Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những nguyên nhân khiến cho số lượng học sinh giỏi của Tây Ninh ngày càng thấp có nguyên nhân từ phía đội ngũ giáo viên…
Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha |
(BTN) - Như tin đã đưa, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2012 - 2013, Tây Ninh có 54 thí sinh tham dự nhưng chỉ có 5 thí sinh đạt giải. Trong đó, có 4 học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha và một học sinh Trường THPT Tây Ninh.
Trong số 5 thí sinh đạt giải, chỉ duy nhất thí sinh Lê Duy Bình (Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha) đạt giải Ba môn Toán. 4 thí sinh còn lại đều chỉ đạt giải Khuyến khích, một giải môn Lịch sử và ba giải môn Địa lý.
Trong số 54 thí sinh dự thi của Tây Ninh, riêng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã chiếm đến 43 em, vì thế đây được xem là lực lượng nòng cốt của đội tuyển tỉnh nhà. Đối chiếu kết quả với các tỉnh trong khu vực như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… thì Tây Ninh thua hẳn cả về số lượng lẫn chất lượng giải. Đơn cử: Vũng Tàu giành 23 giải, Bình Dương 13 giải, Đồng Nai 34 giải và đặc biệt tỉnh Bình Phước đến 46 giải.
Sau khi kết quả thi chọn học sinh giỏi được công bố, chúng tôi đã hỏi ý kiến của một số giáo viên, cán bộ quản lý để nghe câu giải thích về kết quả không vui của Tây Ninh. Theo lời của một giáo viên (đề nghị giấu tên) trực tiếp tham gia luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi, trong những nguyên nhân khiến cho số lượng học sinh giỏi của Tây Ninh ngày càng thấp có nguyên nhân từ phía đội ngũ giáo viên; do xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nên trình độ của các giáo viên trường chuyên không đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Chủ trương sàng lọc đội ngũ giáo viên trường chuyên đã có nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đây là vấn đề không đơn giản. Qua thực tiễn giảng dạy có thể đánh giá được trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm của giáo viên, tuy nhiên để đưa ra quyết định ai đi, ai ở lại trường chuyên là… khó lắm! Bên cạnh vấn đề về năng lực chuyên môn, cái tâm của giáo viên đối với việc luyện thi cho học sinh cũng rất quan trọng. Hiện đang diễn ra tình trạng một số giáo viên không mấy mặn mà với công tác này.
Một cán bộ làm công tác quản lý cũng đồng tình rằng, trình độ của một bộ phận giáo viên trường chuyên thật sự còn hạn chế. Theo ông, lẽ ra trình độ tay nghề của giáo viên trường chuyên phải hơn hẳn giáo viên các trường đại trà thì mới có thể tạo nên sự khác biệt cho học sinh trường chuyên. So với đồng nghiệp, giáo viên trường chuyên đang được hưởng nhiều ưu đãi so với giáo viên ở các trường khác. “Dạy một tiết, giáo viên trường chuyên được tính bằng ba tiết. Học sinh thi vào trường chuyên được đánh giá là hơn hẳn các trường khác về mặt học lực. Đó là hai ưu thế lớn dành riêng cho trường chuyên mà một trường bình thường khác không có được” – ông nói. Vẫn theo lời ông này, hiện đang có một bộ phận giáo viên trường chuyên không tích cực trong giảng dạy. Một yếu tố khác cũng trực tiếp ảnh hưởng đến phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, đó là vấn đề về công tác quản lý. Ví dụ, cùng một môn toán, nhưng hiệu trưởng, hiệu phó phải biết giáo viên nào dạy hay, dạy tốt ở phần nào để phân công chuyên môn cho khoa học. Nếu phân công bồi dưỡng mà không đúng người thì khó mà đạt hiệu quả.
Cũng phải tính đến nguyên nhân từ học sinh. Trong mấy năm gần đây, có một thực tế là học sinh trường chuyên không còn mặn mà với thi học sinh giỏi quốc gia, cho dù chế độ tuyển thẳng vào đại học đã được khôi phục. Hiện nay, suy nghĩ chung của đại đa số học sinh và cả các bậc phụ huynh vẫn là các em phải tập trung cho mục tiêu vào đại học.
Đó là ý kiến của những người trong nghề, xin nêu lên đây để cùng tham khảo.
Riêng người viết bài này, qua tìm hiểu được biết: chất lượng học sinh trường chuyên hiện không cao như nhiều năm về trước. Kết quả thi tuyển sinh đầu vào trường chuyên mấy năm gần đây đều không như mong muốn, có môn tuyển không đủ chỉ tiêu. Thậm chí một số môn như Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử còn không thành lập được lớp chuyên mà phải gộp lại thành một lớp tổng hợp. Những hiện tượng như vừa nêu rất hiếm khi xảy ra ở các trường chuyên khác.
VIỆT ĐÔNG