Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Thanh thiếu nhi Trảng Bàng và lời nhắn "Viết tiếp câu chuyện hoà bình"
Thứ năm: 09:01 ngày 01/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chương trình là dịp để giáo dục, tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Tây Ninh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với mong muốn tạo nên không gian “lịch sử” để các bạn thanh thiếu nhi dễ dàng chạm tới, vừa qua, Đoàn phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng) đã tổ chức chương trình Toạ đàm "Viết tiếp câu chuyện hoà bình đầy ý nghĩa".

Chương trình là dịp để giáo dục, tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm Ngày giải phóng Tây Ninh.

Khơi gợi niềm tự hào dân tộc

Chương trình có những vị khách mời đặc biệt là những nhân chứng lịch sử từng gắn bó, bám trụ với trận địa trên địa bàn huyện Trảng Bàng năm xưa, trong đó có những câu chuyện về các chiến sĩ biệt động tham gia trận chiến lịch sử giải phóng Trảng Bàng, giải phóng tỉnh Tây Ninh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4.1975.

Các đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Nhớ lại những ngày bom rơi, lửa đạn năm xưa, bà Võ Thị Phong (bí danh Võ Thị Xa, sinh năm 1953)- nguyên Bí thư liên Chi đoàn 9 tháng Giêng Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng, nguyên Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh không khỏi xúc động vì sự khốc liệt của chiến tranh cùng sự hy sinh của biết bao đồng đội.

Bà Phong và bà Võ Thị Lý (bí danh Võ Thị Xấu, sinh năm 1948) là hai chị em ruột, quê ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, cùng tham gia cách mạng từ những năm 1968. Lớn lên từ phong trào thanh niên, học sinh của huyện Trảng Bàng, bà Lý và bà Phong vận động học sinh tại trường Thanh Khiết (Trảng Bàng) thành lập Chi đoàn thanh niên học sinh mang tên "9 tháng Giêng" (9/1), liên chi đoàn thuộc Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng do bà Phong làm Bí thư và hoạt động cách mạng. Liên chi đoàn đã góp phần xây dựng cơ sở, gầy dựng lực lượng cách mạng tại địa phương.

Bà Võ Thị Phong– nguyên Bí thư liên Chi đoàn 9/1 Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng xúc động kể lại trận đánh lịch sử giải phóng Trảng Bàng.

Liên chi đoàn có nhiệm vụ may cờ, treo cờ giải phóng; in, rải truyền đơn; chuyển vũ khí; đánh trong lòng địch giữa lòng thị trấn... Với những câu truyền đơn "Đố ai quét sạch lá rừng, còn quân Mỹ ngụy không ngừng đấu tranh", "Thanh niên Trảng Bàng đứng lên chống Mỹ cứu nước"... đã lan toả phong trào chống Mỹ ra khắp thị trấn.

Năm 1973, bà Phong là một trong những chiến sĩ cắm cờ giải phóng trước dinh Quận trưởng Trảng Bàng. Sự kiện đó đã được Đài phát thanh giải phóng đưa tin. Câu chuyện của hai chị em bà Lý và bà Phong đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thanh niên địa phương.

Để chuẩn bị trận đánh cuối cùng giải phóng Trảng Bàng, từ chiều 29.4, cả liên Chi đoàn 9/1 tập hợp, phân công tác chiến. Mỗi người một nhiệm vụ, căn cứ tình hình địch mà hành động. Nhờ sự phối hợp ăn ý cùng sự nhanh nhẹn, các chiến sĩ nhanh chóng đánh vào dinh Quận trưởng Trảng Bàng, giải phóng Trảng Bàng vào ngày 29.4.1975.

Tham gia cách mạng từ phong trào Đồng Khởi từ những năm 1960, bà Phan Thị Út (bí danh Út Nghét)– cựu chiến sĩ biệt động Trảng Bàng đã quá quen đối đầu với địch.

Trong thời gian đó, bà Út Nghét đã tham gia đánh hơn 12 trận. Trận nào cũng ác liệt. Bà cũng là một trong những du kích quả cảm, ném lựu đạn vào kho lương thực địch. Với nhiều chiêu thức đánh du kích nhanh nhẹn, nguỵ trang thông minh, bà đã tiêu diệt rất nhiều địch đang đóng quân tại Trảng Bàng.

Bà Út Nghét kể, có một lần bà canh chừng bắn tỉa địch nhưng bắn lạc đạn trúng 1 người dân, bà đã day dứt vô cùng, đến hôm nay nhớ lại vẫn còn chưa nguôi ngoai. “Trong chiến tranh, có những lúc chẳng thể tránh khỏi bom rơi, đạn lạc. Thấy người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh chính là nỗi xót xa nhất của tôi. Vì vậy, khi ấy chúng tôi quyết hy sinh vì Tổ quốc thiêng liêng, đó là danh dự, là ước mơ, là hoài bão”- bà Út Nghét xúc động nói.

Bà Nguyễn Thị Xuân- nguyên du kích xã Gia Bình ánh mắt lấp lánh và tự hào kể về những ngày tháng 4 máu lửa ở Gia Bình, thị xã Trảng Bàng.

Là một trong những chiến sĩ du kích quả cảm tham gia trận đánh cuối cùng tại huyện Trảng Bàng, bà Nguyễn Thị Xuân (bí danh Hai Xuân, sinh năm 1951)- nguyên du kích xã Gia Bình ánh mắt lấp lánh và tự hào kể.

Ngày đó, nhận được tin tổng tiến công, bà cùng đồng đội tiến đánh các đồn địch trên địa bàn huyện. Lấy được đồn, bà không lơ là, một thân một mình đi lục soát khắp nơi, bắt địch ra đầu hàng. Sau khi giành được đồn cuối cùng của huyện, bà bắn súng lên trời báo tin chiến thắng.

“Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất cuộc đời tôi, lúc đó tôi không còn sợ chết nữa, chỉ cần giải phóng được quê hương, đất nước, tôi hy sinh cũng không tiếc”. Ngày nay, nhắc đến bà, ở Gia Bình ai cũng biết về người nữ du kích treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên trong ngày giải phóng xã Gia Bình - lúc 16 giờ, ngày 29.4.1975.

Trong dịp này, các bạn đoàn viên thanh niên, thanh thiếu nhi còn được giao lưu cùng bà Nguyễn Thị Đành (sinh năm 1940), nữ giao liên cho Binh vận, Thị trấn và Đoàn 22 Sài Gòn - Gia Định hoạt động tại Trảng Bàng. Bà Đành tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Bên cạnh nhiệm vụ giao liên, bà còn là một trong những người phụ nữ may cờ giải phóng trong ấp An Phú, ấp An Thành (xã An Tịnh) từ năm 1955 cho đến ngày giải phóng.

Các em thiếu nhi xem bà Nguyễn Thị Đành may Quốc kỳ.

Tại chương trình, Đoàn phường Gia Bình còn bố trí góc triển lãm sách báo về Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975 và triển lãm hình ảnh về các sự kiện lịch sử tại huyện Trảng Bàng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những hình ảnh đó đã làm nổi bật thêm câu chuyện lịch sử do các nhân vật khách mời kể lại.

Các bạn đoàn viên, thanh niên tham quan khu trưng bày ký ức Trảng Bàng.

Được nghe những câu chuyện lịch sử sống động, lôi cuốn qua từng giọng kể chân thật của những nhân chứng lịch sử tại mảnh đất Trảng Bàng, các bạn đoàn viên thanh niên, các em thanh thiếu nhi không khỏi xúc động trước sự khốc liệt của chiến tranh, cảm phục sự quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của thế hệ thanh niên đi trước. Từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, sự biết ơn với các thế hệ anh hùng và tình yêu đất nước được bồi đắp thêm dày, thêm vững.

Viết tiếp câu chuyện hoà bình

Nhắn gửi thế hệ trẻ, thanh thiếu nhi hôm nay, những nhân chứng lịch sử dành nhiều tình cảm căn dặn. Bà Võ Thị Phong– nguyên Bí thư liên Chi đoàn 9/1 Đội Biệt động thị trấn Trảng Bàng xúc động nói: “Hoà bình rồi, chúng ta đã được sống 50 năm trong cảnh bình yên, đời sống Nhân dân được nâng lên, học sinh được đi học đến nơi đến chốn. Quá khứ ác liệt đã đi qua, chúng tôi quyết hy sinh vì Tổ Quốc thiêng liêng, đó là danh dự, là ước mơ, là hoài bão, còn với các con, hiện nay việc học là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Các bạn trẻ tặng quà cho các nhân chứng lịch sử.

Theo lời kêu gọi, phát động của Tổng Bí thư Tô Lâm "giai đoạn vươn mình của dân tộc", các em học sinh, sinh viên phải ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến cho quê hương, đất nước. Đất nước có phồn vinh mới giữ được hoà bình.

Các cháu phải cố gắng viết tiếp câu chuyện hoà bình của các thế hệ đi trước. Các tổ chức đoàn, đội phải phát huy vai trò trong công tác định hướng, giáo dục thanh thiếu nhi để nuôi dưỡng, bồi đắp nên thế hệ trẻ sống biết ơn, biết quý trọng hoà bình".

Anh Châu Trần Nhật Minh- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn, đại diện thế hệ trẻ bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị lão thành cách mạng.

Tiếp lời bà Phan Thị Út– cựu chiến sĩ biệt động Trảng Bàng đặc biệt dặn dò lớp trẻ Trảng Bàng: “Các cô, các chú ngày xưa không được học văn hoá nhiều, chỉ có lòng dũng cảm, gan dạ xông pha chiến trận, đánh đuổi giặc.

Chúng ta đã làm được sứ mệnh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Còn các cháu hôm nay, phải học tập thật tốt, phát huy vai trò của mình đưa đất nước vươn mình, sánh vai cùng các nước lớn, nước mạnh và đặc biệt phải giữ và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập dân tộc”.

Các em đội viên, các bạn đoàn viên thanh niên cùng các nhân chứng lịch sử hoà giọng ca bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Thấm thía lời căn dặn của những vị lão thành cách mạng, các bạn trẻ thêm tự hào, biết ơn. Bạn Phạm Ngô Minh Trí, đoàn viên phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng chia sẻ, đây là lần thứ 2 bạn được tham gia toạ đàm cùng các nhân chứng lịch sử. Qua những câu chuyện được kể, bạn hiểu rằng hoà bình không tự nhiên mà có mà phải đánh đổi bởi biết bao xương máu, mạng sống ngã xuống. “Vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay phải cố gắng giữ lấy hoà bình, sống thật ý nghĩa và có ích cho xã hội”– bạn Trí nói.

Linh San

Tin cùng chuyên mục