(BTNO)- Theo Trung tâm Y tế thành phố Tây Ninh, tính đến đầu tháng 4.2015, bệnh sốt xuất huyết và bệnh thủy đậu tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, bệnh sốt xuất huyết xảy ra 21 ca với 4 ổ dịch, tăng 12 ca và 3 ổ dịch so với cùng kỳ; trong đó 9/10 phường, xã đều có ca bệnh sốt xuất huyết.
Về bệnh thủy đậu xảy ra 50 ca, tăng 26 ca so với cùng kỳ và 7/10 phường, xã đều có ca bệnh, trong đó nhiều nhất là phường I với 25 ca. Về bệnh tay chân miệng đã xảy ra 31 ca với 2 ổ dịch, giảm 47 ca so với cùng kỳ; trong đó 7/10 phường, xã có ca bệnh.
Hướng dẫn người dân súc đổ các lu, chum, vại chứa nước gây muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết. |
Chủ động tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi, lăng quăng cao; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện và cơ số thuốc cấp cứu; tăng cường cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa tỷ lệ tỷ vong trên địa bàn;
Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đến người dân cách phát hiện các dấu hiệu của bệnh, các biện pháp phòng chống và tác hại của bệnh để nâng cao nhận thức người dân trong phòng ngừa dịch bệnh; vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và tay chân miệng hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục…
Theo cảnh báo của ngành Y tế, thời điểm tháng 4 và 5 hằng năm, thời tiết chuyển mùa, khí hậu nóng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh, nhất là một số dịch bệnh nguy hiểm và bệnh mới nổi có nguy cơ bùng phát và lan rộng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não virus, bệnh dại, thủy đậu.
Tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng, vì vậy, cần chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế bệnh lây lan trong cộng đồng.
Quế Hương