Văn hóa - Giải trí   Giới thiệu sách

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thấu hiểu tâm lý học đường - cần cho cả giáo viên và phụ huynh 

Cập nhật ngày: 13/03/2020 - 08:29

BTN - Trong cuộc đời của một con người, những năm tháng niên thiếu là giai đoạn có những thay đổi lớn và phát triển mạnh mẽ về thể chất, sinh lý, tâm lý, nhận thức... khiến cho cha mẹ, thầy cô bất ngờ, bối rối, khó xử.

Sự “bất thường” được thể hiện bằng những cụm từ khác nhau “tuổi teen, tuổi khó bảo, tuổi khủng hoảng, tuổi ẩm ương, tuổi nổi loạn, tuổi bất trị...”. Trong hoàn cảnh, môi trường sống hiện nay, những biến đổi đột ngột của lứa tuổi này càng phức tạp, khó lường khiến nhà trường, thầy cô, phụ huynh càng đau đầu hơn.

Để giúp giáo viên, phụ huynh có những hiểu biết, kỹ năng dạy dỗ, giáo dục lứa tuổi này, Ánh Hoa đã biên soạn cuốn Thấu hiểu tâm lý học đường (Nhà xuất bản Dân Trí, 2019).

Cuốn sách biên soạn cô đọng, chỉ khoảng 140 trang, được chia làm 3 phần. Phần 1 có chủ đề: “Tầm quan trọng của thấu hiểu tâm lý học đường”. Từ nhiều năm nay, cụm từ tâm lý học đường thu hút sự quan tâm của toàn ngành giáo dục và cả xã hội. Hiểu một cách đơn giản, “Tâm lý học đường là những vấn đề tâm lý mà các em học sinh thường gặp phải”.

Trên cơ sở cách hiểu đó, tác giả phân tích, lý giải vì sao phải quan tâm đến tâm lý học sinh, tầm quan trọng của thấu hiểu tâm lý học sinh và vai trò cần thiết phải tư vấn tâm lý học đường. Thấu hiểu tâm lý học đường sẽ giúp phụ huynh, giáo viên phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm cho thanh thiếu niên trong nhận thức, trong hành vi cảm xúc ở môi trường học đường, gia đình và cộng đồng. Phần II là “Sự thay đổi của tâm sinh lý của lứa tuổi học đường”.

Tác giả dành khoảng 40 trang phân tích cơ sở khoa học và thực tiễn của tâm sinh lý lứa tuổi học đường (khoảng cuối cấp tiểu học đến cuối cấp trung học phổ thông). Những thay đổi và tác động về điều kiện sống của gia đình, nhà trường, xã hội khiến cho hoạt động giao tiếp của các em rộng mở, phức tạp hơn. Đây cũng là giai đoạn hình thành ý thức, đạo đức, tình cảm… để tạo nên nhân cách. Đáng chú ý là sự hình thành biểu tượng “cái tôi” có tính hệ thống, nảy sinh cảm nhận về “tính chất người lớn” của bản thân, sự hình thành thế giới quan và cảm xúc có sự thay đổi lớn…

Trên cơ sở đó, tác giả đặt ra và trả lời: Làm sao để thấu hiểu và giúp đỡ con khi gặp vấn đề tâm lý học đường? Người giáo viên nên làm gì để chia sẻ, giúp đỡ các em học sinh trong tiến trình phát triển tâm lý? Phần III nói về chủ đề “Tâm lý học đường thường gặp”, chiếm dung lượng lớn với khoảng 80 trang sách. Tác giả lý giải vì sao tuổi dậy thì thường bất thường, những rối loạn về tâm lý với các hội chứng như stress, rối loạn cảm xúc, tâm lý, hành vi, trầm cảm…

Khi phát hiện các em có những dấu hiệu đó, phụ huynh và giáo viên phải biết nói chuyện, lắng nghe để có những giải pháp thích hợp. Nội dung có ý nghĩa thực tiễn và thực dụng nhất là hệ thống hoá tâm lý học đường, bao gồm: những áp lực học tập; nghiện game, internet, mạng xã hội; tình yêu học đường; bạo lực học đường do khủng hoảng tâm lý, “bỗng dưng” nổi loạn; những vướng mắc thầm kín tuổi dậy thì...

Ở mỗi biểu hiện, tác giả phân tích, lý giải nguyên nhân, cơ sở khoa học và thực tiễn, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với đời sống, hoạt động học tập, tu dưỡng rèn luyện của các em. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất, gợi ý các giải pháp, biện pháp “hoá giải”, để hiệu quả. Tác giả nhấn mạnh giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là người bạn gần gũi, tin cậy để các em mạnh dạn, bộc bạch những điều khó khăn, thầm kín nhất...

Tác giả cho rằng làm cha làm mẹ là "công việc" khó nhất trong đời mỗi con người, đòi hỏi sự chuyên tâm, hao tốn thời gian, công sức, tiền của... cần có một cái nhìn trọn vẹn và tầm nhìn xa: "Mục đích cuối cùng của việc dạy dỗ và giáo dục con cái đó là giúp chúng đứng vững trong cuộc sống, đương đầu với những khó khăn, thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh của cuộc sống, giúp con cái phát triển đúng với con người của chúng về năng khiếu, tiềm năng, sở trường...” (trang 48). Cha mẹ không thể sống giúp, sống thay cho con mà phải tạo cho con một nền tảng vững chắc để chúng có khả năng sống độc lập, tự chủ, không phụ thuộc.

“Thấu hiểu tâm lý học đường” chưa phải là một giáo trình nhưng nó sẽ là một tài liệu tham khảo có ích cho giáo viên và phụ huynh. Dành thời gian đọc để “thấu hiểu”, bạn sẽ có thêm kiến thức và kỹ năng để giáo dục học sinh và con cái một cách khoa học, hiệu quả hơn.

DIỆU MAI