Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Thành “phú nông” nhờ nghề trồng nấm
Thứ hai: 03:11 ngày 05/03/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa có tay nghề thực tiễn, lại vừa có kiến thức về trồng nấm, thầy giáo Lê Thanh Sơn đã được Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Biên mời hợp tác để tham gia đào tạo nghề cho bà con nông dân xã Trà Vong theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Giải thích lý do chọn nghề trồng nấm, anh Lê Thanh Sơn cho hay, lúc còn đi dạy học ở một trường tiểu học thuộc xã Trà Vong, huyện Tân Biên, anh nhận thấy bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa thường đem rơm ra đốt. Ruộng có tro của rơm thì cũng tốt, nhưng nếu rơm chỉ được dùng để đốt thì quá lãng phí. Với vốn kiến thức về sinh học, thầy giáo Sơn đã nung nấu ý định sẽ trồng nấm từ rơm.

Loài nấm bào ngư trắng do anh Sơn trồng

Trước khi bắt tay vào làm, anh đã đăng ký theo học một lớp kỹ thuật trồng nấm rơm. Tổng chi phí cho đợt trồng nấm lần thứ nhất tốn hết 15 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí, anh Sơn chẳng còn lãi bao nhiêu. “Nguyên nhân chính là do mình còn thiếu kinh nghiệm sản xuất” – anh Sơn cho biết. Không chịu thua, anh tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm trồng nấm ở nhiều nơi, kể cả ra ngoài tỉnh. Vụ nấm thứ hai và những vụ sau đó, năng suất, chất lượng nấm rơm do anh trồng được cải thiện rõ rệt. Theo anh Sơn, do thời gian sinh trưởng của nấm rơm rất ngắn nên người trồng nấm phải cân nhắc thời gian thu hoạch sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường, thì lượng nấm tiêu thụ sẽ tăng và giá cả cũng cao. “Tôi trồng nấm rơm đến nay đã 3, 4 năm nhưng chưa khi nào bị ế”. Hiệu quả kinh tế từ nghề trồng nấm rơm khá cao, số tiền thu được thường gấp đôi so với chi phí đầu tư”, anh Sơn bật mí.

Sau khi thành công với nghề trồng nấm rơm, anh Sơn đã sang tỉnh Bình Dương mua mùn (bột) cưa về để làm nấm bào ngư (gọi là bào ngư trắng). Nhờ nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn về trồng nấm bào ngư nên anh Sơn chỉ mua mùn cưa từ gỗ cây cao su, đây là loại mùn tốt nhất để làm nấm. Vụ nấm bào ngư đầu tiên, năng suất khá cao nhưng lại rớt giá, anh Sơn chẳng còn lãi được bao nhiêu, thậm chí suýt lỗ vốn. Không chịu thua, anh Sơn quyết định tiếp tục trồng vụ thứ hai với yêu cầu đặt ra: giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất. Để tăng năng suất, anh Sơn đã cho trộn một tỷ lệ nhất định giữa bột bắp và cám gạo (cám sạch) vào mùn cưa nhằm tăng độ đạm cho cây nấm. Kết hợp với một số giải pháp kỹ thuật khác, vụ nấm thứ 2 này đã mang lại cho anh lợi nhuận 15 triệu đồng sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc. Anh Sơn kể: “Trước khi làm nấm bào ngư, tui đã đọc bài báo Trồng nấm bào ngư… để ngất ngư” đăng trên Báo Tây Ninh. Đọc bài báo ấy xong, tôi vẫn không thay đổi ý định trồng nấm bào ngư, vì tôi đã biết nguyên nhân tại sao nấm bào ngư mà bài báo đề cập nói đến không phát triển”.

Từ thành công việc trồng nấm bào ngư trắng, khiến anh Sơn mạnh dạn đầu tư thử nghiệm trồng nấm bào ngư Nhật Bản (còn gọi là bào ngư xám). Anh Sơn đã đến Đồng Nai để mua  giống nấm bào ngư này. Theo anh Sơn thì chi phí sản xuất nấm bào ngư Nhật Bản tương đương với bào ngư trắng nhưng yêu cầu kỹ thuật cao hơn và công chăm sóc rất công phu. Ưu điểm của nấm bào ngư xám là năng suất cao hơn nấm bào ngư trắng và cả nấm rơm. Ở thời điểm hiện nay, giá nấm bào ngư xám vào khoảng 35.000 đồng/kg, cao hơn nấm bào ngư trắng. Tính các khoản thu nhập từ việc bán nấm, bán phôi giống cho bà con nông dân, mỗi tháng anh Sơn có lãi hơn chục triệu đồng. Riêng hai tháng cuối năm 2011, anh Sơn đã thu về từ nghề trồng nấm hơn 100 triệu đồng.

Vừa có tay nghề thực tiễn, lại vừa có kiến thức về trồng nấm, thầy giáo Lê Thanh Sơn đã được Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Biên mời hợp tác để tham gia đào tạo nghề cho bà con nông dân xã Trà Vong theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956). Một lớp học trồng nấm với 35 học viên được tổ chức ngay tại… vườn nhà anh Sơn. Ngoài những tiết học lý thuyết theo quy định, những học viên này còn được anh Sơn tận tình hướng dẫn về kỹ thuật trồng nấm. Và anh Sơn không hề che giấu bí quyết trồng nấm cho riêng mình. Anh đã trao đổi rất chân tình với bà con nông dân về những kinh nghiệm mà bản thân tích luỹ được. Các học viên đã được “mắt thấy tai nghe” về kỹ thuật trồng nấm cũng như năng suất trồng các loại nấm mà không hề phải hoài nghi về những lời lý thuyết do anh Sơn giảng dạy. Tham gia lớp học này, nhiều học viên đã hiểu ra phần nào nguyên nhân vì sao có nhiều người trồng nấm nhưng ít người thành công.

Không chỉ tham gia giảng dạy, truyền nghề, anh Sơn còn nhận cung cấp 17.500 bịch nấm bào ngư trắng cho bà con nông dân xã Tân Lập, tổng giá trị hơn 70 triệu đồng, theo hợp đồng với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Biên. Tiếng lành đồn xa, mới đây, một số người dân ở xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên cũng tìm đến tận nhà anh Sơn để học kỹ thuật trồng nấm.

Ông Phạm Công Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Vong cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao tay nghề cũng như tấm lòng của anh Sơn đối với bà con nông dân. Anh Sơn đã hai lần được khen thưởng danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Chính nhờ có anh Sơn mà xã Trà Vong đã thành lập được câu lạc bộ trồng nấm do chính anh làm chủ nhiệm”.

Việt Đông

 

 

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục