Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thành phố Tây Ninh: Thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới
Chủ nhật: 23:46 ngày 10/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại thành phố Tây Ninh đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho nhân dân.

Một góc thành phố Tây Ninh. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

3/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2020, xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Theo UBND xã Thạnh Tân, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân chăm lo phát triển nông nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tiếp cận những chính sách phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua, nông dân trên địa bàn xã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu, đồng thời thay đổi quy trình sản xuất, cho ra thị trường sản phẩm đạt chuẩn VietGAP.

Hiện trên địa bàn xã có 1 hợp tác xã (HTX) mãng cầu Thạnh Tân sản xuất 25 ha mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP; 1 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân sản xuất mãng cầu với diện tích 30 ha.

Cùng với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, xã Thạnh Tân vận động người dân tham gia hiến đất, ngày công lao động, tiền, chung sức xây dựng cơ sở vật chất điện - đường - trường - trạm.

Năm 2021, xã Thạnh Tân vận động người dân đầu tư nâng cấp tuyến đường nội đồng; tuyến đường hạ thế; nâng cấp và sữa chữa 20 bóng đèn trên các tuyến đường… Có được kết quả trên là nhờ những nỗ lực vượt khó, cùng sự quyết tâm chung sức, đồng lòng của cấp uỷ, chính quyền và người dân địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, góp phần đưa diện mạo nông thôn xã Thạnh Tân ngày càng khởi sắc.

Theo UBND xã Thạnh Tân, để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng xã NTM nâng cao, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện các phần việc. Đồng thời, kịp thời biểu dương, nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả để tạo sức lan toả trong cộng đồng.

Đối với xã Tân Bình, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo UBND xã Tân Bình, xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu góp phần thực hiện thành công các tiêu chí, thời gian qua, xã tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; vận động người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh, thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn xã.

Xã đã làm tốt công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 1.150m với tổng số tiền hơn 830 triệu đồng. Bên cạnh việc vận động người dân đăng ký sử dụng nước sạch tại trạm cấp nước tập trung, UBND xã đã chỉ đạo trưởng ấp trên địa bàn tăng cường công tác vận động người dân tự trang bị máy lọc nước hộ gia đình và vận động người dân đăng ký nhu cầu hỗ trợ máy lọc nước.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng quyết tâm xây dựng xã Tân Bình đạt chuẩn NTM, giờ đây, diện mạo nông thôn trên địa bàn xã đã có nhiều đổi thay, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí

Năm 2011, thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) có 5 phường, 5 xã bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, có 5/5 xã (gồm xã: Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân) được phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và triển khai thực hiện chương trình. Đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/NQ-CP ngày 29.12.2013 về việc thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh.

Từ năm 2014, thị xã Tây Ninh trở thành thành phố Tây Ninh, đánh dấu bước phát triển mới của Thành phố, nâng số phường từ 5 phường lên 7 phường; còn lại 3/3 xã tiếp tục thực hiện chương trình, mức độ đạt bộ tiêu chí trung bình là 3,33 tiêu chí/xã.

Xã Bình Minh (xã điểm) đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014- là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đến tháng 12.2020, có 3/3 xã (100%) được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: xã Thạnh Tân năm 2019, xã Tân Bình năm 2020.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, thành phố Tây Ninh luôn quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển với nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, qua đó, tạo việc làm, thu hút nhiều lao động địa phương tham gia; góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, đây là nguồn lực quan trọng để Thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển.

Năm 2020, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng theo hướng gia tăng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) tăng bình quân hằng năm 5,83%.

Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đạt 862,41 tỷ đồng, tăng 1,33%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 8.833 tỷ đồng tăng 5,1%; giá trị sản xuất thương mại - khách sạn - nhà hàng khoảng 2.776 tỷ đồng tăng 10,3%.

Theo đánh giá của UBND thành phố Tây Ninh, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn Thành phố từ năm 2011 đến nay đạt được những kết quả khá tốt, số tiêu chí bình quân/xã tăng đều hằng năm. Chương trình đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, so năm 2011 (3,33 tiêu chí/xã) tăng trên 15 tiêu chí/xã.

Xác định xây dựng NTM là do nhân dân làm chủ thể, do đó, công tác tuyên truyền chương trình được quan tâm triển khai thực hiện sâu rộng trong nhân dân, gắn tuyên truyền mục tiêu xây dựng NTM với thông báo công khai các đồ án quy hoạch, đề án, dự án xây dựng các công trình phúc lợi xã hội để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương quan tâm đầu tư các công trình giao thông trọng yếu, các dự án phát triển sản xuất đúng tiến độ, giải ngân kịp thời, nợ xây dựng cơ bản thuộc chương trình được kịp thời giải quyết dứt điểm, không để phát sinh nợ đọng kéo dài.

Cảnh quan nông thôn khang trang, các hoạt động bảo vệ môi trường nhận được sự thống nhất cao trong cộng đồng dân cư; vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được nâng cấp được đầu tư đạt chuẩn; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn, 99,2% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 70,2% hộ được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn 02-2009/BYT... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2020 đạt 59,83 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp. Từ đó, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đi vào nền nếp và được thực hiện khá chặt chẽ, phát huy được sức mạnh cộng đồng, quan trọng nhất là đã thay đổi được nhận thức của người dân trong tham gia thực hiện chương trình.

Đối với việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, thành phố Tây Ninh quán triệt quan điểm về việc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không hình thức, không chạy theo thành tích, tạo được sự công bằng giữa nông thôn và thành thị; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã công nhận; tập trung sức mạnh tinh thần, vật chất để giải quyết khó khăn, bảo đảm thực sự đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, văn hoá phù hợp với địa phương.

Mục tiêu cụ thể: 3/3 xã nông thôn mới được duy trì, nâng cao chất lượng theo tiêu chí NTM nâng cao. Phấn đấu năm 2022, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Bình Minh), năm 2023 xã Thạnh Tân, năm 2024 xã Tân Bình; năm 2025 có 2/3 xã (xã Bình Minh, xã Thạnh Tân) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển mở rộng các nghề phục vụ du lịch và tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Mặt khác, vận động, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xây dựng mô hình liên kết giữa chính quyền địa phương với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người nông dân, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 1,8 lần so với năm 2020; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỷ lệ hộ sử dụng nước đạt chuẩn quốc gia (QCVN 02/2009/BYT) trên 75%.

Trúc Ly-Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục