Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 24.10, tại Thành uỷ Tây Ninh, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đến kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh cùng lãnh đạo một số ban, ngành tham gia kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Vy- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh trao đổi tại buổi làm việc.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo ông Trần Anh Dũng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố Tây Ninh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo cùng các thành viên tuyên truyền, vận động trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức qua việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động; Kế hoạch số 83-KH/TU, ngày 11.5.2022 của Ban Thường vụ Thành uỷ Tây Ninh về thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW, ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Mặt trận Tổ quốc các cấp ngoài các buổi tuyên truyền trực tiếp còn tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook.
Các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ, nhóm phụ nữ, tổ tự quản đã tuyên truyền với hàng ngàn người tham dự. Ngoài ra, còn tổ chức “Phiên chợ xuân 4.0” trưng bày và kết nối tiêu thụ các sản phẩm địa phương, vận động người dân sử dụng hàng Việt Nam chất lượng; mô hình “Gian hàng 0 đồng” qua đó đưa hàng Việt Nam chất lượng cao tiếp cận các hộ gia đình, hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm hàng Việt Nam.
Hội Nông dân Thành phố chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp và nhà khoa học hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; sản phẩm OCOP. Vận động 100% cơ sở kinh doanh do hội viên nông dân làm chủ bán hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có niêm yết giá.
Đại diện Sở Công thương đề nghị lãnh đạo thành phố Tây Ninh tuyên truyền, tăng cường việc thanh toán không bằng tiền mặt tại các chợ truyền thống.
Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh Thành phố tập trung tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thông tin những hàng hoá chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động công chức, người lao động ưu tiên lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có thương hiệu Việt Nam...
Đưa sản phẩm đến với người dân
Việc thiết lập các kênh phân phối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng được quan tâm đầu tư. Trên địa bàn Thành phố có 10 chợ đang hoạt động, những năm qua cũng đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ngoài ra, có 3 siêu thị (Co.opmart, Chợ Lớn); 1 trung tâm thương mại (Vincom). Các cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Thành phố đã trình UBND tỉnh bổ sung siêu thị tại khu đất đường 30.4, khu phố 1, phường 1 vào Kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị, TTTM và chợ theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025.
Đến nay Thành phố có 17 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Thời gian qua, Thành phố đã tạo điều kiện cho hộ kinh doanh đầu tư trên địa bàn Thành phố 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Phòng Kinh tế Thành phố và các đơn vị có liên quan phối hợp thông báo, vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tham gia giới thiệu tiềm năng và những sản phẩm hàng hoá chủ lực đặc trưng, tiêu biểu của địa phương tại các hội chợ, triển lãm, hội thảo được tổ chức trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ thương mại và đặc sản vùng miền; Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Hội chợ mua sắm và ẩm thực... có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhiều sản phẩm uy tín, chất lượng nhằm kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng để giới thiệu sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh của địa phương, mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thành phố Tây Ninh tăng cường thêm nhiều điểm quảng bá sản phẩm OCOP.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đề nghị: trong việc mua sắm công, địa phương cần ưu tiên hàng Việt Nam; tập trung tuyên truyền nhiều hơn để người dân ý thức và sử dụng hàng Việt Nam, hiện nay hàng Việt Nam cũng đạt chất lượng hơn rất nhiều so với trước đây; cần có thêm nhiều gian hàng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến người dân.
Yến sào Yến Loan- sản phẩm OCOP của tỉnh được nhiều người quan tâm.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Vy đề nghị cần tăng cường công tác truyền thông, đa dạng hoá để người dân biết đến các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, mặt hàng OCOP của tỉnh; kịp thời phát hiện hàng gian, hàng nhái, hàng kém chất lượng để tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu của tỉnh. Địa phương cần chủ động trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, nâng tầm sản phẩm; gắn kết với thương nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm tốt; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; kiểm tra chất lượng sản phẩm ở các hội chợ, không để xảy ra những sản phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
Ngọc Diêu