Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn
Thứ tư: 06:03 ngày 29/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay giữ nguyên nhóm nợ cho 2.978 khách hàng với tổng dư nợ gốc 3.145 tỷ đồng.

Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành và kịp thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN; giảm phí thanh toán; gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20.5.2022 của Chính phủ; các tổ chức tín dụng cũng tự giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu.

Kịp thời triển khai các chính sách

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, Chi nhánh đẩy mạnh thực hiện các nội dung kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam để hỗ trợ kịp thời vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, nhất là các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đơn vị cũng chủ động tiếp cận doanh nghiệp có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Trong năm 2022, Chi nhánh đã triển khai đến khách hàng doanh nghiệp chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với chương trình giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về việc giảm 20% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đến cuối tháng 12.2022, dư nợ được giảm lãi suất là 287,2 tỷ đồng/28 khách hàng.

Chương trình ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu, triển khai từ 1.1.2021 đến 30.6.2022. Kết quả doanh số cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp là 15,3 triệu USD/3 khách hàng. Chương trình ưu đãi ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp lớn năm 2022, triển khai từ 1.3.2022 đến 31.12.2022; doanh số cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp lớn là 523,2 tỷ đồng/5 khách hàng.

Trong năm 2023, đơn vị tiếp tục chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Bên cạnh đó, triển khai mới chương trình ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Agribank, triển khai từ 15.3.2023 đến 30.6.2023. Quy mô chương trình 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD để cho vay bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào kết quả phân loại xếp hạng khách hàng kỳ gần nhất để áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,7%/năm đến 9%/năm đối với VNĐ và từ 3%/năm đến 3,8%/năm đối với USD. Ngoài ra, chi nhánh còn áp dụng cho vay lãi suất ưu đãi (giảm tối đa 1% so lãi suất cho vay) đối với khách hàng vip căn cứ kết quả phân loại khách hàng định kỳ hằng quý theo quy định của Agribank.

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay giữ nguyên nhóm nợ cho 2.978 khách hàng với tổng dư nợ gốc 3.145 tỷ đồng. Dư nợ còn đến 31.12.2022 là 52,8 tỷ đồng với 284 khách hàng (gói hỗ trợ kết thúc 30.6.2022).

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN Việt Nam, tính đến 31.12.2022, số tiền lãi đã hỗ trợ là 855 triệu đồng/doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất (HTLS) là 495 tỷ đồng. Dư nợ cho vay HTLS là 464 tỷ đồng (16 khách hàng). Hiện nay, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt chương trình đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ điều kiện theo quy định.

Nhằm giảm áp lực lãi suất cho người dân và doanh nghiệp, thực hiện sự đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã triển khai giảm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021. Kết quả, 14 NHTM đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu cho 110.331 khách hàng, dư nợ 42.953 tỷ đồng, số lãi được giảm là 144 tỷ đồng. Những tháng cuối năm 2022, các chi nhánh NHTM có nhiều chương trình giảm lãi suất cho một số cá nhân, doanh nghiệp nhằm giảm áp lực lãi suất cho vay. Dư nợ các NHTM hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 12.2022 đạt 9.181 tỷ đồng (18.662 khách hàng) với số tiền lãi được hỗ trợ là 18,2 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2023, một số NHTM đã có các chương trình/gói tín dụng ưu đãi về lãi suất để hỗ trợ khách hàng theo từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Hiện nay, một số doanh nghiệp có ý kiến về việc lãi suất cho vay còn cao, mong muốn ngành Ngân hàng chia sẻ cùng doanh nghiệp, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, NHNN Việt Nam chỉ quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các khoản vay thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); các khoản cho vay ngắn hạn khác và cho vay trung, dài hạn do TCTD và khách hàng thoả thuận về lãi suất cho vay. Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên để được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, các doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Trong năm 2022, bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu ở mức cao, lạm phát tăng mạnh, vượt mức kiểm soát ở nhiều quốc gia và Ngân hàng Trung ương các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 6 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3,75% - 4%/năm là mức lãi suất cao nhất trong vòng 15 năm qua và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

NHNN đã quyết định 2 lần điều chỉnh các mức lãi suất (tháng 10.2022). Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an toàn hệ thống và đã tác động tăng lãi suất thị trường. Mặt khác, năm 2022, nhu cầu tín dụng gia tăng, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,2% trong khi huy động vốn chỉ đạt 7,65%, việc điều chỉnh tăng lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND sẽ giúp lãi suất thực tiếp tục dương, người gửi tiền tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn, cải thiện thanh khoản góp phần nâng cao an toàn hệ thống, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Hiện nay, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách tài chính, lãi suất của các nước trong đó có Mỹ, nhưng nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực trong kiểm soát lạm phát và Chính phủ đang triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các chính sách, NHNN đã giảm 1% một số lãi suất điều hành; qua đó tạo thông điệp cho các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Từ đó, giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là lĩnh vực động lực của nền kinh tế. Thời gian qua, các ngân hàng cũng đã cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và trên cơ sở NHNN hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng lại có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Lãi suất cho vay của các NHTM trên địa bàn tỉnh diễn biến theo xu hướng chung và thường xuyên rà soát, đơn giản hoá và rút ngắn quy trình, thủ tục, thời gian thẩm định để giảm chi phí cho khách hàng; đồng thời tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay và thường xuyên triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi từ trụ sở chính về lãi suất cho doanh nghiệp, cá nhân.

NHNN Việt Nam chi nhánh Tây Ninh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ, làm rõ thông tin, nguyên nhân các trường hợp không tiếp cận được vốn vay; xử lý, trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hoá và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Giang Hà - Nhi Trần

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục