Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tháp Mường Và

Cập nhật ngày: 03/06/2012 - 12:07

Tháp Mường Và (xã Mường Và, Sốp Cộp) là một trong những công trình cổ kính và nổi tiếng của mảnh đất Sơn La. Hình ảnh về ngọn tháp này cũng được chọn làm logo của Huyện Sốp Cộp, và được coi như một nơi tôn nghiêm, linh thiêng bậc nhất của người dân nơi đây. Tuy nhiên, những câu chuyện về ngọn tháp lại rất hiếm hoi, thoảng hoặc chỉ là những lời đồn thổi mang đầy màu sắc huyền bí.

Ngọn tháp nhìn từ bản Mường Và, ngôi làng nằm cách trung tâm huyện Sốp Cộp khoảng 30 Km với những ngôi nhà có lối kiến trúc cổ, đẹp như tranh vẽ. Ngọn tháp nổi tiếng ở Sơn La được dân bản tôn sùng và coi như chốn linh thiêng, khiến xung quanh nó có rất nhiều lời đồn đoán mang màu sắc huyền bí.

Ngọn tháp kỳ lạ

Lòng vòng cả ngày, chúng tôi không tìm được một ai trong bản nắm được tường tận lịch sử về ngọn tháp linh thiêng. Ngay cả những người già trong làng cũng chỉ được nghe cha ông kể lại những câu chuyện chắp vá, không đầu cuối và nhiều phần hư thực về tháp Mường Và.

Ngọn tháp hiện đang được tôn tạo lại.

"Từ khi tôi lớn lên ngọn tháp đã có rồi. Hình dáng của nó hiện cũng không khác bây giờ là mấy: Nền tháp có cạnh hình vuông , mỗi chiều 2,5m, thân gồm sáu hình khối chống lên nhau, càng lên cao càng nhỏ dần. Tháp xây bằng vữa và bằng gạch. Tầng hai còn thấy ba loại hoa văn đắp nổi: hình ô cửa, hình chữ Y, hình lá đề.

Trước kia, trên đỉnh tháp là một chiếc lọ đựng nước thơm. Đây là nước thơm của nàng Ăm (con gái của lý trưởng Mường Và). Người ta bảo rằng, thứ nước ấy mang ý nghĩa biểu trưng giúp trừ tà ma và bảo vệ chung cho cả dân tộc Lào. Phần ngọn tháp sau đó bị mất một phần trên đỉnh vào khoảng năm 1938 do một trận động đất”, ông Lò Văn Siêng Ón (75 tuổi), một người cao tuổi sống gần chân tháp kể.

Tuy nhiên, theo ông Ón, dù không hiểu nhiều về ngọn tháp, nhưng người dân trong bản vô cùng tôn sùng và coi đây như một nơi linh thiêng bậc nhất của cả bản làng. Cũng bởi, xung quanh ngọn tháp có nhiều câu chuyện truyền tai và chính ông Ón cũng đôi lần chứng kiến khiến ai ai cũng kính sợ.

Với lối kiến trúc, hoa văn cổ, ngọn tháp được dự đoán đã tồn tại cách đây 700 năm.

"Ngọn tháp linh thiêng lắm, những người yếu bóng vía, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là không dám bén mảng tới. Người ta bảo rằng, nếu phụ nữ lên tháp sẽ cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, thậm chí ộc máu mũi. Có người lên thì về bị đau bụng dữ dội hoặc ốm liệt giường.
Trước ngọn tháp do sư người Lào cai quản (gọi là Khu Ba) và dân bản chỉ dám lên khi được ông cho phép. Thế nhưng, sau đó do biến động của lịch sử, Khu Ba bỏ về Mường Ét và ngọn tháp để không từ bấy đến nay. Tuy nhiên, mặc dù vậy, người ta vẫn cho rằng, ngọn tháp chắc hẳn vẫn còn lời nguyền nào đó nên không dám tới gần.

Ngay cả gần đây, tháp Mường Và đang được được tôn tạo, chỉnh trang, người dân vẫn rất dè chừng. Nếu không có việc gì thì cũng hạn chế lên tháp…”, ông Ón kể.

Lời đồn kho báu

Để tìm hiểu thêm thông tin về ngọn tháp kỳ bí, chúng tôi đã tìm gặp ông Lò Minh Ón, Phó chủ tịch hội khuyến học huyện Sốp Cộp, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu am hiểu rất nhiều về phong tục, tập quán và nhiều công trình kiến trúc của các đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.
Ông Ón kể, theo những tài liệu ông thu thập được về tháp Mường Và, có một câu chuyện kể rằng: cách đây khoảng 500 năm, người Trung Quốc có sang cướp bóc nhiều của cải ở mảnh đất này. Sau đó, do thiếu lương thực nên chúng đã rút quân bỏ về phương Bắc. Nhưng trước khi đi, chúng gom hết đống của cải cướp bóc chôn giấu dưới chân tháp Mường Và rồi lấp cát lên trên.
Kế đó, theo thuật trấn yểm của người Trung Quốc thủa xưa, chúng đã giết hại 4 người trai trinh và 4 cô gái còn trong trắng yểm bốn phía để giữ của, ngăn không cho người khác xâm hại.
Câu chuyện về kho báu sau đó đã theo đường truyền đến tai Sa Thú ở Luông Pha Băng (chức danh chỉ người sư giữ chức vụ cao nhất của một Tỉnh của Lào). Ông này đã cho người đến đào. Tuy nhiên, khi một chua (lính - pv) vừa vác cuốc xẻng đào được vài tấc đất dưới chân tháp liền bị phọt máu mũi và chết tức thì. Những người khác nhìn thấy cảnh ấy thì kinh sợ, không ai dám tiếp tục lùng tìm kho báu nữa.

Gần đây, tháp Mường Và được tôn tạo. Phần chân móng được đào xới lại để lát cho bằng phẳng, người ta tìm được một bộ hài cốt cùng với một tẩu hút thuốc phiện bằng gốm, đinh sắt, một số đồng tiền xu cổ và một số vật dụng khác. Có ý kiến cho rằng, đó chính là xác của người lính tử nạn năm xưa do phạm vào lời nguyền trấn yểm.

Người ta cũng cho rằng, dưới chân tháp chôn rất nhiều vật quý, trong đó có cả đồng đen. Chính vì thế, phụ nữ và trẻ em lên tháp bị bức xạ dẫn đến mệt mỏi và ốm. Nhiều năm sau đó, chuyện kho báu vẫn ám ảnh nhiều người. Năm 1957, 1958, một số kẻ hám của còn đào khoét một phần chân tháp để truy tìm của cải. Tuy nhiên, đó chỉ là lời đồn đại và phỏng đoán, thực hư ra sao thì chưa ai nắm bắt được.

Ngoài ra, trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, bom đạn bắn phá dữ dội, nhiều ngọn núi bị san phẳng và nhiều nơi trong bản biến thành… ao hồ, nhưng ngọn tháp vẫn đứng vững, không hề hấn gì. Người dân thấy thế mà càng nể sợ hơn”, ông Ón cho hay.

"Dù còn nhiều bí ẩn và những câu chuyện hư thực xung quanh tháp Mường Và chưa thể lý giải, nhưng tháp hiện được coi là một trong những công trình cổ kính bậc nhất của cả huyện Sốp Cộp và là một công trình kiến trúc cổ còn lại ít ỏi trên vùng đất văn hóa Tây Bắc. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân nơi đây nó còn được xem là biểu tượng của tình đoàn kết keo sơn hai nước, hai dân tộc anh em Việt-Lào”, ông Tòng Văn Cường, chủ tịch UBND xã Mường Và nói.

Đ.T (st)