Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 17.3, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ với sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp thuộc các tỉnh trong vùng.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị
Hội nghị do ông Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đồng chủ trì.
“Thương hiệu OCOP” chưa đủ mạnh về truyền thông
Anh Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên phát biểu ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ nêu những khó khăn, vướng mắc khi vào TP. Hồ Chí Minh - một thị trường lớn của cả nước. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các hệ thống siêu thị lớn như Satra, Saigon Co.op, Tiki… cũng là nội dung được nhiều doanh nghiệp địa phương quan tâm và tìm hiểu.
Có doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp đang xây dựng hàng hoá theo chuẩn OCOP, nhưng nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng đón nhận như thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” .
Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp địa phương vùng Đông Nam Bộ, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, hiện đơn vị có 44 cửa hàng, 17 siêu thị Co.opMart ở các tỉnh trong vùng. Việc đưa được sản phẩm vào hệ thống của Saigon Coop đòi hỏi nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu chung của toàn hệ thống. Với doanh nghiệp, cần thể hiện tính minh bạch trong toàn bộ quá trình sản xuất để đủ đáp ứng đủ điều kiện vào hệ thống của đơn vị.
Một doanh nghiệp lớn khác tại TP. Hồ Chí Minh là Central Retail cũng chia sẻ tình hình chung của các hệ thống siêu thị lớn, hàng hoá đòi hỏi nhiều yếu tố khách quan, có khi chung một ngành hàng đã có sự hợp tác lâu đời, có khi “tắc nghẽn” ở vấn đề vận chuyển, giá cả… khiến các doanh nghiệp địa phương khó tiếp cận.
Một doanh nghiệp tại Tây Ninh cho biết, hàng hoá của doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu, đã bán sản phẩm ra nước ngoài nhưng cũng chưa vào được các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Đại diện hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh lý giải, tiêu chí chọn sản phẩm để trưng bày mang tính đặc trưng, lượng cung cấp phải đủ lớn, không đứt gãy. Các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cũng gợi ý các địa phương nên đưa hàng hoá lên sàn giao dịch điện tử, tại các cổng thông tin để giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đại diện Central Retail giải thích một số thắc mắc của các doanh nghiệp trong vùng Đông Nam bộ
Đại diện các doanh nghiệp này cũng cam kết sẽ kết hợp cùng các địa phương nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ có điều kiện vào chuỗi hệ thống của Co.opMart tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, qua những nội dung trao đổi cho thấy, việc các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ tiếp cận một thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp lớn của thành phố cần suy nghĩ giải pháp để hỗ trợ các địa phương. Ông Hoan cho rằng, mối quan hệ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối phải thường xuyên, luôn luôn củng nhau mới bền vững, phải tổ chức chặt chẽ qua nhiều khâu, từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng; Phải hỗ trợ bằng nhiều hình thức, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp các tỉnh đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào siêu thị, không thể để tình trạng “hàng hoá đạt thì lấy, không đạt thì thôi”.
Lối ra cho các doanh nghiệp Đông Nam bộ
Lãnh đạo các địa phương chứng kiến các doanh nghiệp trong vùng Đông Nam bộ ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh
Ông Hoan cũng gợi ý một số giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” nhiều năm qua. Cụ thể, ông đặt câu hỏi tại sao hệ thống siêu thị của TP. Hồ Chí Minh có mặt khắp các tỉnh vùng Đông Nam bộ nhưng không có một khu vực, gian hàng nào cho các doanh nghiệp này quảng bá, bán sản phẩm đặc sản của địa phương. Đây là cũng cách giảm chi phí vận chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, qua dó thúc đẩy sản xuất và phát triển ngày một lớn mạnh.
Ông cũng đề nghị các ngành có liên quan nghiên cứu giải pháp các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh có khu vực bán riêng các sản phẩm đạt chất lượng của các doanh nghiệp trong vùng, thậm chí có những “phiên chợ chuyên dùng” cho sản phẩm địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Một gợi ý nữa của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh là các doanh nghiệp lớn nên suy nghĩ đến giải pháp làm kho lưu trữ tại các địa phương, đặc biệt là những nơi có vùng nguyên liệu lớn. Ông mong muốn các nhà phân phối lớn thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực bằng nhiều hình thức như kết nối trực tuyến, giao lưu trên hạ tầng mạng. Cùng với đó là xây dựng chuỗi cung ứng, nhất là các địa phương chưa có hệ thống Co.opMart, lãnh đạo các địa phương tạo điều kiện cho hệ thống siêu thị có mặt, góp phần giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu và hàng hoá của địa phương được vào hệ thống siêu thị.
Một giải pháp được lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị các doanh nghiệp cần chia sẻ, cung cấp thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh để doanh nghiệp địa phương nắm, điều chỉnh hàng hoá phù hợp, thuận lợi trong giao thương, kết nối.
Tại hội nghị, hơn 30 doanh nghiệp địa phương ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có 3 doanh nghiệp tại Tây Ninh với 4 biên bản ký kết (có 1 doanh nghiệp ký kết 2 biên bản).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị
Đức An