Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thảo luận về điều kiện công nhận người chuyển đổi giới tính
Thứ ba: 08:53 ngày 21/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế xây dựng. Vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật này sau nhiều hội thảo trong nước trước đó, với sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia nước ngoài.

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người có mong muốn CĐGT thực hiện được quyền CĐGT. Ảnh: VGP/Hiền Minh 

Tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người chuyển giới hiện nay chiếm khoảng 0,3% - 0,5% dân số. Đến nay đã có 61 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.

Có cần phải phẫu thuật mới được công nhận giới tính mới?

Trong số 61 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính (CĐGT) trên thế giới hiện nay, đó 38 quốc gia (chiếm 62%) ở châu Âu và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Phillipines… yêu cầu người có mong muốn được công nhận CĐGT phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân.

Trong khi đó, có một số nước cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel…

Tại hội thảo, GS.BS Dan Karasic (Đại học Y dược California San Francisco) chia sẻ, theo quyết định của Tòa án nhân quyền châu Âu tháng 4/2017 vừa rồi, việc yêu cầu triệt sản hay phẫu thuật bộ phận sinh dục có thể tác động lên sức khỏe sinh sản để thay đổi giới tính pháp lý là vi phạm quyền con người. Do đó, những quốc gia châu Âu như Thụy Điển và Na Uy đã bỏ điều kiện triệt sản từ trước.

Tại Việt Nam, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, trong dự thảo Luật CĐGT, Bộ Y tế cũng đang đề xuất hai phương án, hoặc chỉ cần sử dụng hooc môn liên tục trong hai năm hoặc người thực hiện can thiệp ngoại khoa sẽ được công nhận là người CĐGT.

Phẫu thuật CĐGT rất tốn kém, có nhiều rủi ro. Hiện nay, có nhiều người muốn CĐGT nhưng không có tiền hoặc mắc bệnh tâm lý không muốn phẫu thuật. Có người chỉ có tiền phẫu thuật ngực mà không có tiền phẫu thuật bộ phận sinh dục. Vì tính chất nhân văn và theo thông lệ đa số quốc gia trên thế giới, chúng tôi đề xuất quy định không bắt buộc điều kiện phải phẫu thuật CĐGT mới được công nhận đã CĐGT, ông Nguyễn Huy Quang cho biết.

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến góp ý về quy định độ tuổi và hôn nhân của người CĐGT. Ông Cianan B.Rusell, mạng lưới Người chuyển giới châu Á, Thái Bình Dương cho biết, trẻ em chuyển giới đã có thể xác định giới tính của bản thân khá sớm từ khi mới 2-3 tuổi, nhiều trẻ dậy thì trước 18 tuổi.

Do đó, ông Cianan cho rằng, nếu yêu cầu độ tuổi cho người chuyển giới là 18 mới được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì trong quá trình định giới vô tình có thể đẩy trẻ em chuyển giới phải trưởng thành sớm về mặt cơ thể mà không phát triển đồng đều và lành mạnh với bản dạng giới của họ. Thậm chí tạo áp lực tâm lý, bức bối vì không được sống với đúng giới tính khiến trẻ đối mặt với nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường, nghỉ học sớm và có trường hợp tự tử.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Quang, người CĐGT phải tự chịu trách nhiệm về quyết định chuyển giới của mình. Do đó, quy định độ tuổi 18 ở Việt Nam là hợp lý.

“Vì một người trưởng thành về mặt sinh lý, có quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm về sự thay đổi liên quan đến thân thể của mình”, ông Quang nhấn mạnh.

Việt Nam cũng không công nhận hôn nhân đồng giới, do đó, quy định về độc thân mới được công nhận CĐGT phù hợp với truyền thống văn hóa và pháp luật về hôn nhân của Việt Nam.

Chi phí cho phẫu thuật chuyển giới lên tới 1,5 tỷ đồng

Tại Việt Nam, hiện có gần 400 nghìn người mong muốn CĐGT. Tuy nhiên, do trong nước chưa có những dịch vụ chuyên biệt về chuyển đổi giới tính, nên người có mong muốn chuyển giới không có thông tin hướng dẫn tư vấn từ bác sỹ chuyên môn khi quyết định sử dụng hooc môn.

Theo một kết quả nghiên cứu của Mạng lưới người chuyển giới châu Á Thái Bình Dương, trong số những người hiện đang sử dụng hooc môn có đến gần 60% người cho biết, họ chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hooc môn.

Với những người đã từng được nhận dịch vụ này, gần 30% nhận được tư vấn bởi chính những cá nhân người kinh doanh cung cấp hooc môn và dịch vụ hỗ trợ.

Báo cáo này cũng cho biết, đa số những người sử dụng hooc môn cho biết loại hooc môn mà họ đang sử dụng có nguồn gốc từ nước ngoài như Thái Lan, Hà Lan. Hơn một nửa số người sử dụng hooc môn cho biết, họ sử dụng nguồn cung cấp trôi nổi từ những người bán hooc môn trên mạng internet hoặc các nguồn tư nhân.

Do đó, những phản ứng không mong muốn của cơ thể với hooc môn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào do sử dụng hooc môn kém chất lượng, cường độ và liều lương sử dụng không thích hợp, đặc biệt là biến chứng, tai nạn khi tiêm thuốc.

Cũng theo nghiên cứu này, tổng chi phí cho việc phẫu thuật chuyển giới tính đến nay, dao động từ 23 triệu đến hơn 1,5 tỷ đồng. Với nhóm FTM (từ nữ sang nam), chi phí trung bình cho phẫu thuật chuyển giới là hơn 147 triệu đồng, với nhóm MTF (nam sang nữ), chi phí trung bình này là hơn 128 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí phẫu thuật lớn là nguyên nhân khiến không nhiều người thực hiện biện pháp can thiệp này do không có khả năng chi trả. Ngoài ra, chi phí phẫu thuật cao cũng khiến nhiều người tìm kiếm các dịch vụ “chui” giá thấp từ các cơ sở tư nhân hoặc các dịch vụ ngoài luồng, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Huy Quang, dự thảo Luật CĐGT do Bộ Y tế đang xây dựng sẽ là cơ sở pháp lý cho những người mong muốn CĐGT thực hiện được quyền CĐGT, hiểu về những tác động của việc CĐGT và thực hiện một cách tự nguyện.

Cũng tại hội thảo, BS.Nguyễn Hồng Hà, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, song song với quá trình xây dựng Luật và chờ Luật được thông qua, ngành Y tế nói chung và các phẫu thuật viên tạo hình thẩm mỹ nói riêng đã có các bước chuẩn bị để có thể đáp ứng được nhu cầu phẫu thuật CĐGT tại Việt Nam.

Tuy nhiên, BS. Nguyễn Hồng Hà cũng chia sẻ, phẫu thuật luôn tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro, không thể đảo ngược, vì vậy những người có mong muốn CĐGT cần tuân theo một quy trình đầy đủ, lâu dài về tâm lý, thể chất, nội tiết tố, sống thử trước khi quyết định.

Nguồn Chinhphu

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục