Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát:

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để tạo động lực phát triển 

Cập nhật ngày: 11/12/2020 - 01:46

BTN - Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Xa Mát từng được kỳ vọng sẽ tạo ra cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế có sức lan toả, lôi kéo, thúc đẩy cả khu vực phía Bắc của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, sau hàng chục năm triển khai, do quy hoạch quá lớn, chồng lấn ranh giới quy hoạch Khu đô thị Xa Mát với quy hoạch rừng phòng hộ, Khu di tích lịch sử văn hoá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chưa được điều chỉnh và cả những “điểm nghẽn” về cơ chế, hạ tầng nên Khu KTCK chưa phát huy được hiệu quả.

Đìu hiu

KTCK Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11.9.2003 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 34.197 ha, nằm trên địa bàn hai xã Tân Lập và Tân Bình của huyện Tân Biên. Ngày 23.2.2005, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 130A/2005/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chung Khu KTCK Xa Mát đến năm 2020 và Quyết định 130/2005/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị cửa khẩu Xa Mát đến năm 2020 với quy mô 728 ha.

Sau 15 năm triển khai quy hoạch, theo đánh giá chung của UBND tỉnh, quy hoạch Khu KTCK Xa Mát quá lớn, tính chất quy hoạch chưa phù hợp, diện tích đô thị công nghiệp nhiều, tính khả thi chưa cao. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch Trung tâm đô thị Xa Mát thiếu nguồn lực, thiếu quyết tâm và các dự án đầu tư chậm triển khai do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Khu KTCK Xa Mát có 6 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực (đều là dự án trong nước), với tổng diện tích đất đăng ký sử dụng 17,47 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 158,49 tỷ đồng nhưng mới chỉ có một dự án đang hoạt động với số vốn thực hiện ước đạt khoảng 30 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chính sách đối với Khu KTCK đã có sự thay đổi, các chính sách ưu đãi riêng bị bãi bỏ để áp dụng theo các quy định hiện hành, nên Khu KTCK không còn sức hút đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt năm 2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu KTCK (trong đó có chính sách mua bán hàng miễn thuế) khiến hoạt động mua bán hàng miễn thuế ngày càng thu hẹp. Cửa khẩu không còn cảnh nhộn nhịp người qua lại, kho bãi của các công ty cũng khá vắng vẻ. Khu đất dọc theo quốc lộ 22B trên địa bàn huyện Tân Biên được chọn và quy hoạch xây dựng Khu KTCK Xa Mát hiện chỉ có vài khu nhà giữa cánh đồng trồng mì; nhiều dự án dở dang hoặc còn nằm trên giấy vì nhiều lý do.

Còn theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu có gia tăng, doanh nghiệp đăng ký thủ tục hải quan qua cửa khẩu chủ yếu là hàng nông sản, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hoạt động thương mại này vẫn quá ít ỏi. Nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm thị trường, thiếu kế hoạch phối hợp đầu tư. Một nguyên nhân quan trọng khác là hạ tầng Khu KTCK chưa được đầu tư đồng bộ.

Nhiều năm qua, hoạt động thương mại biên giới giữa 3 xã biên giới của huyện Tân Biên với các địa phương thuộc tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tbong Khmum (Vương quốc Campuchia) vẫn chưa có những chuyển biến đột phá. Lượng hàng hoá trao đổi và xuất nhập khẩu qua cửa khẩu hay các chợ biên giới vẫn còn nhỏ lẻ vì cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu còn ít và lạc hậu. Dọc tuyến biên giới chỉ có một ngôi chợ với quy mô nhỏ, dân cư thưa thớt, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và chăn nuôi gia súc.

Tất cả những hạn chế nêu trên đã trở thành lực cản lớn cho việc phát triển thương mại biên mậu đôi bên. Kết quả các cuộc khảo sát của huyện Tân Biên và các ngành chức năng cho thấy, thương mại biên giới ở Tân Biên mới chỉ tập trung ở cửa hàng thương mại và một số hộ buôn bán nhỏ lẻ; trao đổi hàng hoá ở mức thấp, chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh hai nước, chủ yếu là mua bán hàng tiêu dùng, các nhu yếu phẩm như gạo, muối, lương thực, thực phẩm, dầu lửa.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Cần có giải pháp căn cơ

Từ thực tế trên, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp giải quyết các vướng mắc, tồn tại - nhất là điều chỉnh lại quy hoạch hai Khu KTCK quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Ngày 5.3.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định 539/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển các khu KTCK trên địa bàn tỉnh. Theo Đề án này, các khu KTCK và quy hoạch trung tâm đô thị mới được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng tính kết nối hạ tầng giao thông của Khu với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và tuyến cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát.

Khu KTCK Xa Mát được điều chỉnh theo hướng phát triển các dịch vụ cửa khẩu, kho bãi, logistics. Cụ thể, quy hoạch khu đô thị cửa khẩu Xa Mát được tỉnh điều chỉnh giảm từ 728 ha xuống dưới 400 ha gồm trung tâm cửa khẩu Xa Mát (khu hành chính, cơ quan Biên phòng, Hải quan…), điều chỉnh quy hoạch khu đô thị cửa khẩu tập trung phát triển kho bãi công nghiệp sơ chế, loại bỏ quy hoạch khu công nghiệp, các dự án nhà ở trung tâm thương mại quốc tế, sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh tự phát, tự xây dựng công trình dọc quốc lộ 22B, tận dụng quỹ đất (hơn 30 ha) đã bồi thường giải toả để kêu gọi thu hút các dự án đầu tư.

Điểm tập kết kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Đồng Phước tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên

Với 92,5km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, trên địa bàn Tân Biên có cửa khẩu quốc tế Xa Mát, sắp tới là cửa khẩu quốc tế Tân Nam, cửa khẩu chính Chàng Riệc và nhiều lối mở được phép thông quan hàng hoá thuận tiện cho giao thương kinh tế biên mậu. Trong định hướng phát triển, tỉnh và huyện Tân Biên đều xác định kinh tế biên mậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Từ góc độ địa phương, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên Thành Từ Dũ cho rằng, “điểm nghẽn” lớn nhất đối với phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn huyện hiện nay là hạ tầng và cơ chế. Tháo gỡ được những mắt xích này chắc chắn kinh tế biên mậu sẽ phát triển bứt phá và bền vững.

Để tạo động lực cho thương mại biên giới phát triển, tỉnh cần đầu tư vào hạ tầng, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp mở rộng quốc lộ 22B từ Xa Mát đi Thành phố Hồ Chí Minh; sớm hình thành và nâng cấp thành tuyến quốc lộ 14D nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam và bố trí vốn xây dựng hạ tầng đồng bộ như đường giao thông, mạng lưới liên lạc, điện nước và các dịch vụ hỗ trợ khác tại cửa khẩu.

Song song đó, Trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền cho địa phương trong thực hiện một số chính sách thương mại biên giới, từ đó linh hoạt điều chỉnh với các chính sách thương mại các địa phương của Campuchia, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng logistics và xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tỉnh cũng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển từ phương thức quản trị sang phục vụ, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; đẩy mạnh công tác ngoại giao, nắm bắt và thông tin kịp thời các chính sách thương mại biên giới của Campuchia.

Phương Thúy