Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các lực lượng Nga đã kiểm soát thành phố Kherson, giới chức Ukraine xác nhận. Đây là thành phố lớn đầu tiên của Ukraine rơi vào tay lực lượng Nga.
Theo New York Times, Thị trưởng Kherson Igor Kolykhayev nói rằng lực lượng Nga đã tiến vào tòa thị chính, dấu hiệu cho thấy thành phố lớn đầu tiên của Ukraine đã thất thủ.
Sự thất thủ của Kherson - thành phố có 300.000 dân ở phía tây bắc bán đảo Crimea - được cho là tổn thất đáng kể đối với Ukraine, bởi nó có thể giúp Nga kiểm soát thêm đường bờ biển phía nam Ukraine và đẩy mũi tiến công về phía tây, tới thành phố Odessa.
Phía Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã kiểm soát Kherson. Ảnh: TASS
Thị trưởng Kolykhayev cho biết quân đội Ukraine không còn trong thành phố và người dân cần thực thi chỉ thị của "những người có vũ trang".
“Tôi không hứa hẹn gì với họ. Tôi không có gì để hứa. Tôi chỉ quan tâm tới cuộc sống trong thành phố của chúng tôi. Tôi chỉ yêu cầu họ không nổ súng. Chúng tôi không có lực lượng vũ trang trong thành phố, chỉ có dân thường và những người muốn sống ở đây", ông Kolykhaev cho biết.
Thông báo của vị thị trưởng trên trang Facebook được đưa ra vài ngày sau khi Kherson chịu sức ép lớn do lực lượng Nga bao vây thành phố.
Nhiều tiếng nổ ở Kyiv
Kyiv ghi nhận ít nhất 4 vụ nổ tại vào khoảng 3h ngày 3/3 (khoảng 8h giờ cùng ngày Việt Nam), Guardian đưa tin. Hai vụ nổ đầu tiên xảy ra ở trung tâm thành phố, theo sau là hai vụ nổ gần một ga tàu điện.
Ngay trước 3h, cơ quan liên lạc nhà nước đặc biệt của Ukraine cũng đưa ra cảnh báo với nội dung “Báo động không kích, Kyiv!”.
Nga công bố số binh sĩ thương vong trong cuộc tấn công Ukraine
Khoảng 498 quân nhân Nga đã thiệt mạng và gần 1.600 người khác bị thương trong cuộc tấn công vào Ukraine, Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố hôm 2/3, RT đưa tin.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ các báo cáo cho rằng đã có "vô số" thương vong, đồng thời coi các tuyên bố này là thông tin sai lệch do đối thủ cố ý tạo ra.
Theo ước tính của quân đội Nga, ít nhất 2.870 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, trong khi 3.700 người khác bị thương. Bộ cho biết thêm rằng khoảng 572 quân nhân Ukraine đã bị bắt làm tù binh.
Các con số thương vong chính thức do Moscow công bố khác rất khác xa những gì Kyiv từng tuyên bố. Trước đó, Ukraine cho biết hơn 5.800 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi chiến dịch quân sự này bắt đầu.
Trong khi đó, Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 2/3 xác nhận 227 dân thường thiệt mạng và 525 người bị thương tại Ukraine kể từ khi chiến dịch của Nga bắt đầu tới ngày 1/3. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là có thể cao hơn đáng kể, theo Reuters.
Mỹ cung cấp hàng trăm tên lửa Stinger cho Ukraine
Mỹ đã chuyển hàng trăm tên lửa Stinger cho Ukraine trong khuôn khổ gói viện trợ 350 triệu USD do chính quyền Joe Biden công bố vào tuần trước, theo NBC News.
Các nhà lập pháp Mỹ nói với NBC rằng nước này đã chuyển giao hơn 200 tên lửa vào hôm 28/2.
Gói này cũng bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và đạn dược.
Tên lửa Stinger có thể được sử dụng để bắn hạ máy bay. Ảnh: AP.
Cuối tuần trước, Đức cũng thông báo gửi 500 tên lửa Stinger tới Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 2/3 nói rằng nước này sẽ cung cấp vũ khí trực tiếp tới Ukraine. Phát biểu được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông tuyên bố Madrid sẽ chỉ tham gia thông qua cơ chế tài trợ của Liên minh châu Âu (EU).
“Tây Ban Nha sẽ cung cấp cho các khí tài quân sự tấn công hạng nặng cho Ukraine", ông Sanchez nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles nói với kênh truyền hình Antena 3 rằng các vũ khí nói trên bao gồm 1.370 súng phóng lựu, 700.000 đạn dược và vũ khí tự động hạng nhẹ.
Trước đó, ông Sanchez cho biết Tây Ban Nha sẽ chỉ cung cấp vũ khí thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) của EU, một cơ chế tài trợ trị giá 450 triệu euro (500 triệu USD) được kích hoạt hôm 27/2 để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết ủng hộ Ukraine
Các nghị sĩ Hạ viện Mỹ hôm 2/3 bỏ phiếu thông qua nghị quyết "ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine", đồng thời hối thúc giới chức Mỹ cung cấp thêm hỗ trợ an ninh giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Nghị quyết do hạ nghị sĩ gốc Ukraine Victoria Spartz đề xuất.
Với 426 phiếu thuận và ba phiếu chống, nghị quyết của Hạ viện Mỹ cũng "yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine".
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine
Đa số thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 2/3 đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết "yêu cầu" Nga "ngay lập tức" rút khỏi Ukraine.
Trong phiên họp bất thường của Đại hội đồng, 141 trong số 193 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. Trung Quốc nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có 5 quốc gia bỏ phiếu chống, bao gồm Nga, Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria, Reuters đưa tin.
Nghị quyết lên án việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine và quyết định của Tổng thống Vladimir Putin trong việc đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động. Ngay cả đồng minh truyền thống của Nga là Serbia cũng bỏ phiếu phản đối.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết chiến dịch quân sự của Nga có dấu hiệu leo thang và kêu gọi các thành viên buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phủ nhận Moscow đang nhắm mục tiêu vào dân thường và cáo buộc phương Tây gây sức ép để các thành viên thông qua nghị quyết. Ông cảnh báo động thái này có thể khiến căng thẳng leo thang.
Ông lặp lại khẳng định của Nga rằng hành động của họ là một hoạt động quân sự đặc biệt nhằm chấm dứt các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào dân thường ở các nước Cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng.
Mỹ hủy vụ thử ICBM
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm 2/3 cho biết Lầu Năm Góc đã hủy kế hoạch thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tuần này, để tránh gây hiểu lầm giữa lúc căng thẳng Ukraine dâng cao.
"Để chứng minh chúng ta không có ý định liên quan tới bất cứ hành động nào có thể bị hiểu lầm hoặc suy diễn, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo hủy vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minute Man III vốn được lên kế hoạch diễn ra trong tuần này", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói trong cuộc họp báo tại Virginia.
"Mỹ hủy vụ thử tên lửa để chứng minh mình là cường quốc hạt nhân có trách nhiệm", người phát ngôn Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
EU loại 7 ngân hàng Nga khỏi SWIFT
Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/3 đã công bố danh sách các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu - nhằm trừng phạt việc Nga tấn công Ukraine.
Các ngân hàng bị EU loại khỏi SWIFT gồm: VTB, Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Bank Rossiya, Sovcombank và VEB.
Trước đó, Reuters dẫn thông báo của Hội đồng châu Âu cho biết EU sẽ loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT.
"Những ngân hàng chúng tôi đã liệt vào danh sách loại khỏi SWIFT có kết nối với chính phủ Nga và liên quan đến hoạt động tấn công Ukraine. Chúng tôi không cấm toàn bộ hệ thống ngân hàng", RT dẫn lời một quan chức EU cho hay.
Việc loại các ngân hàng trên sẽ hạn chế khả năng chuyển tiền của các ngân hàng này với các tổ chức tài chính khác trên toàn cầu.
Nguồn Zing