BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành phố Tây Ninh: Ngầm hoá đường Cách Mạng Tháng Tám- điểm nhấn của tương lai 

Cập nhật ngày: 31/05/2021 - 00:02

BTN - Sau khi cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua theo quy định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh sẽ tiến hành các bước để hoàn thiện thủ tục, cũng như các bước tiếp theo để có thể triển khai dự án trong thời gian sớm nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ðường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn qua Toà Thánh Cao Ðài Tây Ninh. Ảnh: Huỳnh Ðông

Tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) được xem là một trong những “huyết mạch” của thành phố Tây Ninh, có nhiều hoạt động dịch vụ kinh doanh nhất tỉnh. Thế nhưng do được đầu tư đã lâu, theo thời gian, tuyến đường này, đặc biệt là đoạn từ ngã ba Lý Dậu đến giao lộ đường Ðiện Biên Phủ, không phù hợp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của đô thị.

Anh Lê Nguyễn Như Khoa- ngụ khu phố 2, phường IV, thành phố Tây Ninh, có cửa hàng kinh doanh dược phẩm trên đường CMT8 chia sẻ, khi mới đưa vào sử dụng, đây là một trong những tuyến đường đẹp của tỉnh, kết nối thành phố Tây Ninh với thị xã Hoà Thành, huyện Dương Minh Châu, đặc biệt là Toà thánh Cao Ðài Tây Ninh- một địa điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách đến ghé thăm.

Thế nhưng do không theo kịp sự phát triển của đô thị nên thời gian qua, tuyến đường đã nảy sinh nhiều bất cập như: ngập nước cục bộ vào mùa mưa; vỉa hè hai bên đường- do “mạnh ai nấy làm” nên giống như “da beo”, chỗ lát xi măng, chỗ lát gạch, không đồng bộ và nhếch nhác. Do đó, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường này là điều rất cần thiết, góp phần chỉnh trang đô thị, thúc đẩy “tuyến đường thương mại - dịch vụ” của thành phố Tây Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo anh Lê Minh Tú, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, việc tuyến đường này thường xuyên ngập cục bộ vào mùa mưa là vấn đề gây bức xúc, không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của người dân hai bên đường. Rồi tình trạng dây điện, cáp viễn thông kéo tràn lan qua đường ảnh hưởng đến mỹ quan.

Anh Tú cho rằng, nếu đầu tư nâng cấp đồng bộ, trong đó có việc ngầm hoá hệ thống dây điện, cáp viễn thông, sẽ làm thay đổi bộ mặt của một trong những tuyến đường huyết mạch tại thành phố Tây Ninh, góp phần thúc đẩy sự phát triển về thương mại - dịch vụ của tuyến đường này trong tương lai, đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh, cơ quan này đang lập đề xuất đầu tư dự án ngầm hoá đường CMT8 (đoạn từ cầu Quan đến giao lộ đường Ðiện Biên Phủ) để trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Ðây là trục đường chính khu đô thị có rất nhiều điểm giao cắt với các đường trục chính khu vực, đường nội bộ và các hẻm nội thị của các khu dân cư. Toàn tuyến đường có 66 điểm giao cắt với mật độ trung bình là 76m/điểm giao cắt.

Hiện trạng tuyến đã được thực hiện theo mặt cắt và lộ giới quy hoạch 27m, tuy nhiên, còn có một số bộ phận hạ tầng chưa đồng bộ như vỉa hè, cây xanh, lưới điện và cáp thông tin liên lạc treo trên các trụ chằng chịt như “mạng nhện”... làm mất mỹ quan đô thị nên cần phải được chỉnh trang. Dự kiến, dự án ngầm hoá đường CMT8 có chiều dài 4,6km.

Bên cạnh đó, thành phố Tây Ninh là khu vực kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh, cần thiết có một chiến lược phát triển đô thị bền vững. Theo định hướng quy hoạch đến năm 2030, TP. Tây Ninh là đô thị loại II. Thời gian qua, công tác phát triển đô thị tại thành phố Tây Ninh được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng công trình ngầm còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đô thị. Các công trình đường dây, đường ống trong đô thị thường được bố trí riêng rẽ, đầu tư không đồng bộ, các đường dây điện, thông tin liên lạc gây nguy hiểm cho người đi đường.

Khi đường dây, đường ống hư hỏng cần sửa chữa hay cải tạo đều phải đào lên lấp xuống gây thiệt hại về mặt kinh tế, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Không những thế, công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến những thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài nguyên điện, nước, thông tin liên lạc… gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Do đó, việc đầu tư chỉnh trang và ngầm hoá đường CMT8 phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển và là một bước quan trọng trong tiến trình hiện đại hoá, nhằm đảm bảo mỹ quan không gian đô thị, là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thành phố và toàn tỉnh. Vì vậy có thể nói rằng, việc đầu tư Dự án ngầm hoá đường CMT8 từ cầu Quan đến đường Ðiện Biên Phủ là hết sức cần thiết đối với tốc độ phát triển đô thị, kinh tế -xã hội của tỉnh trong tương lai.

Theo ông Ðặng Xuân Trường- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh, hiện nay, đơn vị chỉ mới lập chủ trương trình dự án đầu tư dự án ngầm hoá đường CMT8. Sau khi cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua theo quy định, Ban Quản lý dự án sẽ tiến hành các bước để hoàn thiện thủ tục, cũng như các bước tiếp theo để có thể triển khai dự án trong thời gian sớm nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thế Nhân

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, cuộc họp giữa các sở, ngành liên quan vào ngày 5.3.2021 do Sở Xây dựng chủ trì đã thống nhất dừng triển khai tuyến ống D1200 trên đường CMT8 thuộc dự án thoát nước khu vực thành phố Tây Ninh - Hoà Thành; đề xuất UBND tỉnh giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dự án ngầm hoá đường CMT8 từ nút giao ngã tư Bách Hoá đến đường Ðiện Biên Phủ; bổ sung hệ thống thoát nước đường CMT8 từ giao lộ đường Hoàng Lê Kha đến giao lộ đường Lạc Long Quân và bổ sung phần ngầm hoá đoạn đường CMT8 từ ngã tư Bách Hoá đến cầu Quan.

Sau khi nghe Sở Giao thông Vận tải trình bày nội dung Tờ trình về việc kết hợp triển khai thi công cống thoát nước trên đường CMT8 (thuộc dự án hệ thống thoát nước khu vực thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành) và dự án ngầm hoá đường CMT8 từ nút ngã tư Bách Hoá đến đường Ðiện Biên Phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng kết luận (Thông báo kết luận 963 ngày 9.3.2021), về cơ bản thống nhất nội dung đề xuất của Sở GTVT.

Tuy nhiên, để bảo đảm việc triển khai thực hiện giữa 2 dự án theo đúng quy định về nguồn vốn, kỹ thuật thi công, chủ đầu tư... giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh 3 nội dung đề xuất của Sở GTVT; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, nghiên cứu đoạn đường từ nút giao thông ngã tư Bách Hoá đến đầu cầu Quan bổ sung vào dự án hệ thống thoát nước khu vực thành phố Tây Ninh và dự án ngầm hoá đường CMT8 từ nút giao thông ngã tư Bách Hoá đến đường Ðiện Biên Phủ.