Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng, đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Phòng Tư pháp thành phố Tây Ninh đã tham mưu UBND Thành phố thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, đặc biệt là công tác phối hợp với các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện.
Người dân tìm hiểu các văn bản tại bảng niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa của UBND phường 3, thành phố Tây Ninh.
Phòng Tư pháp Thành phố cho biết, để phát huy tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện, Phòng đã tham mưu Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật Thành phố phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong việc theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên cơ sở nhiệm vụ phân công, các cơ quan, đơn vị đều có hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu đối với cấp xã theo ngành dọc tổ chức thực hiện và tự chấm điểm, đánh giá theo quy định.
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp Thành phố và công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường làm đầu mối tham mưu UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Trong năm, Phòng Tư pháp Thành phố đã tổ chức 1 hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hoà giải, nghiệp vụ tập huấn viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật lồng ghép tập huấn công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho 150 cán bộ, công chức; cấp phát 150 quyển tài liệu nghiệp vụ xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền trên Đài Truyền thanh thành phố, Cổng thông tin điện tử của UBND Thành phố và xã, phường, mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo).
UBND các xã, phường phân công nhiệm vụ cụ thể cho công chức theo dõi, tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; tổ chức rà soát, tự chấm điểm, hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố đánh giá bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thời gian theo quy định. Kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với UBND các xã, phường đạt tỷ lệ cao.
Năm 2023, trên địa bàn Thành phố có 10/10 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 7/7 phường tiếp tục đạt chuẩn văn minh đô thị; xã Thạnh Tân được xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao; xã Bình Minh duy trì xã nông thôn mới nâng cao và xã Tân Bình duy trì xã nông thôn mới.
Cán bộ Phòng Tư pháp thành phố Tây Ninh hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Phòng Tư pháp Thành phố, công tác phối hợp với các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại, hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công. Việc phối hợp giữa UBND và các tổ chức đoàn thể chưa chặt chẽ nên trong công tác xây dựng, đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả chưa cao, dẫn đến một số tiêu chí, chỉ tiêu thực hiện chưa đạt 100% số điểm theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian tới, Phòng Tư pháp Thành phố và công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường tiếp tục làm tốt vai trò đầu mối tham mưu UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu chủ động theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với tiêu chí, chỉ tiêu thực hiện không hiệu quả.
UBND cấp xã cần xác định chính xác những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, đề ra giải pháp khắc phục, bảo đảm việc thực hiện thực chất, hiệu quả. UBND Thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cấp xã thực hiện, kịp thời cho ý kiến tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thiên Di