Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tháo gỡ khó khăn trong liên kết sản xuất - tiêu thụ của hợp tác xã
Thứ hai: 06:33 ngày 10/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành... chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX…

Thu hoạch lúa.

Trong mối quan hệ sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò là trung gian, là đầu mối ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX; đại diện cho thành viên HTX đặt mua vật tư, phân bón, nguyên liệu sản xuất chung cho các thành viên với giá ưu đãi, trả chậm… Bên cạnh đó, HTX còn là đầu mối cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho thành viên trong quá trình sản xuất; tập hợp thành viên và nông dân để triển khai các dự án, kế hoạch sản xuất tập trung; huấn luyện, hướng dẫn thành viên và nông dân sản xuất đồng loạt theo đơn đặt hàng. Có thể nói, HTX có vai trò đặc biệt trong việc lập kế hoạch và điều phối sản xuất rải vụ để có nguồn hàng ổn định, thường xuyên cung cấp cho đối tác, thị trường.

Tính đến tháng 5.2019, toàn tỉnh có 124 HTX, quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là HTX), trong đó có 73 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; 23 HTX công thương nghiệp; 10 HTX vận tải; 18 quỹ TDND. Qua thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, số HTX có sản phẩm đưa ra thị trường và có liên kết tiêu thụ sản phẩm là 42 HTX.

Để thúc đẩy phát triển các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại làm đầu mối (cầu nối) liên kết các HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, liên hệ đến các chợ đầu mối trong cả nước để có thông tin, địa chỉ hướng dẫn cho các HTX tiếp cận giao dịch, tiến tới liên kết tiêu thụ sản phẩm của địa phương, HTX.

Liên minh HTX tỉnh cũng đã tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển tải thông tin cần thiết đến các HTX về thị trường các mặt hàng nông sản, các điều kiện, mối quan hệ đối tác trong giao dịch ký kết hợp đồng; thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực về quản trị, điều hành cho bộ máy lãnh đạo HTX; tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cụ thể hoá những chính sách đặc thù hỗ trợ các HTX; hỗ trợ HTX tham gia các chuỗi liên kết, các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của từng địa phương.

Ông Đặng Văn Quơi - Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Ninh Điền, xã Ninh Điền (huyện Châu Thành) cho biết, HTX được thành lập vào năm 2017 với 31 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất khoảng 25 ha. Các lĩnh vực hoạt động của HTX gồm mua bán vật tư nông nghiệp, thu mua hàng nông sản, cung cấp dịch vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất lúa giống.

Vào tháng 12.2018, HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm bí đao, bầu, khổ qua, đậu bắp, mướp hương, dưa leo, đậu đũa, đậu rồng, ớt. Cũng từ năm 2018 đến nay, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với một doanh nghiệp 2 loại nông sản là đậu bắp, đậu đũa với tổng sản lượng khoảng 400 tấn/năm. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục ký hợp đồng vùng nguyên liệu đối với cây ớt với một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, sản lượng khoảng 600 tấn/năm.

Có hợp đồng tiêu thụ là điều mà HTX và các thành viên rất phấn khởi, nông dân cũng yên tâm sản xuất, không phải lo cảnh bị thương lái ép giá. Tuy nhiên, số loại nông sản ở HTX được ký hợp đồng vẫn còn ít, các nông sản khác chủ yếu vẫn bán cho thương lái, giá cả không ổn định.

HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp An Hoà, xã An Hoà (huyện Trảng Bàng) ra mắt vào năm 2018 (tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP, thành lập năm 2017) với 54 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất lúa là 100 ha. Từ vụ Hè Thu năm 2017 đến nay, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một doanh nghiệp với diện tích 50 ha, giống lúa OM 5451.

Theo ông Trần Văn Thậm - Giám đốc HTX, bước đầu HTX có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng quá trình hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho nông dân, HTX còn đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và thu mua lúa của bà con nông dân, Tuy nhiên, giá cả thu mua chưa thực sự hấp dẫn, chưa có sự chênh lệch so với thương lái nên chưa thu hút được nông dân.

Ông Thậm cho biết, một trong những nguyên nhân của việc này là đường giao thông trên địa bàn chưa thuận lợi, chi phí cho phương tiện vận chuyển cao nên HTX khó nâng giá lúa để đủ sức cạnh tranh với thương lái. “Hiện nay, nông dân chưa mạnh dạn áp dụng những giống lúa mới theo yêu cầu của phía doanh nghiệp, chủ yếu canh tác các giống lúa truyền thống nên khó bán được giá cao. Nông dân chưa hiểu rõ về kinh tế tập thể, về cánh đồng lớn, về đáp ứng sản lượng của hợp đồng tiêu thụ… Do đó, rất cần tới sự tuyên truyền của thông tin đại chúng, sự hỗ trợ và tư vấn của các đơn vị liên quan để nông dân hiểu về kinh tế tập thể, về quyền lợi của mình khi tham gia HTX”- ông Thậm nói.

Ông Lâm Văn Tính - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian qua, Chi cục đã triển khai đến người dân các quy trình kỹ thuật về cây trồng theo định hướng của tỉnh trong kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chi cục cũng làm cầu nối để các đơn vị này tiếp cận với thị trường, doanh nghiệp nhằm hình thành các liên kết sản xuất - tiêu thụ. Dù vậy, HTX vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu, chủ yếu là tự sản xuất rồi tự bán; cơ cấu tổ chức HTX chưa được lớn mạnh…

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trong những năm qua, các HTX đã phấn đấu tự lực tìm ra những giải pháp khắc phục những khó khăn nội tại, huy động vốn nội bộ của thành viên, cung cấp được một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên sản xuất như phân bón, vật liệu đầu vào sản xuất, làm đất, chăm sóc cây trồng, thu hoạch và thu mua, bán hộ sản phẩm cho thành viên thông qua nhiều kênh (qua các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn, bếp ăn tập thể của xí nghiệp, trường học, chợ đầu mối, doanh nghiệp thu mua, các sạp ở các chợ…).

Hiện nay, các HTX có hoạt động thực tiễn trong sản xuất, cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho thành viên, nông dân và có mối liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, HTX luôn là đối tượng yếu thế trong quan hệ giao dịch, đàm phán và chia sẻ lợi ích với các đối tác, doanh nghiệp; còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp, chưa quyết định được giá cả vật tư, nguyên liệu sản xuất, sản phẩm làm ra... dẫn đến chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm bán ra thấp, lợi nhuận ít, không có khả năng mở rộng sản xuất quy mô lớn hơn, chưa thu hút được thành viên tập trung, khó phát triển.

Theo lãnh đạo Liên minh HTX, có bốn nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên: Thứ nhất là HTX có tiềm lực kinh tế thấp, khả năng huy động vốn yếu, rất khó khăn về vốn, không chủ động được trong các khâu sản xuất, phải phụ thuộc nhiều vào đối tác, doanh nghiệp.

Thứ hai, HTX chưa chủ động xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm của đơn vị mình mà còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp, về kinh phí triển khai, về trình độ khoa học kỹ thuật và chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu ra, đầu vào sản xuất.

Thứ ba, HTX chưa chủ động liên kết với các HTX cùng loại hình hoạt động với nhau; và chưa liên kết chặt các thành viên với ban quản trị để tạo thành sức mạnh tập thể, thống nhất trong hoạt động sản xuất và giao dịch nhằm tạo ra những sản phẩm đồng nhất; chịu trách nhiệm về chất lượng và ổn định về số lượng.

Thứ tư, trình độ quản lý của HTX còn thấp; chưa quan tâm và thiếu thông tin thị trường; kiến thức và kinh nghiệm về phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế, dẫn đến thiếu chiến lược về sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm, phải chấp nhận bán sản phẩm thông qua thương lái và doanh nghiệp với giá trị thấp.

Ông Đặng Văn Quơi bên diện tích đậu bắp mới xuống giống cách đây không lâu.

Để hỗ trợ các HTX, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành... chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển mới hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị hàng hoá chủ lực quy mô có sức lan toả; hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các liên hiệp hợp tác xã, HTX, tổ hợp tác, nông dân.

TRÚC LY

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục