Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đến năm 2025:
Thành phố Tây Ninh phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với nét đặc thù
Thứ năm: 09:30 ngày 30/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thành phố Tây Ninh được thiên nhiên ưu đãi với các di tích, danh lam thắng cảnh vô cùng quý giá, có các điểm đến du lịch và có giá trị ở khu vực Đông Nam bộ đang được khai thác. Mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Đây là lợi thế của tỉnh Tây Ninh nói chung và của Thành phố nói riêng trong phát triển du lịch.

Một góc trung tâm thành phố Tây Ninh. Ảnh Hồng Thắm

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành du lịch Thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa phát triển được các sản phẩm du lịch chất lượng để thu hút du khách lưu trú dài ngày. Hàng năm, chỉ tập trung cao điểm khách du lịch vào các dịp lễ hội: Hội xuân Núi Bà, Hội yến Diêu Trì Cung, Lễ Vía Bà, Lễ Hội Quan lớn Trà Vong,… Các thời điểm còn lại trong năm lượng khách đến không nhiều.

Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có nội dung tập trung xây dựng và triển khai các nhiệm vụ đột phá về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, hấp dẫn với những nét riêng, Kế hoạch về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng mang tính đặc thù của Thành phố đến năm 2025 do UBND thành phố Tây Ninh ban hành xác định rõ, phát triển du lịch để góp phần lan tỏa sự phát triển của các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, điện nước, thông tin liên lạc,… nhất là phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Thành phố phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thành phố, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giá trị thương mại-dịch vụ tăng bình quân mỗi năm 11,5%. Thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm và tiếp tục tăng trưởng lên mốc 8 triệu lượt vào năm 2035. Tăng tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch vào ngân sách Thành phố; góp phần tăng thu ngân sách hàng năm từ 19-20%.

Tăng số doanh nghiệp thương mại dịch vụ bình quân hàng năm trên 80 doanh nghiệp; giải quyết việc làm cho trên 750 lao động; góp phần thực hiện chỉ tiêu số lao động có việc làm tăng thêm hàng năm 2.700 lao động.

Phát huy lợi thế và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch tâm linh, ẩm thực, sinh thái, khám phá, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng... Bên cạnh đó, khai thác và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tạo sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hóa địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Trong giai đoạn tới mỗi phường, xã đề xuất phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tạo gắn kết với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người dân, cải thiện thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch, phát triển du lịch một cách bền vững.

Quá trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Ở giai đoạn 2021-2022, Thành phố sẽ hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Thành phố Tây Ninh, gắn với điều kiện phát triển du lịch của Thành phố Tây Ninh; khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch để phát triển số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ tham quan và một số hộ gia đình làm homestay; ít nhất 1 phường/xã triển khai mô hình homestay; xây dựng, nâng cấp các Chợ trên địa bàn Thành phố theo chuẩn chợ văn minh đô thị, kết hợp bán đặc sản, quà lưu niệm của Tây Ninh để phục vụ khách du lịch; Xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng các lợi thế của Thành phố Tây Ninh: ẩm thực, hệ thống cơ sở lưu trú đạt chuẩn, hạng sao; điểm đến du lịch hấp dẫn, về nguồn.

Giai đoạn 2023-2025, Thành phố sẽ vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch hình thành khu ẩm thực, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch...100% các di tích trên địa bàn theo phân cấp quản lý được đầu tư xây dựng kể cả vận động xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn Thành phố vừa góp phần giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của các di tích, vừa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Trong đó, tập trung hoàn thành quy hoạch mở rộng di tích Khu căn cứ Biệt động Thị xã thành điểm đến du lịch về nguồn kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm.

Cũng trong giai đoạn này, Thành phố đưa ra hướng phát triển sản phẩm du lịch thể thao, duy trì tổ chức ít nhất 1 lần/năm giải thi đấu thể thao tạo điều kiện để du khách, các vận động viên tham gia, tham quan, trải nghiệm, khám phá văn hóa, con người, sản phẩm du lịch của tỉnh Tây Ninh, Thành phố Tây Ninh nhằm quảng bá du lịch.

Để thực hiện được phát triển du lịch, Thành phố sẽ từng bước xây dựng theo mô hình thành phố sinh thái-kinh tế, phân khu chức năng hợp lý. Tập trung công tác quản lý kiến trúc đô thị, bảo đảm các tiêu chuẩn đô thị hiện đại về tỷ lệ đất giao thông, bãi đậu xe, đất ở, mật độ cây xanh, … nhất là ở khu vực trung tâm, các trục đường chính đô thị như đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Bời Lời, Trần Phú.

Xây dựng thành phố Tây Ninh là đô thị xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn, được công nhận đô thị loại II trước năm 2025 và định hướng phấn đấu phát triển đạt 75% tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030.

Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; tăng cường kết nối giao thông tới các điểm đến du lịch; khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công-tư theo quy định, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân; Tập trung đầu tư phát triển, hình thành, quảng bá và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm xây dựng thành công các sản phẩm du lịch của thành phố Tây Ninh.

Hồng Thu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục