PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thành phố Tây Ninh hướng đến cộng đồng làm du lịch
Thứ sáu: 06:19 ngày 26/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, Thành phố Tây Ninh đang tích cực triển khai dự án du lịch cộng đồng với hai việc tiến hành song song. Một là, chuẩn bị thành lập Trung tâm du lịch online do Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện, với sự hướng dẫn trực tiếp của chính Bí thư Thành uỷ. Hai là, tổ chức khảo cứu, biên soạn tài liệu về du lịch địa phương để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Du khách nước ngoài xuống đường, cùng người dân TP. Tây Ninh mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại Giải U23 châu Á. (Ảnh: Hữu Thiện - Thế Nhân)

Thời gian qua, thỉnh thoảng trên Báo, Đài tỉnh- kể cả trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin “là lạ, ngồ ngộ” liên quan đến lĩnh vực du lịch, chẳng hạn như chuyện nhiều người đổ xô lên phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng để “tắm biển nước ngọt” ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; hoặc người kéo nhau đi tham quan hồ “Ba Bể” hay hồ Mây Núi, ghé xem vườn dâu tây ôn đới, chụp ảnh với đàn cừu bên đường vào khu vực Ma Thiên Lãnh, phía Tây chân núi Bà Đen; hay chuyện đi thăm vườn “nho rừng”, thực ra là trái giác núi Bà Đen được đưa về trồng trong một khu vườn gần chân núi phía Đông Nam thuộc xã Phan, huyện Dương Minh Châu…

Tất nhiên, ở những điểm “du lịch tự phát”, thu hút khá đông du khách hiếu kỳ ấy, không thể thiếu những người buôn bán nhỏ phục vụ ẩm thực tại chỗ hay làm những dịch vụ khác. Hiện tượng “là lạ, ngồ ngộ” đó là gì, phải chăng đó là tín hiệu cho thấy bên cạnh những tuyến, điểm du lịch nổi tiếng từ lâu như núi Bà Đen, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục, hồ Dầu Tiếng, Toà thánh Cao Đài… tỉnh Tây Ninh còn có tiềm năng để khai thác du lịch cộng đồng?

Theo khái niệm đưa ra trên tự điển bách khoa điện tử Wikipedia, du lịch cộng đồng là một hình thái du lịch, trong đó chủ yếu là người dân địa phương đứng ra phát triển và quản lý. Lợi ích kinh tế có được từ du lịch sẽ đọng lại nền kinh tế địa phương.

Về phía ngành chức năng nước ta, Tổng cục Du lịch xác định, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích bền vững nhất cho bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, mà còn là điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.        

Đối chiếu với các định nghĩa trên, những hoạt động “du lịch tự phát” gần đây ở tỉnh ta hoàn toàn có khả năng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích không nhỏ cho người dân, đồng thời góp phần phát triển du lịch của tỉnh, một trong các mũi đột phá về kinh tế - xã hội mà tỉnh nhà đang nhắm tới.

Đồng thời tại thành phố Tây Ninh- nơi đang phấn đấu xây dựng “Thành phố vì dân”, “Thành phố thông minh”, cũng đang có những ý tưởng, việc làm mới theo hướng hình thành hoạt động du lịch cộng đồng.

Tìm hiểu về việc này, chúng tôi được Bí thư Thành uỷ TP. Tây Ninh Trần Hữu Hậu cho biết, hiện nay, Thành phố đang tích cực triển khai dự án du lịch cộng đồng với hai việc tiến hành song song. Một là, chuẩn bị thành lập Trung tâm du lịch online do Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện, với sự hướng dẫn trực tiếp của chính Bí thư Thành uỷ. Hai là, tổ chức khảo cứu, biên soạn tài liệu về du lịch địa phương để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Vườn trái giác ở Dương Minh Châu. (Ảnh: Lê Văn Hải)

Trung tâm du lịch online (gọi tắt là Trung tâm) sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình “kinh tế chia sẻ” như các công ty taxi công nghệ Uber, Grab. Theo đó, các công đoạn của một tour du lịch đều vận hành qua mạng internet, từ việc thiết kế chương trình tour, nhận khách, điều hành xe chở khách, hướng dẫn du lịch nghỉ ngơi ở khách sạn hoặc homestay, farmstay (nhà ở, nông trại của dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng), ăn uống tại các nhà hàng, tham quan các điểm du lịch, đến khi trả khách. Yếu tố “cộng đồng hoạt động” và “chia sẻ lợi ích” ở đây thể hiện qua việc Trung tâm huy động cơ sở vật chất phục vụ du lịch, kể cả hướng dẫn viên, từ người dân địa phương.

Như thế, việc đầu tiên Trung tâm phải làm là thu thập thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp trong ứng dụng du lịch cộng đồng, bao gồm: cơ sở dịch vụ vận tải khách, các tư nhân có phương tiện vận chuyển du lịch (kể cả phương tiện cơ giới… hai bánh để chở khách “du lịch bụi” hoặc cho thuê tại các homestay, farmstay); các công chức, viên chức, sinh viên cao đẳng, học sinh trường nghề có thời gian rảnh hoặc nghỉ cuối tuần, những người có kiến thức, khả năng hướng dẫn du lịch; những người dân có nhà ở kiến trúc phù hợp với hoạt động homestay; các nông trại có thể tổ chức lưu trú và hoạt động du lịch farmstay; các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn uống đáp ứng yêu cầu phục vụ ăn, ở cho du khách; các tuyến, điểm du lịch, vui chơi, giải trí…

Sau khi thu thập cơ sở dữ liệu, các đối tượng thành phần trên sẽ được Trung tâm vận động đăng ký tham gia làm dịch vụ du lịch cộng đồng và tổ chức đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ nhận khách từ các tổ chức du lịch lữ hành và thiết kế tour đưa lên mạng qua ứng dụng du lịch cộng đồng của Trung tâm, từ đó, các thành viên hoạt động xe vận chuyển, hướng dẫn viên, khách sạn, homestay, farmstay, khu du lịch sẽ đăng ký tham gia, hoặc được phân bố tour và hoạt động theo sự điều hành của Trung tâm qua mạng internet.  

Để có thể thực hiện theo đúng “bài bản” này, Trung tâm du lịch online của Thành đoàn Tây Ninh khó có thể “độc lập tác chiến”, mà cần phải có sự hỗ trợ tối đa của Thành phố và các nhà chuyên môn. Theo ông Trần Hữu Hậu, hiện Thành phố đã và đang huy động nguồn lực hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế và Khoa Du lịch thuộc Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ quan, đơn vị “hàn lâm” này sẽ hỗ trợ thành phố Tây Ninh trong việc đào tạo hướng dẫn viên, đào tạo nghiệp vụ du lịch (vận chuyển, lưu trú, ẩm thực…) cho những người dân đăng ký tham gia cộng tác với Trung tâm.

Việc tổ chức khảo cứu, biên soạn tài liệu về du lịch địa phương, cũng theo Bí thư Thành uỷ TP. Tây Ninh, sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của Khoa Du lịch - Trường đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, cùng với việc huy động “chất xám” tại địa phương tham gia thực hiện.

Thật ra, đối với tiềm năng du lịch của tỉnh, cũng như các địa chỉ du lịch sẵn có tại địa phương, tuy cũng đã có nhiều tài liệu khảo cứu về địa chí, danh lam thắng cảnh được in thành sách, hoặc giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, nhưng vẫn chưa có một tài liệu nào vừa mang tính tổng hợp, khái quát, vừa có nội dung chuyên sâu mang tính nghiên cứu khoa học được ấn hành.

Do vậy, khi có các đoàn khách đến tham quan, hướng dẫn viên chỉ giới thiệu vắn tắt, chung chung rồi nhờ đến các nhân viên thuyết minh của các khu du lịch, các điểm tham quan, có khi phải nhờ đến các nhà tu hành giúp đỡ khi đưa khách đến các cơ sở thờ tự của tôn giáo. Tình trạng này hẳn khó thoả mãn đối với các du khách muốn tìm hiểu đặc trưng văn hoá, đời sống tinh thần, tín ngưỡng cũng như phong tục tập quán của người dân địa phương. Tình trạng này vốn đã “làm khó” cho các công ty du lịch chuyên nghiệp, nói gì đến hoạt động du lịch cộng đồng do người dân tham gia một cách… không chuyên, nghiệp dư.

Do đó, việc biên soạn một tài liệu có tính chuyên sâu phục vụ du lịch tại Tây Ninh hết sức cần thiết, một điều kiện không thể thiếu để có thể thực hiện “đột phá” về du lịch. Như thế, ý tưởng tổ chức thực hiện công việc này của thành phố Tây Ninh đúng là “gãi đúng chỗ ngứa”, “điểm trúng huyệt” trọng yếu, căn bản của du lịch Tây Ninh. Và tất nhiên, phải nhờ đến các nhà nghiên cứu có đủ năng lực, trình độ chuyên môn cao mới có thể thực hiện theo yêu cầu. 

Múa trống Chhay-dăm trong lễ hội của đạo Cao Đài. (Ảnh: Lê Văn Hải)

Để định hướng và phát triển du lịch cộng đồng tại thành phố Tây Ninh, trước mắt, Thành phố kết hợp với Khoa Du lịch - Trường đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu tổng thể về du lịch Tây Ninh, các giá trị du lịch Tây Ninh để xây dựng tài liệu thuyết minh du lịch, biến các truyền thuyết trong dân gian thành câu chuyện hấp dẫn du khách.

Đồng thời, tập hợp các hộ làm homestay, farmstay để tham khảo, thiết kế sơ bộ, xúc tiến soạn thảo quy trình làm homestay, farmstay gắn với tôn giáo Cao Đài về việc lưu trú tại các gia đình có đạo, cách giao tiếp giữa chủ nhà với du khách, tổ chức các bữa ẩm thực chay phục vụ du khách, tất cả phải có lớp lang, bài bản mới có thể thuyết phục, thu hút du khách. Về tiến độ thực hiện, Thành phố dự định trong quý I.2018 soạn thảo xong tài liệu, quý II triển khai đào tạo cho các nhà xe, người hướng dẫn, chủ homestay, farmstay tham gia (hiện đã có gần 30 hộ đăng ký, chưa kể các doanh nghiệp có khả năng tham gia, chia sẻ lợi ích về du lịch).

Về kinh phí để cung ứng cho cả hai mặt phát triển du lịch cộng đồng, Thành phố sẽ trích từ Quỹ khởi nghiệp do UBND Thành phố quản lý, hiện các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình khởi nghiệp đã đóng góp gây quỹ được 2,4 tỷ đồng. Cùng với sự tham gia của Quỹ khởi nghiệp sáng tạo của Trường đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, khi có đề tài khởi nghiệp, 2 quỹ sẽ đóng góp chung theo tỷ lệ 50/50.

Và khi Trung tâm du lịch online thành phố Tây Ninh bắt đầu hoạt động, Khoa Du lịch - Trường đại học KHXH&NV sẽ liên hệ với các cựu sinh viên, giảng viên của trường, hiện đang hoạt động kinh doanh du lịch ở khắp nơi trong nước, để “ráp nối” với thành phố Tây Ninh, đưa du khách đến với du lịch Tây Ninh, nhất là đến các cơ sở du lịch homestay, farmstay do Khoa Du lịch đào tạo nghiệp vụ.

Qua lời ông Trần Hữu Hậu, có thể thấy, thành phố Tây Ninh đang đi một cách “bài bản” trên đường phát triển du lịch cộng đồng. Hy vọng “bài bản” đó sẽ sớm thành hiện thực để chung sức với tỉnh tạo ra bước đột phá để phát triển ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh nhà.

NGUYỄN TẤN HÙNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh