Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh và Thành phố quan tâm đầu tư, vận dụng mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị theo các tiêu chuẩn đô thị loại II. Qua rà soát đánh giá, Thành phố hội đủ các yếu tố, tiêu chuẩn để đề nghị công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Trung tâm thành phố Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông
Kỳ họp thứ 20 HÐND tỉnh, khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua, có 4 nghị quyết đã được HÐND tỉnh thông qua.
Tại kỳ họp này, UBND tỉnh trình HÐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua Ðề án phân loại đô thị và đề nghị công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Tây Ninh. Thành phố Tây Ninh là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế của tỉnh; trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế của vùng biên giới Việt Nam - Campuchia và cũng là đô thị cấp vùng của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung các dịch vụ đô thị, du lịch, đào tạo, thương mại... hỗ trợ trực tiếp cho TP. Hồ Chí Minh.
TP. Tây Ninh có diện tích 139.92km2, có 7 phường (phường 1, 2, 3, IV, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh), 3 xã (Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân), với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng mang tầm quốc gia, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phục vụ tốt cho du lịch, thương mại, dịch vụ.
TP. Tây Ninh có sức hút và tác động lớn đối với khu vực vùng TP. Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các nước ASEAN. Năm 2012, TP. Tây Ninh được công nhận đô thị loại III và công nhận là thành phố vào năm 2013.
Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh và Thành phố quan tâm đầu tư, vận dụng mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị theo các tiêu chuẩn đô thị loại II. Qua rà soát đánh giá, Thành phố hội đủ các yếu tố, tiêu chuẩn để đề nghị công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng giải thích việc Dự án thu gom và xử lý nước thải TP. Tây Ninh chậm triển khai.
Báo cáo thẩm tra của Ban pháp chế HÐND tỉnh về nội dung này cho thấy, đánh giá hiện trạng theo tiêu chí đô thị loại II, thành phố Tây Ninh chỉ còn 1/59 tiêu chí chưa đạt. Ðó là nước thải đô thị chưa được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu chất vấn ngành chức năng vì sao hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Thành phố chậm tiến độ? Vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải? Ông Trần Tương Quốc- Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại thời gian đầu tư Dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo là đấu thầu và thi công xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, nhà máy xử lý nước thải của thành phố Tây Ninh được xây dựng tại khu vực ngã ba Giếng Mạch, hiện đã giải phóng mặt bằng xong.
UBND tỉnh còn trình HÐND tỉnh xem xét dự thảo Nghị quyết đặt tên cầu Bến Cây Ổi (huyện Châu Thành) và cầu An Phước (thị xã Trảng Bàng). Công trình cầu Bến Cây Ổi được khởi công xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành năm 2021, có chiều dài 238,4m, bắc ngang thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông, nối liền 2 xã Phước Vinh và Hoà Thạnh.
Sau khi đưa vào sử dụng, công trình góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông của tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Tháng 7.2020, cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, một số người dân ý kiến nên đặt tên cầu này là cầu Cây Ổi, bỏ đi từ “Bến”, vì hiện nay không còn bến phà nữa.
Nhiều đại biểu cho rằng, Bến Cây Ổi đã trở thành địa danh quen thuộc, nếu đổi lại tên là cầu Cây Ổi, sẽ gây xáo trộn về địa danh. Trên thực tế, ở tỉnh ta có nhiều cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Ðông có tên là Bến và đều được giữ nguyên tên, như cầu Bến Ðình (nối liền huyện Bến Cầu với huyện Gò Dầu), cầu Bến Sỏi (huyện Châu Thành).
Thi công cầu An Hoà (thị xã Trảng Bàng).
Trên sông Vàm Cỏ Ðông hiện có công trình cầu bê tông khác bắc ngang sông, nối liền phường An Hoà và xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng), dài 445,5m, khởi công xây dựng từ năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2022.
Khi đưa vào sử dụng, cây cầu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân khu vực các xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng và huyện Ðức Huệ (tỉnh Long An).
Hầu hết người dân địa phương đều gọi là cầu An Hoà. Ðể có tên chính thức cho cây cầu, UBND tỉnh trình HÐND tỉnh xem xét dự thảo Nghị quyết đặt tên là cầu An Phước. Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh về dự thảo Nghị quyết về đặt tên cầu nêu rõ: “An Phước là tên lấy từ địa danh của 2 địa phương là phường An Hoà và xã Phước Chỉ thuộc thị xã Trảng Bàng. Việc đặt tên cầu là cầu An Phước đảm bảo theo quy định tại của Chính phủ và phù hợp với thực tế ở địa phương”.
Sau khi thảo luận, các đại biểu thống nhất với dự thảo Nghị quyết là đặt tên cầu Bến Cây Ổi và cầu An Phước.
Ngoài ra, đại biểu còn góp ý về kỹ thuật trình bày các tờ trình, thảo luận nội dung khác như về mức chi cho công tác bầu cử; quyền lợi, nghĩa vụ của người dân TP. Tây Ninh khi Thành phố đạt đô thị loại II…
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, HÐND tỉnh thống nhất, ban hành 4 nghị quyết, nhằm kịp thời cụ thể hoá các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh.
Ðại Dương