Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Anh Nguyễn Ðức Lý hiện có một trang trại nuôi heo khá lớn tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, là một trong ba hộ được chọn tham gia Ðề án phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh theo hướng VietGAHP đến năm 2020 tại 3 huyện Tân Biên, Tân Châu và Bến Cầu.
Trại chăn nuôi heo của gia đình anh Lý.
Anh Lý cho biết đã nuôi heo hàng chục năm qua theo phương pháp truyền thống tại hộ gia đình. “Heo tôi nuôi được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, về thức ăn tôi không lấy cố định của một hãng nào, vì chưa biết loại nào đạt chất lượng tốt nhất”.
Sau khi tham gia khoá tập huấn về chăn nuôi heo theo hướng VietGHAP, do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Tân Châu vào tháng 5.2017, anh Lý đã áp dụng cách nuôi mới. “Tôi quyết định chỉ chọn thức ăn của một công ty.
Khi cho heo ăn, mỗi lô hàng đều lấy mẫu cám lưu lại. Trong mẫu lưu ghi rõ ngày lấy mẫu và ngày sản xuất của cám ghi trên bao bì. Như vậy, nếu xét nghiệm trong thịt heo có chất gì khác thường, tôi đã có hồ sơ sổ sách để đối chứng với phía công ty cung cấp cám”, anh Lý nói.
Từ ngày giá heo hơi xuống thấp, để có thể “tự cứu” mình, anh Lý đưa heo đi mổ và xẻ thịt để bán, mỗi ngày từ 1-2 con. Ðây cũng là lứa heo đầu tiên anh nuôi theo phương pháp mới.
“Trước giờ tôi nuôi heo hoàn toàn không dùng chất tạo nạc hay thuốc tăng trưởng, nhưng cũng không thể bảo đảm là thức ăn của công ty an toàn đối với sức khoẻ người dùng thịt heo. Từ khi tôi nuôi heo theo phương pháp mới, công ty cung cấp cám cam kết nếu có bất kỳ vấn đề gì do thức ăn gây ra, họ chịu trách nhiệm nên mình yên tâm”.
N.D