Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thanh toán trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn rất ít
Thứ tư: 07:59 ngày 14/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhìn chung, thanh toán trực tuyến trong thực hiện TTHC vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng của dịch vụ, chủ yếu do sản phẩm thanh toán điện tử chưa đa dạng; đa số người dân ở vùng nông thôn, miền núi chưa quen với việc thanh toán qua thẻ hay các kênh thanh toán điện tử...

Ảnh minh hoạ

Theo công bố của Cổng dịch vụ công quốc gia, trong tháng 8.2022, tỷ lệ thủ tục hành chính (TTCH) có giao dịch thanh toán trực tuyến của Tây Ninh đạt 5,56%, thanh toán trực tiếp và các hình thức khác chiếm 99,44%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia chiếm 2,18% (chưa tích hợp, cung cấp thanh toán trực tuyến là 97,82%). Trong tháng 8, có 150 hồ sơ (chiếm 1%) thanh toán trực tuyến; thanh toán trực tiếp và các hình thức khác là 14.879 hồ sơ (chiếm 99%).

Căn cứ tiêu chí “Thanh toán trực tuyến” theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, Tây Ninh đạt 2,2/10 điểm.

Dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hiện nay cung ứng 8 nhóm dịch vụ công dành cho cá nhân, gồm: thanh toán phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế cá nhân; đóng BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ; nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản; nộp phạt vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; thanh toán viện phí; nộp tạm ứng án phí.

Và 6 nhóm dịch vụ công dành cho doanh nghiệp, gồm: thanh toán phí, lệ phí TTHC; khai và nộp thuế doanh nghiệp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính; thanh toán tiền điện; nộp tạm ứng án phí.

Nhìn chung, thanh toán trực tuyến trong thực hiện TTHC vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng của dịch vụ, chủ yếu do sản phẩm thanh toán điện tử chưa đa dạng; đa số người dân ở vùng nông thôn, miền núi chưa quen với việc thanh toán qua thẻ hay các kênh thanh toán điện tử (ví điện tử, internet banking, mobile banking); quy trình cung cấp dịch vụ công chưa giản tiện khi đưa lên môi trường mạng nhằm chuyển đổi sang dịch vụ công mức độ 3, 4; tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng diễn ra ngày càng phổ biến, thủ đoạn tinh vi dẫn đến người dân e dè thanh toán trực tuyến…

Để thúc đẩy thanh toán trực tuyến, thiết nghĩ các ngành, đơn vị, địa phương trong đó có cả ngân hàng cần tăng cường công tác tuyên truyền, chú trọng trải nghiệm của khách hàng đối với dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hoá TTHC trên môi trường điện tử; đa dạng hoá phương tiện, hình thức thanh toán để người dân, doanh nghiệp dễ dàng thao tác, thực hiện thanh toán trực tuyến.

Hải Đăng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục