Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gò Dầu:
Tháo gỡ “nút thắt” trong việc thu gom, vận chuyển rác thải
Thứ sáu: 06:20 ngày 14/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chưa bao giờ vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở huyện Gò Dầu “căng thẳng” như từ đầu tháng 7.2017 đến nay. Nhiều hộ dân làm nghề thu gom rác tại Gò Dầu đồng loạt gửi đơn kêu cứu vì mất công việc. Chính quyền địa phương đã phải nhanh chóng vào cuộc nhằm tháo gỡ “nút thắt” này nhiều lần. Vì sao?

Rác trước chợ Gò Dầu trong những ngày căng thẳng.

RÁC ÙN Ứ KHẮP NƠI

Đến huyện Gò Dầu vào những ngày đầu tháng 7 này, điều dễ nhận thấy nhất là cảnh rác thải sinh hoạt chất đống ven đường. Từ TP Tây Ninh đi theo hướng xuống Gò Dầu, đến chợ xã Cẩm Giang (xã Cẩm Giang), người đi đường đều thấy cảnh không đẹp này đập vào mắt. Trước chợ, “chình ình” một đống rác trên lề quốc lộ 22B. Hầu hết rác ở đây từ chợ Cẩm Giang thải ra. Ngoài rác thải trong chợ, còn nhiều loại rác thải sinh hoạt khác do người dân cư ngụ xung quanh cũng đem bỏ “ké” vào nên chỉ vài ngày đã trở thành đống rác khá lớn.

Ở trước chợ Phước Trạch (xã Phước Trạch) cũng có một đống rác to hơn gấp nhiều lần so với đống rác trước chợ Cẩm Giang, chất kín lề quốc lộ và trải dài gần chục mét. Dĩ nhiên, rác ở đây cũng là đủ loại phế thải từ trong chợ đưa ra nên bốc mùi rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường cả khu chợ. Không chỉ “làm khổ” người dân địa phương, rác còn gây phản cảm đối với người tham gia giao thông qua khu vực này.

Tương tự như thế, dọc theo hai bên đường qua trung tâm thị trấn Gò Dầu, rác thải sinh hoạt bỏ trong bao chất thành từng đống rất nhiều. Ở các thùng rác công cộng, rác thải đầy ắp, tràn cả ra ngoài.

Thậm chí, gần trước trụ sở UBND thị trấn Gò Dầu cũng có hai thùng rác ngập tràn, ngả nghiêng và có nhiều rác thải còn vứt bừa bãi xung quanh. “Khủng” nhất là đống rác trước chợ Gò Dầu. Sáng ngày 11.7, khi chúng tôi đến đây mới 7 giờ 40 phút mà trước cổng chợ huyện này đã có một “núi” rác to tướng, ước tính không dưới vài tấn.

Trong khi đó, rác trong chợ vẫn tiếp tục được chuyển ra, đổ vào đây. Một số người dân địa phương dùng xe gắn máy chở các bao rác sinh hoạt của gia đình đến quăng vào nơi này, góp phần làm cho đống rác khủng càng phình to hơn.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI ?

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng để rác ùn ứ khắp địa bàn huyện Gò Dầu như thế, chúng tôi được biết, từ khoảng 20 năm nay, ở Gò Dầu có hàng chục người dân chuyên làm nghề thu gom rác thải sinh hoạt trong toàn huyện, vận chuyển đến đổ vào bãi rác tập trung của huyện ở ấp Xóm Mới, xã Thanh Phước.

Theo chủ trương của UBND tỉnh, bắt đầu từ ngày 1.7, bãi rác ở ấp Xóm Mới “đóng cửa”, đồng thời huyện Gò Dầu tổ chức đấu thầu công khai hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện.

Những người dân làm nghề thu gom rác thải sinh hoạt ở huyện Gò Dầu không tham gia đấu thầu, trong khi đó, có 3 công ty chuyên ngành xử lý rác trong và ngoài tỉnh tham gia. Kết quả, Công ty TNHH Môi trường Sài Thành (gọi tắt là Công ty Sài Thành), toạ lạc phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh là đơn vị trúng thầu.

Từ đó, Công ty Sài Thành bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Gò Dầu.

Tuy nhiên, những người dân địa phương chuyên làm nghề gom rác ở Gò Dầu không cam chịu tình trạng bị thất nghiệp, họ đã đứng ra cản trở hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của Công ty Sài Thành.

Ngày 3.7, khi đến chợ Gò Dầu làm nhiệm vụ, Công ty Sài Thành gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân làm nghề thu gom, vận chuyển rác ở đây. Có người manh động đứng ra cản trở trước đầu xe chuyên dụng chở rác của Công ty Sài Thành.

Ngoài ra, những người dân này còn có hành vi quỳ lạy cán bộ của huyện cho người khác chụp hình, quay phim đưa lên mạng xã hội. Tình hình căng thẳng khiến chính quyền địa phương phải điều lực lượng Công an đến mời những người này về trụ sở Công an huyện làm việc, lập biên bản, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.

Trước tình hình căng thẳng này, Công ty Sài Thành đành “lui quân”, tạm thời không đến Gò Dầu làm nhiệm vụ.

Ngày 5.7, Công ty Sài Thành gửi công văn đến UBND huyện Gò Dầu với nội dung tạm ngưng hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Gò Dầu.

Chính quyền địa phương phải giải quyết bằng cách tổ chức đối thoại giữa chính quyền với các hộ dân làm nghề gom rác ở Gò Dầu trước đây. Mặt khác, UBND huyện Gò Dầu chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KT-HT) huyện thuê phương tiện vận chuyển, sử dụng lực lượng công nhân Đội công viên cây xanh và Đội sửa chữa đường bộ của huyện đi thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện.

Và khi các công nhân của hai đội này đến thu gom rác tại các địa phương trong huyện cũng bị các hộ dân làm nghề gom rác trước đây tiếp tục gây khó khăn, cản trở. Phải nhờ đến lực lượng Công an huyện giữ trật tự, hơn 20 tấn rác thải ở chợ Gò Dầu mới được vận chuyển đi nơi khác.

Một người dân sinh sống bằng nghề thu gom rác phát biểu tại buổi đối thoại.

Cùng lắng nghe, cùng tháo gỡ

Để giải quyết vấn đề vụ “bung xung” này, ngày 11.7, UBND huyện Gò Dầu đã tổ chức buổi đối thoại với 27 hộ dân làm nghề gom rác trong huyện, với sự tham dự của lãnh đạo huyện và đại diện các ngành chức năng để tìm hướng đi ổn thoả cho đôi bên.

Tại cuộc họp có 15 lượt ý kiến của những người dân từng làm nghề thu gom rác tập trung vào các nội dung chính: đồng tình với chủ trương đóng cửa bãi rác ấp Xóm Mới; muốn tiếp tục được làm nghề và được huyện giao việc thu gom rác để kiếm sống, không giao cho đơn vị ngoài tỉnh; hoặc muốn thành lập hợp tác xã thu gom rác và trở thành đối tác với Công ty Sài Thành. Đại diện chính quyền huyện Gò Dầu ghi nhận tất cả tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân làm nghề thu gom rác và chỉ đạo cho Phòng KT-HT huyện làm việc với Công ty Sài Thành- về đề xuất cho những hộ dân này làm “đối tác” thu gom rác trong những con hẻm nhỏ ra đường lớn và tập kết lại cho Công ty Sài Thành đến chuyển đi, có như vậy bà con mới có thể tiếp tục bảo đảm cuộc sống.

Cuộc đối thoại gặp gỡ giữa chính quyền với những hộ dân làm nghề thu gom rác dân lập này đã nói lên được phần nào công việc mà họ đã làm từ trước đến giờ mà ít ai chú ý đến. Nhiều năm qua, mỗi ngày, những người dân này đều lặng lẽ tự đi thu gom rác trong khu dân cư rồi chuyển đến bãi rác ấp Xóm Mới. Vì đây là việc làm tự phát nên phí thu gom rác cũng được tính toán trên cơ sở tự phát, do đó, số tiền thu không thống nhất, mà dựa vào sự thoả thuận giữa từng hộ dân với người thu gom rác, có khi thu từ 50.000 đồng đến hơn 150.000 đồng/hộ/tháng (?!). Một vấn đề đáng lưu ý nữa là việc thu gom, vận chuyển rác được thực hiện bằng xe thô sơ không đúng quy định, cho nên quá trình vận chuyển không tránh khỏi gây rơi vãi rác, bốc mùi hôi thối trong khu dân cư.

Điều cần được ghi nhận là dù sao, việc thu gom rác “tự phát” này cũng góp phần làm sạch đẹp cho bộ mặt đô thị của huyện Gò Dầu từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, với nhu cầu của giai đoạn phát triển mới, và những quy định ngày càng chặt chẽ của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nên chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện việc thu gom rác một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Một vị lãnh đạo huyện Gò Dầu cho biết, địa phương không hề “ưu ái” đối với doanh nghiệp ngoài tỉnh mà luôn công bằng trong việc tổ chức thực hiện quá trình thu gom, xử lý rác. Việc lựa chọn đơn vị thực hiện việc này được đấu thầu rộng rãi, công khai cho bất cứ ai có năng lực thực hiện.

Bãi rác ấp Xóm Mới phải “đóng cửa” vì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, hiện nay việc thu gom và xử lý rác ở Gò Dầu được giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam thực hiện.

Đây là một trong hai công ty đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chuyên về lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt. Công ty này được UBND tỉnh cấp phép hoạt động, có trụ sở đặt tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu.

Và UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa các bãi rác chôn lấp “thủ công”, giao việc xử lý rác về cho Công ty Huê Phương hoặc Công ty CP Công nghệ Môi trường Tây Ninh (toạ lạc tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) .

Huyện Gò Dầu cũng khuyến cáo, để có thể tiếp tục thực hiện việc thu gom rác, các hộ dân làm nghề này phải bảo đảm các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật như phải có xe chuyên dụng để thu gom, ép rác và chở đến nhà máy xử lý. Tuy nhiên, xem ra việc phải đầu tư những trang thiết bị chuyên dụng này là “không thể” đối với các hộ dân làm nghề thu gom rác nhỏ lẻ, tự phát tại địa phương.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo UBND huyện Gò Dầu nói rõ và khẳng định: những hộ dân muốn hoạt động thu gom rác trở lại phải mua sắm phương tiện vận chuyển rác đúng theo quy định chứ không được sử dụng xe thô sơ để thu gom, vận chuyển rác như trước đây. Đồng thời, phải thu tiền gom rác theo giá quy định hiện hành là 15.000 đồng/hộ/tháng, chứ không tự ý thu tiền với giá thoả thuận với hộ dân, hộ kinh doanh như trước.

Lãnh đạo huyện ra thời hạn một ngày để những hộ dân làm nghề thu gom rác trở về gia đình suy nghĩ, bàn bạc thật kỹ trước khi quyết định. Nếu ai không đủ khả năng tiếp tục theo nghề thu gom rác và có hoàn cảnh khó khăn, UBND huyện Gò Dầu sẽ có kế hoạch hỗ trợ để chuyển đổi ngành nghề, không bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Trong thời gian chờ đợi bà con suy nghĩ, quyết định, chính quyền địa phương bày tỏ mong muốn những hộ dân này không tiếp tục gây khó khăn, cản trở hoạt động thu gom rác ở Gò Dầu.

Chưa biết tương lai của những hộ dân từng làm nghề thu gom rác ở huyện Gò Dầu sẽ ra sao, và hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường ở huyện này giải quyết như thế nào. Nhưng mọi người đều mong muốn người dân gắn bó với nghề rác ở huyện Gò Dầu bình tĩnh, sáng suốt và cùng hướng đến mục đích chung là giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp cho huyện nhà.

ĐỨC AN - ĐạI DƯƠNG

Sáng 13.7, ông Huỳnh Việt Sơn- Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Dầu cho biết, việc thu gom rác tại huyện Gò Dầu đã trở lại ổn định, các hộ dân này đã không còn cản trở, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Hiện nay, hơn 20 hộ dân này đang tiến hành thoả thuận về chi phí giá cả với Công ty Sài Thành trong việc thu gom rác trên địa bàn huyện Gò Dầu.
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục