BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháo gỡ khó khăn trong công tác phòng, chống dịch 

Cập nhật ngày: 11/12/2021 - 01:24

BTN - Chiều 10.12, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh tổ chức cuộc họp với Ban Chỉ huy phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch ở các địa phương.

Quang cảnh cuộc họp.

Theo Sở Y tế, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên rất nhiều. Cụ thể, từ ngày 2.12 đến ngày 8.12.2021, toàn tỉnh có 12.658 ca đang điều trị.

Trong đó, số ca chuyển nặng cũng tăng cao với 247 ca, tăng hơn 59 ca so với tuần trước, đa số do không tiêm vaccine. Chỉ riêng trong 2 tuần qua, số ca tử vong trên địa bàn tỉnh tăng với 135 ca, chiếm tỷ lệ 36,48% tính từ đầu dịch đến nay.

Đối với F0 điều trị tại nhà, hiện toàn tỉnh có 15.171 ca. Để quản lý F0, ngành Y tế triển khai 102 trạm y tế lưu động trên 94 xã, trong đó có trạm ở các khu công nghiệp.

F0 tăng nhanh, y tế cơ sở quá tải

Theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Do người dân không liên lạc được với ngành y tế dẫn đến khi chuyển biến nặng không được chuyển tầng kịp thời. Một số trường hợp không được chỉ định phù hợp, cách ly tại nhà, chuyển nặng nhanh, dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, số lượng F0 tăng nhanh, một số địa phương bị quá tải, nhân viên y tế không quản lý hết làm cho công tác điều trị F0 tại nhà gặp nhiều khó khăn.

Công tác thử nghiệm túi thuốc C kháng virus khá chậm. Toàn tỉnh chỉ triển khai được 500/2.000 liệu trình được phân bổ. Trên thực tế, số trường hợp thử nghiệm sử dụng thuốc đã mang lại hiệu quả trong việc điều trị. Đây là loại thuốc đã được kiểm định ngăn chặn virus kịp thời, giúp giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng.

Trong thời gian tới, dự kiến Bộ Y tế sẽ cấp cho tỉnh số lượng lớn túi thuốc C để hỗ trợ công tác dập dịch. Vì vậy, Sở Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm túi thuốc C để điều trị kịp thời cho F0, nhất là những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của tỉnh khá cao. Trong đó, người dân từ 18 tuổi tiêm mũi 2 chiếm tỷ lệ 88,6% và trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 là 100%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người dân chưa tiêm dẫn đến tình trạng chuyển biến nặng nhanh khi nhiễm bệnh.

Vì vậy, Sở Y tế đề nghị các địa phương triển khai công tác tiêm mũi 3 vaccine phòng dịch Covid-19; tăng cường công tác cung cấp thuốc điều trị cho F0; trong đó ưu tiên cho người trên 50 tuổi và người mắc bệnh nền. Ngoài ra, để quy trình quản lý F0 được triển khai chặt chẽ, Sở Y tế đề nghị tỉnh phân bố nhiệm vụ quản lý F0 tại nhà ở các cấp huyện, thị xã, thành phố.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, công tác quản lý F0 tại nhà qua hệ thống phòng, chống dịch của tỉnh Tây Ninh Smart đã được triển khai ở các địa phương trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được trả lời, xử lý những vấn đề phản ánh rất thấp. Vì vậy, Sở TT&TT đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng khai báo, theo dõi F0 tại nhà.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống dịch thị xã Trảng Bàng, công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà của địa phương gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện chuyển viện và nhân lực. Việc chậm trễ trả kết quả xét nghiệm PCR làm chậm tiến độ xác nhận hoàn thành cách ly.

Địa phương đề nghị Sở Chỉ huy cho chủ trương bệnh nhân trực tiếp đến các bệnh viện để kịp thời được phân tầng, chuyển viện khi bệnh trở nặng. Đẩy nhanh tiến độ trả kết quả xét nghiệm để hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục cách ly, điều trị tại nhà.

Tương tự, ngành Y tế thành phố Tây Ninh đang quá tải do số ca F0 tăng cao với hơn 2.000 trường hợp điều trị tại nhà. Lực lượng mỏng, y tế cơ sở chưa quản lý chặt chẽ các F0 điều trị tại nhà gây bức xúc từ người dân. Để giảm tải cho lực lượng chống dịch cơ sở, thành phố Tây Ninh đề nghị tỉnh chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn hỗ trợ khám sàng lọc để F0 phân tầng, chuyển viện kịp thời.

Giải đáp bài toàn nhân lực, huyện Tân Châu đề nghị chuyển đổi Tổ Covid cộng đồng thành Tổ y tế lưu động để hỗ trợ thực hiện công tác quản lý F0 điều trị tại nhà.

Ông Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại cuộc họp.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đề nghị các địa phương không lơ là, chủ quan với dịch bệnh; đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát từng đối tượng, kêu gọi người dân tiêm ngừa để tăng độ bao phủ vaccine trên địa bàn, nhằm làm giảm mức độ nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và mức độ tử vong do chuyển nặng.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 15.000 F0 đang điều trị tại nhà và số lượng bệnh nhân chuyển tầng ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do phân loại bệnh nhân không chính xác; hỗ trợ y tế không kịp thời và không có các biện pháp quản lý chặt chẽ F0.

Các địa phương cần tháo gỡ những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, phân loại, sàng lọc bệnh nhân chặt chẽ để có hướng điều trị phù hợp.

Các địa phương phải tăng cường hướng dẫn F0 điều trị tại nhà bằng cách thống nhất hình thức hướng dẫn thành một bảng hướng dẫn điều trị cụ thể. Khi có F0, kịp thời hướng dẫn họ điều trị. Đặc biệt, các địa phương nhanh chóng triển khai sử dụng liệu trình túi thuốc C để điều trị cho F0 tại nhà, nhằm làm giảm tình trạng bệnh nhân chuyển nặng.

Các địa phương cần tổ chức quản lý F0 chặt chẽ, không để người dân hoang mang, lo lắng nhiễm bệnh nhưng không được hỗ trợ y tế kịp thời. Để giảm tải cho y tế cơ sở, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các trung tâm y tế tiếp nhận các F0, sơ cứu và liên lạc ngay các tầng điều trị bệnh phù hợp. Đồng thời cho phép các bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 có thể trực tiếp tiếp nhận F0 để kịp thời được cấp cứu và điều trị.

Tây Ninh đã nhận được sự hỗ trợ của đoàn y, bác sĩ, cán bộ y tế Hải Phòng; Bệnh viện E Trung ương. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các bệnh viện luân chuyển cán bộ y tế đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh tỉnh để được y, bác sĩ Bệnh viện E đào tạo chuyên môn sâu về điều trị Covid-19, đồng thời luân chuyển các cán bộ y tế của BVĐK về các địa phương để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Như vậy, cán bộ y tế có thể vừa được đào tạo chuyên môn vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra, UBND tỉnh đang triển khai công tác điều trị trực tuyến với chương trình, phần mềm riêng, đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các chỉ đạo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để triển khai thật tốt.

UBND tỉnh đề nghị các địa phương triển khai hỗ trợ chế độ cho lực lượng y tế phòng, chống dịch và hỗ trợ các trường hợp F0, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ các trường hợp F0 theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.

Ngọc Bích