin lượm lặt từ nội dung các bên ý kiến trong cuộc trình bày kể trên gọi bài viết này là thành phố hình sao.

Di tích lịch sử Đình Hiệp Ninh ở Thị xã

Eco kép là gì? Chẳng phải vô tình mà các nhà thiết kế lại đưa lên đầu bản báo cáo nghiên cứu khá dày dặn của mình, cái gọi là “thành phố Eco kép”. Vừa hay, tivi tháng 3 và 4.2011 cũng có mục quảng cáo về một khu đô thị nào đấy xanh, sạch, đẹp với cái tên Eco Park. Thời đại ngày nay ở đâu cũng đặt yếu tố môi trường làm trọng. Tuy nhiên riêng về “Eco kép Tây Ninh” tương lai được giải thích là: “Thành phố sinh thái và thành phố kinh tế. Thành phố sinh thái nâng cao phúc lợi cho công dân và xã hội của mình thông qua quy hoạch đô thị tổng hợp và quản lý, giúp khai thác đầy đủ các lợi ích cho thế hệ tương lai. Thành phố kinh tế tạo ra các giá trị và cơ hội cho công dân, doanh nghiệp và xã hội bằng cách sử dụng hiệu quả tất cả các tài sản hữu hình và vô hình, củng cố các hoạt đông kinh tế bền vững, tập trung và hiệu quả”.

Vậy! Eco như thế thì quả thật đấy chính là mô hình đô thị ước mơ cho không chỉ thành phố Tây Ninh mà của cả các đô thị trên toàn thế giới.

Sau những phân tích khá cặn kẽ và sát đúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của thị xã Tây Ninh hiện tại, kể cả các mối tương quan trong khu vực cũng như với các đô thị phụ cận; rồi các nhà thiết kế cũng đã đưa ra được mô hình đề xuất của quy hoạch tổng thể thị xã Tây Ninh. Cốt lõi của quy hoạch này là việc di dời trung tâm hành chính cũ lên phía Đông Bắc, gần núi Bà Đen. Khi ấy, khu hành chính cũ (UBND tỉnh hiện nay) sẽ trở thành một trung tâm thương mại và dịch vụ - một trong hai vùng lõi, nói cách khác là một “đô thị sôi động” của thành phố tương lai. Còn trung tâm hành chính (mới) dự kiến nằm ở phía Đông Nam giao lộ Bời Lời - 784 sẽ có nhiều cơ hội để phát triển như một khu đô thị hiện đại với đầy đủ các công trình đảm bảo chức năng hành chính cũng như các chức năng phụ trợ khác như giải trí, giáo dục, văn hoá xã hội, thương mại và cư trú…

Một đặc điểm khác nữa của đô thị nói trên sẽ là sự xen kẽ hợp lý giữa các khu dân cư (mật độ cao, hoặc thấp) với các phân khu giáo dục, y tế, bảo tàng, triển lãm và xúc tiến thương mại, lưới giao thông kể cả đường đi bộ và xe đạp… Sau nữa là các khu vực không gian xanh, bảo vệ cảnh quan, rừng sinh thái và thú vị nhất có lẽ là ý tưởng giữ lại các khu nông nghiệp chuyên canh, để có được những khu vực nông thôn giữa lòng đô thị.

Thị xã Tây Ninh tương lai, theo mục tiêu phải đạt chuẩn loại III (thành phố) vào năm 2015 và sau năm 2020 sẽ phải ngang tầm đô thị loại II. Đây là một cấu trúc đô thị hình sao: “Vừa mở theo tuyến vừa nén lại. Phát triển một số trung tâm dạng hành lang (tuyến) đa lõi trung tâm, có kết nối chặt chẽ…”. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện được trọn vẹn ước mơ này, cũng cần ngay từ bây giờ tính đến trách nhiệm quản lý cũng như ý thức xây dựng cộng đồng của mỗi cư dân đô thị. Ví dụ, nông thôn giữa lòng đô thị là một cảnh quan sinh thái đặc trưng thì phải có biện pháp quản lý sao cho nó không phải là một kiểu xóm làng tiểu nông tuỳ tiện. Và hơn nữa, thành phố muốn thành sao, thì mỗi người dân sống trong đó cũng cần thiết phải có nếp sống văn minh đô thị.

TRẦN VŨ