BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành phố Tây Ninh: Tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác ở nhiều phường, xã còn thấp 

Cập nhật ngày: 23/09/2022 - 17:11

BTNO - Thời gian qua cấp uỷ, chính quyền các phường, xã trên địa bàn thành phố Tây Ninh đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số phường, xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Rác thải sinh hoạt được thu gom tập kết trên đường Trần Văn Trà, xã Bình Minh.

Điển hình như tại phường 1, đã vận động được hơn 2.800 hộ dân đăng ký thu gom rác thải đạt gần 69%. Tại các xã nông thôn mới như: xã Bình Minh đạt hơn 45%; xã Tân Bình đạt hơn 34% và xã Thạnh Tân đạt gần 20%.

So với chỉ tiêu Nghị quyết Thành phố đề ra (85%) đạt rất thấp. Tuy nhiên, có địa phương triển khai thực hiện rất tốt và vượt chỉ tiêu đề ra như phường Ninh Thạnh đã vận động được gần 3.300 hộ đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt, đạt gần 90%.

Theo Ông Ngô Thành Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thu gom rác trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, đạt tỷ lệ thấp là do địa phương có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, người dân sống không tập trung và đa phần người dân tự xử lý rác theo kiểu truyền thống bằng cách đốt hoặc chôn trên đất nhà.

Qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp đối với các địa phương trên địa bàn thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, phản ánh của cử tri về vấn đề môi trường, trong đó công tác vận động người dân đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt và công tác thu gom rác chưa nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của người dân.

Trước thực trạng trên, Thường trực HĐND thành phố thành lập các đoàn khảo sát, giám sát thực tế tại các địa phương để xác định nguyên nhân, hạn chế, khó khăn, từ đó đưa ra các giải pháp, cách làm phù hợp cho từng phường, xã.

Theo các địa phương, nguyên nhân trong công tác vận động người dân đăng ký thu gom rác còn gặp nhiều khó khăn là do một bộ phận người dân có thói quen tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt hoặc chôn lấp do diện tích đất nhà rộng và do mật độ dân cư sinh sống không tập trung, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động, cũng như thực hiện thu gom rác cho người dân.

Ông Hồ Hoàng Tuấn- ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân cho biết: “Gia đình ông hiện không có đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt, vì hằng ngày gia đình thu gom, phân loại rác mang ra chỗ đất trống phía sau nhà để đốt, các loại rác không cháy thành tro được như bọc nilon, vật bằng nhựa… ông gom lại đem chôn. Sau khi đốt xong ông lấy tro bón cho vườn mãng cầu phía sau nhà”.

Do tần suất thu gom rác của đơn vị thu gom rác vẫn chưa đạt yêu cầu và các hộ không đăng ký thu gom rác hay mang rác bỏ tại nhà các hộ đã đăng ký, gây tâm lý bất mãn cho người dân.

“Trước đây gia đình tôi có đăng ký thu gom rác, nhưng được một thời gian thì bà con hàng xóm không đăng ký thu gom rác lại mang rác bỏ trước cửa nhà tôi, trong khi đợi bên thu gom đến thì rác đã quá nhiều, gây hôi thối và mất mỹ quan. Nên gia đình tôi không có đăng ký thu gom rác nữa. Thời gian tới gia đình tôi tiếp tục gom rác sinh hoạt để đốt vì đất gia đình tôi rất rộng”- ông Trần Minh, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân chia sẻ.

Rác thải sinh hoạt được thu gom tập kết tại ngã 4 đường E và đường Nguyễn Văn Bạch Phường 3.

Ngoài ra, tình trạng người dân mang rác thải sinh hoạt bỏ ở những nơi ít người qua lại và bỏ tại các cống, mương… gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường vẫn còn thường xuyên xảy ra; một số đường hẻm giao thông diện tích còn nhỏ hẹp, xuống cấp gây hạn chế cho việc thu gom, vận chuyển rác.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc- Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết thêm: “Địa bàn phường 1 bán thôn bán thị, có rất nhiều tuyến đường, hẻm giao thông, trong đó có một số tuyến đường còn thưa dân cư, ít người qua lại gây khó khăn cho đơn vị thu gom rác thải của hộ dân. Từ đó xuất hiện một số bãi rác tự phát do người dân tự bỏ rác tại các nơi vắng vẻ".

Theo tiêu chí về môi trường đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải có tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác thải đạt từ 98% trở lên. Theo tiêu chí phường đạt chuẩn đô thị văn minh tỷ lệ người dân đăng ký thu gom rác phải đạt 100%.

Để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh sự giám sát của HĐND Thành phố, các cấp, các ngành Thành phố sẽ thường xuyên phối hợp cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thu gom rác bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; rà soát lại số hộ dân đã đăng ký dịch vụ thu gom rác để đơn vị thu gom thực hiện không bỏ sót; thống nhất mức giá, biên lai thu phí đối với hộ kinh doanh, hộ gia đình cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định; có biện pháp đối với các hộ chưa đăng ký, chưa phân loại rác thải tại nguồn; đưa công tác vận động, đăng ký thu gom rác vào các tiêu chí thi đua của địa phương và của các hộ gia đình; tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình thu gom rác thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương; vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, hộ gia đình thu gom, sử dụng lại các phụ phẩm nông nghiệp để ủ làm phân bón, thức ăn gia súc… góp phần hạn chế các thói quen xử lý rác thải sinh hoạt, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường.

Đối với đơn vị thu gom rác, phải bảo đảm thực hiện lịch trình thu gom rác đúng, đủ và mở rộng địa bàn thu gom; chọn vị trí tập kết rác hợp lý, thực hiện thu gom, xử lý các loại rác thải rắn không nguy hại như nệm, bàn ghế sofa… để bảo đảm mỹ quan và môi trường.

Bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự chung tay góp sức của người dân trong công tác bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và nông thôn, xây dựng môi trường Thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Hà Nam