BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thanh tra xây dựng: Nhiệm vụ nhiều, lực lượng mỏng

Cập nhật ngày: 01/05/2009 - 09:28

Vẫn còn không ít công trình xây dựng chưa đảm bảo an toàn lao động

Tổ chức Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng Tây Ninh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2007. Trong điều kiện kinh tế đang phát triển, hoạt động xây dựng cơ bản diễn ra khá rầm rộ, nhưng cũng phát sinh tình hình ngày càng phức tạp hơn, trật tự xây dựng bị vi phạm ngày càng nhiều. Sự ra đời của Thanh tra xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về ổn định trật tự xây dựng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thành lập hoạt động Thanh tra xây dựng lại gặp nhiều khó khăn.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiêm Chánh Thanh tra xây dựng cho biết, Thanh tra xây dựng có 3 chức năng chính: thanh tra chuyên ngành xây dựng; thanh tra trật tự xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Trong đó, chức năng thanh tra trật tự xây dựng đang gặp khó khăn nhiều nhất. Bởi vì hiện tại nhiệm vụ của Thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng phải quán xuyến địa bàn cả tỉnh, trong khi đó nhân lực phục vụ cho công tác này còn quá ít. Theo đề án thành lập Thanh tra xây dựng, biên chế lực lượng được đề nghị là 47 người. Tuy nhiên, năm 2007 biên chế Thanh tra xây dựng được phân bổ chỉ có 15 người, và hiện nay được nâng lên 20 người. So với nhiệm vụ được giao thì số nhân lực này là quá ít. Hiện tại lực lượng Thanh tra xây dựng không chỉ thiếu trầm trọng mà trong đó còn có khá nhiều người đang thuộc diện hợp đồng, chưa chính thức vào biên chế. Trong 20 người đang làm việc ở lực lượng Thanh tra xây dựng hiện nay thì chỉ có 12 người đủ tiêu chuẩn là biên chế chính thức, còn lại 8 người hợp đồng, chưa thi tuyển công chức. Với lực lượng hạn chế như vậy nên so với nhiệm vụ được giao thì là quá tải. Bởi vì chức năng của Thanh tra xây dựng bao gồm từ việc thanh tra xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, kiểm tra giấy phép xây dựng, thanh tra các dự án đầu tư, cấp giấy sở hữu nhà ở, công trình, thanh tra việc xây dựng theo quy hoạch…

Riêng về lĩnh vực thanh tra trật tự xây dựng, hiện tại Thanh tra xây dựng chỉ thành lập được 1 đội thanh tra liên huyện gồm 12 người. Nhân lực ít ỏi như vậy mà phải chịu trách nhiệm thanh tra trật tự xây dựng ở tất cả 9 huyện, thị thì thật quá tải. Trong thời gian qua, đội thanh tra trật tự xây dựng đã tích cực hoạt động, phát hiện và xử lý rất nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng, nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được tình hình vi phạm đang phát sinh ngày càng nhiều. Trước đây khi chưa có đội thanh tra xây dựng liên huyện thì ở từng huyện, thị có tổ chức kiểm tra xây dựng khá thường xuyên. Thế nhưng từ sau khi có đội thanh tra xây dựng liên huyện, lại có một số huyện không còn quan tâm đến công việc kiểm tra xây dựng vì xem đó là trách nhiệm của đơn vị chức năng cấp tỉnh. Hậu quả là tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở một số địa phương vẫn chưa được hạn chế do đội thanh tra liên huyện quá mỏng, không thể tổ chức thanh tra thường xuyên khắp huyện, thị được.

Ngoài hạn chế về nhân lực, Thanh tra xây dựng còn thiếu cả Thanh tra viên. Trong lực lượng 20 người hiện nay, mới có 2 cán bộ chính thức là thanh tra viên. Sự “hiếm hoi” này có nguyên nhân do quy định tiêu chuẩn thanh tra viên khá cao như phải có trình độ đại học, trình độ B ngoại ngữ, trình độ trung cấp chính trị… Trong khi đó, luật quy định chỉ có Thanh tra viên chính thức mới có thẩm quyền ký xử lý các trường hợp vi phạm. Điều này đã gây hạn chế trong việc xử lý nhũng vụ vi phạm được phát hiện.

Làm thế nào nâng cao chất lượng hoạt động của Thanh tra xây dựng? Phó giám đốc Sở Xây dựng Trịnh Ngọc Phương cho rằng cần phải điều chỉnh, bổ sung nhiều mặt như: tăng số lượng biên chế, gửi đào tạo để tăng cường số lượng Thanh tra viên… Tuy nhiên, điều cơ bản nhất là xem xét và tổ chức lại mô hình Thanh tra xây dựng cho phù hợp và hiệu quả. Hiện tại chỉ có cấp tỉnh có Thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, còn cấp huyện, thị không có Thanh tra xây dựng nên khó có thể “quản tại gốc” được. Nên chăng thay đổi mô hình thanh tra liên huyện thành mô hình thanh tra xây dựng theo hệ thống từ tỉnh đến các địa phương huyện, xã. Mỗi huyện, thị đều có đội thanh tra xây dựng và ở mỗi xã đều có cán bộ phụ trách nhiệm vụ thanh tra xây dựng. Thanh tra xây dựng các cấp phải được tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ để đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công tác, đồng thời có quy chế cụ thể về trách nhiệm ở từng cấp.

Nếu tổ chức Thanh tra xây dựng được thành hệ thống từ tỉnh đến các huyện, xã thì chắc chắn công tác thanh tra xây dựng sẽ đạt hiệu quả cao, trật tự xây dựng sớm được ổn định vào nền nếp, góp phần tạo động lực phát triển lĩnh vực xây dựng nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.

SƠN TRẦN


Liên kết hữu ích